Muốn học sinh biết phản biện thầy cô phải luôn... 'động'

28/06/2017 - 08:32

PNO - Đổi mới giảng dạy là yêu cầu rất cấp thiết ở nước ta, nhưng ở nhiều trường và nhiều thầy cô giáo thì vẫn “lối cũ ta về”.

Với góc nhìn của người trong cuộc, bài viết của hiệu trưởng một trường THCS-THPT tư thục dưới đây cho thấy các trường học và các thầy cô giáo cần phải làm gì và sẽ phải làm gì.

Muón học sinh biét phan bien thày co phải luon... 'dọng'
Học sinh trường THCS - THPT tư thục Thái Bình (Q.Tân Bình) đi từ thiện tại một trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật

Dạy học sinh tư duy

Do có con cháu và bạn bè đang ở Mỹ, lại có nhu cầu học tập kinh nghiệm của người để về phát triển ngôi trường của mình, nên trong những năm qua tôi thường xuyên sang Mỹ và được tham quan rất nhiều trường học. Trường học ở Mỹ không long lanh, hoành tráng, nhưng tiện nghi thì không đâu bằng.

Nhưng tuyệt vời nhất là phương pháp giáo dục của họ. Họ đề cao tính độc lập, đề cao cái tôi ở trẻ con, tạo điều kiện và khuyến khích phát huy tối đa khả năng ở từng cá nhân. Chẳng hạn, những trường học ở Mỹ mà tôi đến thăm không cho học sinh (HS) mang theo điện thoại, nhưng họ không ngại để HS nói “ngược” về vấn đề này và sẽ lắng nghe, miễn là có lý lẽ thuyết phục.

Hay như, những bài học phổ thông thì HS dù khá giỏi hay trung bình đều phải hiểu được nội dung cốt lõi, còn hiểu sâu đến mức nào thì tùy thuộc vào khả năng của từng em và tất cả đều được ghi nhận. Tương tự, việc cảm thụ một bức tranh cũng vậy. Họ không áp đặt HS phải hiểu như thế nào, cũng không bao giờ buông lời chê bai. Nhưng ngược lại, trẻ chỉ cần có tiến bộ, dù ít, sẽ được khen ngợi. 

Qua tìm hiểu, tôi thấy rằng, để dạy cho HS biết tư duy, biết phản biện, thì nhất thiết người thầy phải có một hệ thống câu hỏi và hệ thống bài tập gợi mở ở nhiều cấp độ giúp HS suy nghĩ và giải quyết các vấn đề của bài học theo khả năng và cá tính của từng em. Chuẩn kiến thức HS phải đạt cho mỗi bài học là yêu cầu bắt buộc, nhưng sử dụng kiến thức đã học như thế nào mới là vấn đề được các trường học Mỹ quan tâm và đánh giá cao hơn.

Lâu nay chúng ta vẫn coi những giáo viên (GV) giỏi là GV dạy trúng tủ, có khả năng đoán đề như thánh. Nhưng bây giờ thầy giáo giỏi là phải làm sao giúp tất cả HS từ yếu kém, trung bình, khá giỏi cùng tiến bộ. Từng có GV khóc lóc ủ ê vì đã bỏ quá nhiều công sức phụ đạo cho HS nhưng chất lượng học tập của các em không được cải thiện.

Sau khi tìm hiểu, tôi phát hiện vấn đề nằm ở phương pháp. Có nhiều HS yếu, nhưng mỗi em yếu mỗi điểm khác nhau và nguyên nhân cũng khác nhau, nên cần phải có cách thức tiếp cận khác nhau, trong khi GV lại chỉ dốc sức vào phụ đạo chung cho toàn thể. 

Giáo viên phải thay đổi phương pháp

Thay đổi thói quen đã ăn sâu là không dễ dàng, nhưng dứt khoát phải làm để dần tiến đến dạy thật, học thật và được trả lương thật. Kể cả những GV đạt danh hiệu “Viên phấn vàng” mà không thay đổi thì cũng không còn phù hợp nữa.

Như đã nói, để dạy cho HS biết tư duy, có suy nghĩ độc lập và biết phản biện, thì GV phải thiết kế được hệ thống câu hỏi và hệ thống bài tập gợi mở cho bài học và giờ giảng phải luôn luôn “động” chứ không thể chỉ thuyết giảng một chiều. Kinh nghiệm tại trường tôi làm việc cho thấy, do thói quen nên các thầy cô giáo thường rất ngại thay đổi, thậm chí còn phản đối những cách làm mới. 

Để hiểu “tại sao lại phải thay đổi phương pháp giảng dạy”, tôi đã nhờ ĐH Sư phạm giới thiệu một chuyên gia người Mỹ giỏi về phương pháp đến tập huấn cho GV của trường. Chuyên gia này đã giảng dạy mẫu ngay trên lớp cho GV thị phạm. Tiết giảng của cô ấy khác với GV mình ở chỗ cô ấy đặt ra mục tiêu cụ thể và đã tự tin hoạt động liên tục trong suốt tiết dạy dù HS có ồn ào thế nào.

Một HS thiếu tập trung và thường làm phiền HS bên cạnh, cô ấy vừa giảng bài vừa di chuyển đến chỗ HS này để “di lý” em đến một chỗ ngồi khác. Về sau cô ấy giải thích: nếu ngừng giảng thì sẽ mất thời gian của những HS khác, mất cảm hứng dạy của chính mình và cảm hứng học của HS.

Với cách làm việc đó, HS bị cuốn vào bài giảng và giờ học sôi nổi hẳn lên. Cuối giờ giảng cô ấy đưa ra các câu hỏi để kiểm tra xem HS có hiểu bài không, hiểu ở mức nào và quyết định sẽ phải làm việc lại như thế nào.

Qua nhiều tiết dự giờ với GV của trường, cô ấy nhận xét: GV của mình sử dụng tiết dạy chưa hiệu quả và không có mục tiêu rõ ràng, không xác định được HS phải đạt được những gì sau bài giảng, thiếu “động”, thường mất thời gian và mất cảm hứng khi HS ồn ào. Còn với cô ấy, ngay khi cho HS làm bài kiểm tra thì cô ấy cũng không ngồi một chỗ chờ thu bài mà phải đi liên tục để biết HS vướng mắc chỗ nào và tìm cách tháo gỡ. 

Một nền giáo dục (GD) tiến bộ là phải nhìn ra điểm mạnh và niềm đam mê của từng HS để mà phát huy. Giỏi toán cũng là giỏi, mà giỏi thể dục cũng là giỏi. Tại sao chúng ta lại tiếc lời khen với một HS chơi thể thao giỏi hoặc hát hay, trong khi thế giới họ lại rất coi trọng!

Các ngành học như xã hội học, tâm lý học hay GD công dân… đã, đang và sẽ là ngành “hot” trong một xã hội văn minh, tại sao chúng ta lại không tìm cách phát huy, hun đúc cho những HS có ước mơ vào những ngành này?

Ngành GD đang khuyến khích các trường tăng cường các hoạt động ngoài giờ, nhưng để có hiệu quả cao về nhiều mặt thì hoạt động gì cũng phải giúp HS thu được những bài học từ thực tế.

Ví dụ, khi tổ chức một buổi lễ tri ân thì các em phải được học về công tác tổ chức một sự kiện, sự chuẩn bị, tinh thần làm việc tập thể, sự sáng tạo và khéo tay trong công việc... Buổi lễ diễn ra phải giúp các em nâng cao trách nhiệm bản thân và mở rộng tâm hồn.   

Những yêu cầu phải đổi mới đối với cả thầy và trò đã được chúng tôi triển khai khoảng một năm nay. Khởi đầu nào cũng có nhiều khó khăn, nhưng không phải là không có những tín hiệu vui. Tôi nghĩ những chuẩn mực mà xã hội yêu cầu đối với GD đang thay đổi và sẽ thay đổi trong vài năm tới. Chúng tôi hy vọng sẽ đáp ứng tốt những thay đổi đó. 

Lê Thúy Hòa 
(Hiệu trưởng Trường THCS - THPT tư thục Thái Bình)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI