Miễn học phí mới tạo bình đẳng trong giáo dục

26/10/2018 - 06:21

PNO - Bộ GD-ĐT đã đề xuất đưa miễn học phí bậc THCS vào dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi nhưng Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ phản đối vì lo ngại làm tăng chi ngân sách.

Miễn học phí cấp THCS là vấn đề được xới lên nhiều lần nhưng vẫn chưa có hồi kết. Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Vân Nam - Giám đốc Công ty tư vấn luật Nam Hùng (TP.HCM) có một số ý kiến về vấn đề này. 

Mien hoc phi moi tao binh dang trong giao duc
Không thu học phí tạo lòng tin của thanh niên vào sự bình đẳng, thông qua việc ai cũng được học tập, bình đẳng về điều kiện vào đời.

Phóng viên: Sau tái đề xuất miễn học phí cấp THCS của Bộ GD-ĐT, TP.HCM đã kiến nghị Bộ Tài chính trình Chính phủ cho phép thành phố được miễn học phí bậc THCS tại các trường công lập, bắt đầu từ năm 2019. Đây quả là một tin vui cho các em học sinh phải không, thưa ông?

Giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Vân Nam: Đây là một tin vui, nhưng sẽ vui hơn nếu nó được thực hiện ở tất cả các tỉnh, thành, chứ không riêng TP.HCM. Nhưng tôi cho rằng, chính sách về miễn hay tăng, giảm học phí có tác động lớn lên toàn xã hội, một chính sách cơ bản về kinh tế - xã hội. Nguyên tắc đóng học phí trong giáo dục cũng là nguyên tắc chủ yếu về quan hệ xã hội và hoạt động của công dân, nên phải do Quốc hội quyết định mới đúng.

* Việc miễn học phí vẫn đang vấp phải nhiều ý kiến, vì có thể làm tăng ngân sách nhà nước. Ông nghĩ gì về vấn đề này?

- Cần phải thấy rằng nhiệm vụ hiến định của nhà nước là bảo đảm hoạt động có hiệu quả của ngành giáo dục, bằng nguồn thuế thu từ người dân. Có thể hiểu nộp thuế là hoạt động đầu tư cho giáo dục của toàn xã hội. Và việc thu tiền người dân khi mua sản phẩm giáo dục là không được phép. 

Nhà nước phải có trách nhiệm bảo đảm và bảo vệ quyền bình đẳng về cơ hội cho công dân thông qua giáo dục. Nói cách khác, giáo dục hiện thực hóa quyền bình đẳng về cơ hội vào đời và tạo dựng cuộc sống của mỗi cá nhân trong xã hội. Để đạt được điều đó, họ phải có cơ hội, ai cũng như ai, tiếp thu những giá trị, tri thức và kỹ năng mà nền giáo dục mang lại cho họ. Thị trường hóa giáo dục sẽ phân loại người dân thành nhóm có và không có khả năng mua sản phẩm giáo dục. 

Mien hoc phi moi tao binh dang trong giao duc
Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Vân Nam - Giám đốc Công ty tư vấn luật Nam Hùng (TP.HCM) 

* Một số nhà quản lý giáo dục tính học phí bằng cách trừ đi ngân sách nhà nước cấp, phụ huynh sẽ đóng góp phần còn lại. Ông nghĩ sao?

- Điều này cũng không được phép. Nhà nước phải đảm bảo ngân sách đủ cho giáo dục chứ không phải nhà nước có quyền định mức khoán ngân sách cho giáo dục, phần thiếu hụt thì người dân phải bù vào. Không thể nói tăng học phí là do tăng chi phí đầu vào, hay mức sống của người dân tăng. Nếu nói vậy thì việc tăng học phí không ngừng trong tương lai là điều không thể tránh khỏi. Trường hợp ngân sách không đủ cho giáo dục thì phải phân bố lại ngân sách, hoặc có thể tăng thuế. Theo đó, nhà nước phải công khai, minh bạch tỷ lệ sử dụng ngân sách, học phí cho giáo dục.

* Vì sao ông luôn có chủ trương miễn học phí và quyết liệt chống lại việc tăng học phí?

- Vì chủ trương đóng học phí tác hại ngược với những gì đã giúp các nước phát triển thành công qua chính sách không thu học phí. Nó làm cho sự phân hóa xã hội nhanh hơn, sâu sắc hơn. Chúng ta đều hiểu rằng, giáo dục không tốt thì khó lòng tạo dựng, bảo vệ hệ giá trị nhân bản, phù hợp với đặc trưng tốt đẹp của dân tộc, là nền tảng cho sự phát triển của xã hội. 

Chẳng hạn như CHLB Đức, ngay cả trong thời kỳ kinh tế khó khăn nhất, cũng chủ trương không thu học phí ở tất cả các cấp học. Bởi vì có như vậy mới động viên được hoạt động sáng tạo của toàn xã hội, tạo được lòng tin của mọi người - đặc biệt là của thanh niên vào sự bình đẳng, ít nhất là thông qua việc ai cũng được học tập, tức là bình đẳng về điều kiện vào đời. Không thu học phí cũng tạo cho thanh niên niềm tin vào bản thân vào tương lai. Ngoài ra là góp phần tạo nên lòng bao dung, dễ dàng chấp nhận có sự cách biệt (phân hóa) xã hội do công sức của mỗi cá nhân tạo ra, vì về cơ bản, họ có cơ hội vào đời như nhau. 

* Và nhiệm vụ giáo dục không thể tách rời nhà nước?

- Đúng vậy, vì chỉ có nhà nước mới có đủ nguồn lực, điều kiện cần thiết để thực hiện nhiệm vụ đó. Mà quan trọng hơn, giáo dục liên quan mật thiết với sự tồn tại và phát triển của xã hội nên nhà nước phải đảm bảo, kể cả khi xã hội hóa giáo dục. 

Xã hội hóa giáo dục không đơn giản là huy động đầu tư

Xã hội hóa giáo dục, không nên hiểu một cách đơn giản là huy động nguồn vốn đầu tư. Xã hội hóa giáo dục là tạo điều kiện cho người học được tham gia cả việc quản lý nhà trường cũng như cải thiện chương trình học tập. Chẳng hạn như phải có đại diện học sinh trong hội đồng đánh giá tiêu chuẩn học tập, thi cử hay các trường phải có hội đồng học sinh, sinh viên để đánh giá, góp ý cho nhà trường về chương trình, phương pháp giảng dạy… Về phía nhà trường, xã hội hóa giáo dục nhằm mục tiêu đảm bảo quyền tự do giảng dạy. Họ có quyền sáng tạo cách dạy sao cho vẫn đảm bảo chất lượng, chứ không bắt buộc phải theo chương trình giảng dạy cố định.

Xã hội hóa giáo dục hiểu nôm na là một trong các cách để nhà nước thực hiện nhiệm vụ hiến định của mình, tạo điều kiện cho mọi trẻ em đều có thể đến trường và đảm bảo cho phụ huynh được tự do lựa chọn trường cho con. Và dù có ở hình thức nào thì xã hội hóa giáo dục cũng phải nhằm đạt được các mục tiêu của giáo dục. 

Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Vân Nam

Xuân Lộc (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI