Ngành giáo dục đang có quá nhiều vấn đề, sao các lãnh đạo vẫn còn ngồi yên?

04/06/2019 - 10:50

PNO - Bất cập trong chính sách giáo dục đang tạo ra nhiều hệ lụy khôn lường mà nếu lãnh đạo không kịp thời chấn chỉnh thì nhiều kẽ hở sẽ bị lợi dụng, làm xói mòn niềm tin của nhân dân, gây bất ổn cho xã hội.

Gian lận thi cử tại tỉnh Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La đã làm rúng động dư luận cả nước, với diễn biến phức tạp buộc các cơ quan ban ngành phải vào cuộc.

Còn đó những hệ lụy nghiêm trọng của việc lộng hành mua, bán điểm thi, hành vi sửa điểm bài thi trắng trợn, thế mà giám đốc các sở GD-ĐT này vẫn ung dung tại vị. Sau khi bị tố gửi danh sách 8 thí sinh, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La ngang nhiên phản cung là chỉ nhờ xem điểm.

Nganh giao duc dang co qua nhieu van de, sao cac lãnh dạo van con ngòi yen?
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhận trách nhiệm vụ tiêu cực thi cử

Những bất cập của phương án thi THPT quốc gia “2 trong 1” đã được dự báo từ trước và sự việc gian lận trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 bị phanh phui là giọt nước tràn ly. Vậy mà, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ chỉ có vài câu nhận trách nhiệm chứ chưa chịu thừa nhận thất bại của đề án tuyển sinh này. Tác động của những sai lầm trong chính sách giáo dục ảnh hưởng đến hàng triệu con người mỗi năm và gây hậu quả nặng nề trong nhiều năm sau đó. Còn Phó chủ tịch UBND tỉnh Sơn La tiếp tục có tên trong danh sách Ban chỉ đạo Hội đồng thi THPT Quốc gia 2019. Nguyên tắc “sai tới đâu xử đến đó” đang được nhiều người lý giải “chưa xử là chưa sai”!

Có thể thấy, quả bóng trách nhiệm cứ chuyền mãi trong một trận đấu không có trọng tài. Bộ GD-ĐT không thể nào một mình tự quyết mọi thứ, bỏ mặc tiếng nói của người dân thông qua đại biểu Quốc hội, thiếu trách nhiệm trong chức trách đã được Nhà nước giao phó. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ trả lời: “Bộ cũng cân nhắc đến việc đại biểu hỏi về việc bỏ kỳ thi THPT quốc gia, theo tôi điều này không được vì trái với Luật Giáo dục. Trong luật ghi rõ là học sinh đủ điều kiện theo quy định của Bộ GD-ĐT được quyền dự thi và nếu đủ điều kiện thì được đỗ tốt nghiệp và được giám đốc sở công nhận, cấp bằng tốt nghiệp THPT. Cho nên, việc đầu tiên là thi để công nhận tốt nghiệp cho học sinh”.

Có quá vội vã khi đưa ra câu trả lời, hay thái độ vô cảm trước những nguyện vọng chính đáng của nhân dân đang được cán bộ “luật hóa”? Tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội của Quốc hội diễn ra trong hai ngày 30 - 31/5, nhiều đại biểu đặt vấn đề về bất cập kỳ thi THPT quốc gia. Một số đại biểu đề xuất nên tách hai kỳ thi vì mỗi kỳ thi có mục đích khác nhau. “Đối với xét tốt nghiệp, nên chăng các địa phương chỉ xét mà có thể không cần phải thi, còn các kỳ thi đại học thì để các trường đại học tổ chức thi”, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (đoàn Thái Bình) nói.

Nganh giao duc dang co qua nhieu van de, sao cac lãnh dạo van con ngòi yen?
Hiện tượng quá nhiều học sinh giỏi trong một lớp không còn hiếm

Bao lâu còn gộp hai kỳ thi vào một thì vẫn còn dùng kết quả học bạ đan xen điểm thi, đẩy thầy cô vào tình thế dễ dãi trong việc đánh giá học sinh, vì nếu làm nghiêm sẽ thiệt thòi quyền lợi của học sinh. Hiện tượng quá nhiều học sinh giỏi trong một lớp không phải hiếm.

Đã bao lâu nay, mức điểm xét tuyển vào lớp Sáu của nhiều trường ở mức 19 điểm hai môn toán và văn. Nhiều em đạt điểm tuyệt đối vẫn trượt vì thiếu điểm ưu tiên, điểm khuyến khích...

Bất cập trong chính sách giáo dục đang tạo ra nhiều hệ lụy khôn lường mà nếu lãnh đạo không kịp thời điều chỉnh thì nhiều kẽ hở sẽ bị lợi dụng để trục lợi, làm xói mòn niềm tin của nhân dân, gây bất ổn trong dư luận cả nước.

Đã đến lúc người đứng đầu ngành giáo dục cần nhìn thẳng để thừa nhận thực trạng giáo dục hiện nay, bằng việc tiếp thu nguyện vọng người dân một cách nghiêm túc. Tất nhiên nguyên tắc “sai đâu sửa đó”, “sai đến đâu xử đến đó” là không sai, nhưng tinh thần trách nhiệm và lòng tự trọng không cho phép người lãnh đạo ngồi yên. Cái gốc của giáo dục phải đi từ những điều này.

LÂM VŨ CÔNG CHÍNH (giáo viên Trường THPT Nguyễn Du, TP.HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI