Ngổn ngang nỗi lo thiếu giáo viên, thiếu chỗ học

08/06/2017 - 10:07

PNO - Mới đầu hè nhưng nỗi lo thiếu trường lớp, thiếu giáo viên… trở thành áp lực lớn đối với ngành GD-ĐT TP.HCM.

Năm học 2017-2018, TP.HCM sẽ tăng hơn 59.000 học sinh, làm thế nào để đủ chỗ học, đủ giáo viên cho năm học mới?

Ngon ngang noi lo thieu giao vien, thieu cho hoc
Lớp đông, giáo viên mầm non vất vả “gánh” việc

Học hai buổi/ngày: mục tiêu xa xỉ?

Ngày 6/6, tại buổi làm việc với Ban Văn hóa Xã hội HĐND TP.HCM, Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, năm học 2017-2018 sẽ tăng hơn 59.000 học sinh (HS). Cụ thể, bậc mầm non tăng 19.833 HS, tiểu học tăng 20.199 HS, THCS tăng 12.741 HS và THPT tăng 6.319 HS. Tăng mạnh nhất ở các quận, huyện: 12, Gò Vấp, Bình Tân, Bình Chánh, Củ Chi.

Để đáp ứng chỗ học, TP.HCM đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án trường học. Dự kiến đến ngày 5/9 sẽ có thêm 1.497 phòng học ở các bậc học. Số phòng học này có thể đáp ứng mục tiêu đủ chỗ học cho HS. Nhưng để đảm bảo 100% HS tiểu học được học hai buổi/ngày đúng như lộ trình chương trình mới mà Bộ GD-ĐT đưa ra là mục tiêu xa xỉ. Ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD-ĐT TP.HCM phân tích: Theo dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể của Bộ GD-ĐT, dự kiến năm học 2018-2019, 100% HS học hai buổi/ngày ở lớp 1. Đến năm 2023 sẽ thực hiện tất cả các lớp tiểu học. 

Hiện có 70% trường tiểu học dạy hai buổi/ngày, nhưng với tốc độ gia tăng số HS như hiện nay, duy trì việc dạy học hai buổi/ngày là rất khó. Ông Vinh kiến nghị, TP cần tăng cường đầu tư xây dựng trường lớp, đặc biệt là ở các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Giáo viên giỏi bỏ nghề

Cùng với sự gia tăng HS, bài toán giữ chân giáo viên (GV) cũng hết sức nan giải. Nhiều năm nay, TP.HCM đã cố gắng nhưng để đảm bảo đủ 1,2 GV/lớp (1 buổi/ngày) và 1,5 GV/lớp (2 buổi/ngày) theo quy định của Bộ GD-ĐT thì chưa thực hiện được, dù đã tuyển cả ứng viên tạm trú. 

Với chế độ đãi ngộ như hiện nay, không chỉ khó tuyển GV mà GV giỏi cũng có khuynh hướng ra đi. Thu nhập của GV phải đủ sống thì họ mới vào và gắn bó với nghề. Tuy nhiên, lương của GV khoảng 3-4 triệu đồng/tháng thì họ không thể duy trì cuộc sống. Nhiều GV giỏi của trường công lập có khuynh hướng chuyển qua trường ngoài công lập hoặc chuyển nghề, đặc biệt là GV tiếng Anh. Từ thực trạng này, ông Vinh cho rằng đáp ứng chế độ chính sách cho GV tiểu học là điều rất cần thiết để đảm bảo dạy học hai buổi/ngày. Không có chế độ đãi ngộ phù hợp thì dù các quận huyện tuyển mỗi năm 3-5 lần cũng khó đủ GV.

Bà Trần Hải Yến, đại biểu HĐND nêu thực tế: “Qua các buổi giám sát gần đây, tôi thấy các quận: 4, 5, 11 trong tình trạng thường xuyên thiếu GV. Cá biệt ba năm liên tục quận 11 thiếu GV. Mấu chốt của vấn đề này do đâu, ngành GD-ĐT đã có giải pháp gì để khắc phục?”. Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Lê Hoài Nam cho biết: “Về việc thiếu GV ở một số môn phụ như thể dục, công nghệ… các trường vẫn hợp đồng để đảm bảo yêu cầu theo quy định của Bộ GD-ĐT, nhưng GV định biên thì không đủ. Sở GD-ĐT đã có đề xuất chăm lo cho GV mầm non. Thời gian tới sở sẽ tiếp tục thực hiện những kế hoạch, đề xuất chăm lo cho GV tiểu học”. 

Hoa Kỳ tài trợ ĐH Fulbright Việt Nam 15,5 triệu USD 

Chiều 6/6, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius trao khoản tài trợ trị giá 7,2 triệu USD của Cơ quan viện trợ phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) dành cho ĐH Fulbright Việt Nam (FUV). FUV sẽ dành khoản tài trợ này xây dựng các chính sách tuyển sinh, các thủ tục hỗ trợ tài chính cũng như mở rộng số lượng sinh viên trong ba năm. Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam cũng trao cho FUV khoản tài trợ 8,3 triệu USD từ Vụ Văn hóa và giáo dục (Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ).

Tiêu Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI