Muốn con giỏi tiếng Anh, hãy... quên sách giáo khoa đi!

08/07/2017 - 08:33

PNO - Đó là lời khuyên của Kyle Witzigman, một thầy giáo tốt nghiệp Trường University of Notre Dame (Mỹ), từng dạy tiếng Anh cho học sinh (HS) tại Tuyên Quang và hiện tại đang công tác tại ĐH Fulbright Việt Nam.

Báo Phụ Nữ đã có cuộc trao đổi với Kyle Witzigman về những vấn đề dạy và học tiếng Anh cho HS Việt Nam (VN) sao cho hiệu quả.

Muon con gioi tieng Anh, hay... quen sach giao khoa di!
Những HS Trường THPT Tuyên Quang đã tự tin trong giao tiếp tiếng Anh sau một thời gian học với thầy Kyle Witzigman

* PV: Theo anh, một đứa trẻ bắt đầu học tiếng Anh khi nào là tốt nhất?

- Kyle Witzigman: Càng sớm càng tốt, vì trẻ con có sự tiếp nhận kỳ diệu với ngôn ngữ. Cho trẻ tiếp xúc với ngôn ngữ càng sớm thì chúng càng tự tin, và coi nghe nói tiếng Anh như một hoạt động tự nhiên. Lớn lên một chút, trẻ coi học tiếng Anh như là một nhiệm vụ nên việc tiếp nhận sẽ nặng nề hơn và khả năng tiếp thu sẽ không nhanh như lúc còn bé.

Sớm nhưng không có nghĩa chưa nói được tiếng Việt đã cho học ngay tiếng Anh. Cá nhân tôi cho rằng tốt nhất là nên cho học tiếng Anh khi trẻ có thể nói được tiếng mẹ đẻ; đẹp nhất vẫn là cho trẻ bắt đầu tiếp cận tiếng Anh ở lứa tuổi mầm non. Ở lứa tuổi này, các em sẽ tương tác với người khác một cách vô cùng tự nhiên, thoải mái; sự bắt chước phát âm là rất tốt.

Cũng đừng ham cho con học tiếng Anh quá sớm. Tôi từng gặp nhiều trường hợp bố mẹ dạy con học tiếng Anh ngay khi con mới một tuổi, lúc đó bé chưa nói được tiếng Việt. Hậu quả là đứa trẻ bị rối loạn ngôn ngữ, dẫn đến tình trạng không nói gì cả, cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh; rối loạn về ngôn ngữ lẫn tư duy, phải tập lại từ đầu rất mất thời gian.

Cũng cần xác định là mình sống ở môi trường nào. Nếu bạn muốn con học tiếng Anh để sống ở nước ngoài thì cho trẻ học tiếng Anh càng sớm càng tốt. Nhưng nếu chọn sống ở VN và xem tiếng Anh là công cụ để phát triển thì trước nhất vẫn nên để con bạn rành tiếng Việt trước đã.

* Có ý kiến cho rằng để tránh trẻ bị rối loạn ngôn ngữ thì khi cho con học tiếng Anh nên gửi vào các trường dạy bài bản. Anh nghĩ sao về quan niệm này?

- Tôi lại nghĩ khác, học tiếng Anh có thể bằng nhiều phương tiện, không nhất thiết phải đến trường. Nhiều người học tiếng Anh từ những thứ rất tự nhiên như: nghe nhạc, xem phim, gặp gỡ người khác… đều có phát âm rất chuẩn. Đặc biệt với trẻ nhỏ, chúng ta đang cho chúng tiếp xúc với tiếng Anh chứ chẳng phải học hành to tát gì nên làm sao để chúng thích cái đã. Coi việc học tiếng Anh là thứ tự nhiên trong cuộc sống là cách dạy của tôi.

Các nhà tâm lý giáo dục đã chỉ ra rằng: ở lứa tuổi từ 5-7 tuổi, trẻ chỉ có thể tập trung học tối đa tầm 30 phút. Trong khi, các lớp dạy tiếng Anh tại VN hiện nay đều được thiết kế từ 1,5 - 2 giờ/buổi. Điều này xét theo khoa học sẽ không mang lại hiệu quả, chúng sẽ ngán, dễ dẫn đến chống đối.

Quan trọng nhất của việc học tiếng Anh là tạo ra môi trường tiếng Anh để trẻ được sống trong đó. Việc học ngôn ngữ của trẻ diễn ra theo một quy trình rất đơn giản: bắt đầu từ nghe. Nghe nhiều rồi đến nói, đến đọc, viết… Không nhất thiết phải đến lớp. Khi vào tiểu học thì mới cần đến lớp học bài bản.

* Khi sang VN dạy tiếng Anh cho các bạn trẻ, anh thấy lỗ hổng nào khiến HS VN sau khi học 10 năm vẫn không thể giao tiếp?

- Giai đoạn đầu dạy các bạn HS trung học VN tôi đã bị stress. Tôi tìm hiểu và nhận ra chương trình tiếng Anh phổ thông khiến các bạn HS không thể giỏi tiếng Anh một cách thực thụ. Từ bài tập viết, ngữ pháp đến bài thi trắc nghiệm được thiết kế, giảng dạy làm cho HS có thói quen học để lấy điểm, chứ không học để sử dụng, không biến tiếng Anh thành ngôn ngữ mà đó chỉ là một môn học bắt buộc phải học để trả bài.

Tôi đã phát hiện ra rằng, điểm trên giấy của các bạn ấy rất cao nhưng khi tôi đặt câu thì các bạn ấy khựng lại, không trả lời được, mất tự tin. Có bạn thì tư duy theo kiểu dịch câu hỏi của tôi ra tiếng Việt, sau đó đưa ra câu trả lời rồi lại dịch ra tiếng Anh để đáp lại tôi. Với quy trình đó thì tư duy ngôn ngữ bị chậm đi và đó không phải là cách để học ngoại ngữ. 

* Anh đã dùng phương pháp nào để vượt qua giai đoạn khó khăn đó?

- Cách duy nhất là cố gắng giúp các bạn HS… quên sách giáo khoa đi, đưa các bạn vào thế giới thực như xem phim tiếng Anh, hát tiếng Anh, chơi thể thao bằng tiếng Anh, đưa ra những chủ đề nóng để thoải mái nói tiếng Anh… Tôi dùng tất tần tật những gì của đời sống thành phương tiện để dạy tiếng Anh. Tôi cũng không chấm điểm để các bạn không thấy áp lực đang học. Học một cách thoải mái sẽ tiến bộ rất nhanh.

* Theo anh, liệu các trung tâm ngoại ngữ bên ngoài có giúp HS khắc phục được nhược điểm học mà không thể hành?

- Tôi không tiếp xúc nhiều nhưng đa số trung tâm tiếng Anh hiện nay có cách tiếp cận rất truyền thống. Người học đến ghi danh sẽ thi đầu vào, những bạn nào cùng level sẽ vào cùng một lớp, học cùng một giáo trình, một giáo viên. Hiện nay các trung tâm dạy ngoại ngữ tại VN thường đi theo một hướng nhất định, hoặc dạy tập trung hoặc dạy online trên mạng. Bất kỳ phương pháp nào cũng đều không tối ưu. Online không thể thay thế hoàn toàn vai trò của người hướng dẫn, sự tương tác sinh động giữa con người với nhau, giữa thầy-trò, trò và trò.

Chương trình hay, thầy giỏi là tất nhiên cần, nhưng giáo dục hiện đại cần công nghệ hỗ trợ để mang lại hiệu quả tối ưu và ĐH Fulbright VN đang làm điều này cho người học VN, bắt đầu từ dạy tiếng Anh cho các bạn trẻ.

* Các anh áp dụng công nghệ đó như thế nào?

- ĐH Fulbright tài trợ toàn bộ chi phí học tập, ăn ở đi lại cho 40 bạn HS lớp 11-12 đến từ các tỉnh không có điều kiện học tiếng Anh như ở thành phố lớn và chỉ được học tiếng Anh trong trường phổ thông. Đây là sự tiếp xúc đầu tiên của ĐH Fulbright để hiểu trình độ tiếng Anh của HS đang ở đâu và phải mất thời gian bao lâu để giúp các bạn đủ trình độ học chương trình hoàn toàn bằng tiếng Anh.

Chương trình học thử nghiệm diễn ra trong tám tuần. Với trình độ khác nhau, bắt buộc chúng ta phải có một công nghệ giáo dục để các bạn rút ngắn khoảng cách.

* Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này. 

Tiêu Hà thực hiện

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI