Người biến môn phụ thành môn 'hot'

18/12/2017 - 15:13

PNO - Mười năm kể từ khi nổi lên như một “hiện tượng” thầy giáo môn giáo dục công dân Trần Tuấn Anh, Trường THCS Bạch Đằng (Q.3, TP.HCM) hiện đã “hot” không thua bất kỳ một diễn giả đắt sô nào.

Mười năm kể từ khi nổi lên như một “hiện tượng”, thầy giáo môn giáo dục công dân Trần Tuấn Anh, Trường THCS Bạch Đằng (Q.3, TP.HCM) hiện đã “hot” không thua bất kỳ một diễn giả đắt sô nào. Dồn tâm huyết cho bài giảng, anh không chỉ tạo được sức hút lớn với học sinh mà còn góp phần không nhỏ trong việc xóa bỏ định kiến với người thầy dạy môn phụ.

Nguoi bien mon phu thanh mon 'hot'
Thầy Trần Tuấn Anh luôn khiến học trò phấn khích khi học môn giáo dục công dân

Diễn giả môn phụ

Mười năm trước, khi mới vào nghề, thầy giáo trẻ Trần Tuấn Anh đã nổi lên như một hiện tượng về sự đổi mới phương pháp dạy học. Anh xuất hiện trên nhiều phương tiện truyền thông với các bài giảng giáo dục công dân (GDCD) hấp dẫn, có lồng ghép thực tế, kết hợp tranh ảnh và những câu chuyện cảm động, nên đã lấy bao nước mắt của học sinh (HS). Mấy chữ “thầy Trần Tuấn Anh GDCD” trở thành từ khóa "hot". Các trường quốc tế, các trung tâm văn hóa, các tổ chức xã hội… xếp lịch chờ anh đến dạy GDCD, chia sẻ những bài học về đạo đức cho HS.

Trước đây, người viết bài này từng hoài nghi kiểu giảng bài của anh, chỉ thiên về cảm xúc, nghe một lần thấy hay nhưng đến lần hai lần ba sẽ dễ chán.

Để chứng thực cho sự hoài nghi đó, tôi đã “đột kích” một buổi dạy của anh tại Trung tâm bồi dưỡng văn hóa 218 Lý Tự Trọng. Hôm ấy, đã gần 20g mà lớp vẫn đông nghịt. Sau một ngày dài ở trường, HS vẫn chạy đến trung tâm, nghiêm túc ngồi nghe thầy Tuấn Anh dạy đạo đức - một môn học “phụ của phụ”, vốn chẳng HS nào nghĩ đến việc cần phải đi... học thêm.

Với chất giọng trầm ấm, truyền cảm, bài giảng của thầy đã chạm đến tâm hồn, len lỏi vào những góc khuất trong tâm tư tuổi học trò. Thầy Tuấn Anh cho biết: “Các em ngồi đây đa số là HS của các trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Trần Đại Nghĩa… nên đã là những HS giỏi nhất. Vì thế, tôi chỉ muốn gieo vào suy nghĩ của các em bài học về việc biết nghĩ lớn, biết yêu thương và giúp đỡ người khác. Những người giỏi mà biết cống hiến, biết chọn lối sống tốt thì xã hội sẽ tốt lên rất nhiều”.

Anh bộc bạch thêm: “Tôi mê dạy học, chỉ cần có lời mời đi dạy, nếu thấy nội dung phù hợp, có thời gian, sức khỏe là tôi nhận lời ngay. Tôi nhận lời không phải vì thù lao vì tôi chưa bao giờ ra giá, thậm chí gặp trường khó khăn, nhiều HS nghèo, tôi còn móc hết tiền túi gửi lại cho các em. Tôi chỉ cần được đứng lớp để nói chuyện với HS và không có nhu cầu thay đổi công việc hiện nay của mình, dù là thăng quan tiến chức” - thầy Tuấn Anh chia sẻ.

Không chỉ dạy tại các trường ở TP.HCM, thầy Trần Tuấn Anh còn là cái tên được chú ý của các trường tư thục tận Hà Nội, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Kiên Giang… Những chuyên đề như Biết ơn cha mẹ, Văn hóa ứng xử, Mục đích học tập của HS, Phòng chống bạo lực học đường và tệ nạn xã hội, Tác hại của quan hệ tình dục lứa tuổi vị thành niên, Thực hiện trật tự an toàn giao thông... vốn khá giáo điều nhưng vào tay “Mr giản dị” (biệt danh của của thầy) thì luôn trở nên gần gũi, đầy sức lay động.

Thầy Tuấn Anh tâm sự: “Trước thực trạng đạo đức của giới trẻ đang có phần suy giảm, tôi mong được tạo điều kiện để giảng các chuyên đề cho công nhân, học viên các trung tâm giáo dưỡng, trung tâm cai nghiện… Có làm ắt sẽ có hiệu quả, dù ít hay nhiều”. Nghĩ là làm, người thầy giáo - diễn giả nổi tiếng này vẫn thường xin đi dạy đạo đức miễn phí cho học viên các trường giáo dưỡng, thanh thiếu niên chậm tiến ở nhiều địa phương…

“Có bệnh con cũng không muốn nghỉ giờ thầy”

Đã cận kề cái tuổi 40 nhưng thầy Tuấn Anh vẫn còn rất... vô tư. Anh vô lo về vật chất, tự biết xí xóa mọi nỗi bực tức và chẳng hề ganh đua bất kỳ điều gì.

Anh vốn lớn lên trong một gia đình nghèo; từng là sinh viên Trường đại học Kinh tế TP.HCM nhưng vì nghèo, không nuôi nổi ước mơ đầu đời, nên rẽ ngang để thành thầy giáo.

Từ khi còn là sinh viên Trường đại học Sài Gòn, Tuấn Anh đã lần mò tìm hiểu về phương pháp giảng dạy mới. Ngoài việc học trên giảng đường, anh còn gắng tự tích lũy kiến thức từ thực tiễn. Ra trường đi dạy, anh không dừng ở các tiết chính khóa mà luôn tìm tòi, soạn giảng các chuyên đề ngoại khóa, lồng ghép những vấn đề đang nóng trong xã hội vào bài giảng để thu hút HS.

Một lần có dịp nói chuyện với nhau, anh đặt trước mặt tôi 13 quyển sách của 13 môn học để chứng minh sự “độc tôn” của môn GDCD, khi chỉ ra nó là quyển sách duy nhất in trắng đen, hình ảnh trình bày đơn điệu, khiến dù là vịnh Hạ Long hay chiếc áo dài thì vào sách cũng... xấu như nhau.

“Nếu người ta mặc định nó là môn phụ thì mình phải làm khác. Chính hay phụ còn do người thầy. Mình đầu tư cho bài giảng có vất vả hơn, nhưng đó là việc phải làm”.

Giờ học GDCD của thầy Tuấn Anh không có lý thuyết khô cứng, xa xôi; mà thầy chỉ nói về những câu chuyện giản dị, thực tế; có hình ảnh, âm thanh đi kèm nên HS rất thích.

“Hồi đầu năm, em bị cảm sốt phải nghỉ học, nhưng em chỉ xin nghỉ buổi sáng. Mẹ em thắc mắc sao không nghỉ nguyên ngày cho khoẻ hẳn; em phải giải thích là buổi chiều có tiết GDCD của thầy Tuấn Anh, mà thầy đã hứa với tụi em tiết học hôm đó sẽ rất đặc sắc. Mỗi tuần, tụi em chỉ học thầy có một tiết nên không muốn bỏ lỡ” - Trâm Anh, HS lớp Tám Trường THCS Bạch Đằng, chia sẻ.

Học sinh là giám khảo công tâm nhất

Mười năm đứng lớp, thầy Tuấn Anh đã tích cóp được cả một gia tài đồ sộ là các tư liệu, hình ảnh phục vụ cho những giờ lên lớp. Thầy không dạy theo quy củ của giáo án sẵn có, mà mỗi giờ học là một câu chuyện để HS tự lĩnh hội và rút ra bài học cho bản thân.

“Tôi chọn cách để các em học thật thoải mái, tác động vào các em bằng nhiều con đường như truyền tải câu chuyện thực tế gần gũi để các em dễ tiếp nhận; kết hợp với nhạc, phim để các em có thêm hứng thú. Nhờ vậy bài học sẽ đọng lại lâu hơn. Trẻ con mà, học mà thích thú thì hiệu quả mới cao” - thầy Tuấn Anh giải thích.

Với người thầy tâm huyết này, sự thăng hoa không phải là những giọt nước mắt của HS ngay trong buổi học, mà là sự cảm hóa sau đó, là mỗi ngày người thầy có thể rót vào các em một ít tình cảm, một ít lý tưởng sống đẹp, dần đến khi các em trưởng thành thế nào cũng đầy đặn.

Qua các tiết dạy của thầy, HS đã nhận thức rõ hơn chuyện tốt - xấu, đồng cảm với từng nhân vật trong câu chuyện. Các em dần thay đổi nhận thức trong học tập và ứng xử, ngoan hơn, lễ phép hơn, biết làm điều tốt, tránh điều xấu, biết sửa sai khi phạm lỗi, có em lấy cắp đồ đã biết trả lại cho bạn…

Một lần khác, tôi đến trường tìm thầy Tuấn Anh, một nhóm HS hào hứng “hướng dẫn” tôi: “Cô thấy thầy giáo nào tay xách bao bị đầy tranh ảnh và cặp loa, đi từ lớp này sang lớp khác thì đó là thầy Tuấn Anh”.

Đuổi kịp thầy ở đầu cầu thang, tôi không tin vào mắt mình khi thấy HS đã chuẩn bị sẵn sách vở đứng chờ thầy. Tôi chợt hiểu ra, với người thầy, không có bằng khen, danh hiệu nào có thể sánh bằng sự “đánh giá” của HS - đó mới thật sự là những vị giám khảo công tâm.

Chia tay tôi, thầy còn nhắn nhủ: “Tôi đang ấp ủ về một phòng học riêng cho những tiết học ngoại khóa môn GDCD. Đó sẽ là một phòng học có màn hình lớn, ánh sáng vàng, HS chia thành nhóm, ngồi bệt bên nhau quanh chiếc bàn tròn với ấm trà nóng, tinh dầu thơm thoang thoảng… Nơi đó sẽ là thánh đường của sự lương thiện với những câu chuyện về cách sống, kỹ năng sống và những bài học làm người”. 

Tiêu Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI