Nghề dạy học lung linh thì người giỏi sẽ chen chân vào

06/03/2018 - 10:13

PNO - Nhà nước, đại điện là Bộ GD-ĐT hãy làm gì đó để ngành sư phạm, nghề dạy học trở nên lung linh, hấp dẫn (cả về lương và môi trường làm việc), để những ai vào đó đều cảm thấy mình được tôn trọng.

Báo Phụ Nữ TP.HCM số ra ngày 2/3 có đăng bài Khác biệt trong tuyển sinh sư phạm: Coi chừng phản tác dụng! đề cập việc Bộ GD-ĐT dự định thay đổi một số quy định đầu vào ngành sư phạm: chỉ những học sinh có học lực giỏi trở lên ở lớp 12 mới được dự tuyển vào đại học sư phạm; bậc cao đẳng và trung cấp, ngưỡng dự tuyển là loại khá. Giáo viên Trọng Đức (tỉnh Đồng Nai) với 20 năm trong nghề đã có ý kiến về vấn đề này. 

Nghe day hoc lung linh thi nguoi gioi se chen chan vao
Bộ GD-ĐT hãy làm gì đó để nghề dạy học trở nên hấp dẫn hơn để người giỏi chen chân vào ứng thí - Ảnh: P.Huy

Có thể đoán, Bộ GD-ĐT khi nâng điều kiện đầu vào là để đào tạo ra đội ngũ giáo viên (GV) giỏi trong tương lai, giúp nâng cao chất lượng và hiệu quả của nền giáo dục. Tôi cho rằng, đặt mục tiêu tuyển được học sinh (HS) giỏi, HS xuất sắc vào ngành sư phạm trong điều kiện hiện tại chỉ là mơ ước viển vông! 

Có lẽ nên bắt đầu câu chuyện từ câu nói có tính tổng hợp của ông bà ta: “Có thực mới vực được đạo”. Đời sống luôn tồn tại hai mặt là vật chất và tinh thần. Tạm gác lại mặt tinh thần, có thể nói rằng, GV thuộc nhóm lao động nghèo, thậm chí là nghèo nhất trong xã hội hiện nay, dù đã được Nhà nước quan tâm nhiều. Sẽ có người không đồng ý và bảo rằng, nhiều GV cũng làm ra tiền, sắm được nhà lầu, xe hơi. 

Nhưng nhiều là bao nhiêu? Tôi tin chắc số ấy chỉ là thiểu số. Bởi, nếu có thì hoặc đó là những GV dạy các bộ môn “hot” (như toán, lý, hóa, tiếng Anh) hoặc sống nhờ cha mẹ, vợ, chồng; còn GV dạy 7-8 bộ môn còn lại cũng như đại đa số GV vẫn đang sống dựa vào đồng lương và có mức sống dưới trung bình.

Ngay cả GV dạy các môn “hot” thì không phải GV nào, ở vùng, miền nào, cũng có thể dạy thêm. Đó là chưa kể, dạy thêm với không ít người, còn là một cách “bóp cổ” HS, do nền giáo dục của ta đang tồn tại nhiều bất cập. 

Sống dựa vào đồng lương. Vậy lương của GV hiện nay bao nhiêu? Theo tính toán, với GV mầm non và tiểu học, mức lương khởi điểm gồm cả 35% phụ cấp ưu đãi là hơn 3,2 triệu đồng, với GV bậc THCS là hơn 3,5 triệu đồng và THPT là hơn 3,9 triệu đồng.

Báo cáo từ 40/63 tỉnh, thành gửi về Bộ GD-ĐT cho thấy, tổng thu nhập bình quân của GV tại các cơ sở giáo dục công lập dao động từ 3-10 triệu đồng/tháng, tùy thâm niên công tác và được chia làm ba mức: thấp (công tác dưới 15 năm), trung bình (từ 15-25 năm) và cao (trên 25 năm). Đặc biệt, lương GV rất thấp trong 5 năm đầu, do mức phụ cấp ưu đãi còn thấp và chưa được hưởng phụ cấp thâm niên.

Trong bốn năm học đại học, mức chi của gia đình cho mỗi sinh viên vào khoảng 5 triệu đồng/tháng (chưa kể chi phí của Nhà nước). Nhưng sau khi tốt nghiệp, nếu may mắn xin được chỗ dạy thì lương khởi điểm lần lượt theo bậc học chỉ ở mức 3,2 triệu đồng, 3,5 triệu đồng và 3,9 triệu đồng mỗi tháng.

Nhiều thầy cô đã ví von chua chát: “Lương Nhà nước trả không bằng lương mẹ trả”. Và mức lương ấy thua cả thu nhập của anh xe ôm, chị phụ hồ (hiện khoảng 250.000 đồng/ngày; 7,5 triệu đồng/tháng) - những lao động không cần đào tạo. 

Bạn bè cùng khóa với tôi hiện cũng đang dạy học ở nhiều nơi kể lại, để có chiếc xe máy làm chân đi dạy, để sửa cái nhà hay mua sắm món đồ gì khá khá như tủ lạnh, ti vi, thậm chí là chiếc xe đạp cho con… họ đều phải mua trả góp. Có nơi, gần cả trường mắc nợ ngân hàng.

Đã thế, việc tìm kiếm chỗ dạy cũng không dễ dàng, nhiều người phải nhờ cậy chạy chọt. Thực tiễn ấy là lý do khiến ngành sư phạm lâu nay không thu hút được những thí sinh giỏi (đúng hơn là thu hút được rất ít).

Tôi cũng không đồng tình với quan niệm “đầu vào giỏi thì đầu đầu ra tốt”. Quan niệm này là sai lầm, không nhìn thấy sự tiến bộ của con người theo thời gian và phủ nhận vai trò của hướng nghiệp.

Thực tế đã chứng minh, nhiều sinh viên có đầu vào thấp nhưng kết quả đầu ra lại rất xuất sắc và ngược lại. Nhiều thầy cô giáo học hành thì bình thường, nhưng sau khi ra trường đi dạy thì yêu nghề, yêu HS và dần trở thành GV giỏi, thậm chí thành chuyên gia của các bộ môn.

Dẫn giải những điều này, tôi muốn nói rằng, Nhà nước, đại điện là Bộ GD-ĐT hãy làm gì đó để ngành sư phạm, nghề dạy học trở nên lung linh, hấp dẫn (cả về lương và môi trường làm việc), để những ai vào đó đều cảm thấy mình được tôn trọng. Được như thế thì không chỉ  HS giỏi mà HS xuất sắc cũng sẽ chen nhau ứng thí. 

(Đồng Nai)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI