Lớp học của cô Nga

01/11/2018 - 06:00

PNO - Đến lớp học này, người ta chỉ thấy tình thương bao la của cô giáo, một tình thương bền bỉ, nhân ái dành cho những trẻ em nghèo bất hạnh: "Các em đã thiệt thòi, chẳng lẽ lại để các em tối tăm hơn"

Tính đến thời điểm này, lớp học của cô Nguyễn Thị Huỳnh Nga, ngụ tại phường 8, TP. Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long đã tồn tại hơn 20 năm. Không giống như nhiều giáo viên khác, 20 năm qua, cô Nga không nản chí, không tâm tư, hờn trách với nghề bởi hơn 700 học sinh từng là học trò của cô đều là những em có hoàn cảnh đặc biệt như thiểu năng, mồ côi, nhiễm HIV, tâm thần nhẹ... Với học trò, với nghề cô chỉ có tình thương. 

Lop hoc cua co Nga
20 năm qua, hiên nhà cô Nga trở thành lớp học đặc biệt

Là người xuất thân trong gia đình có truyền thống sư phạm, năm 1975, cô Nga nối nghiệp cha mẹ nhận nhiệm sở tại trường cấp II Tân Lược. Suốt thời gian theo nghiệp gõ đầu trẻ, cô không nhớ đã bao lần mình chợt thảng thốt khi gặp gương mặt ngây ngô của các em nhỏ thiểu năng, những ánh mắt khát khao được đến trường của các em mồ côi, nhiễm HIV.

Lop hoc cua co Nga
Bé vẫn học được mà

Năm 1998, cô lên phòng Giáo dục thị xã Vĩnh Long trình bày: “Những đứa trẻ phát triển bình thường đã được gia đình, xã hội quan tâm tạo điều kiện đến lớp, cả những em khiếm thính, khiếm thị cũng được quan tâm, được đến trường, biết con chữ. Vậy sao chúng ta không mở một lớp cho các em mắc khiếm khuyết về trí não?”. 

Lop hoc cua co Nga
Viết bài khó quá, đã có cô Nga

Cô Nga không xin kinh phí, không đề nghị hỗ trợ tiền bạc, vật chất chỉ xin chủ trương. Trước tâm huyết của cô, lãnh đạo phòng, sở Giáo dục- Đào tạo địa phương  nhiệt tình ủng hộ. Từ đó, một lớp học đặc biệt ra đời. Đặc biệt bởi 40 học sinh không cùng lứa tuổi, không cùng trình độ, mỗi em có hoàn cảnh đau đớn khác nhau, thậm chí không thể mở lòng, mở lời với nhau như những đứa trẻ bình thường khác. 

Lop hoc cua co Nga
60 tuổi, cô Nga vẫn nắn nót từng con chữ cho các em học theo

Đến với lớp học của cô Nga, ngoài được học chữ, làm toán, các em còn được dạy các các kỹ năng giữ an toàn cho bản thân, biết thưa gởi, lễ phép, được tập thể dục, học hát, múa, chơi trò chơi. Em nào đói bụng cô cho ăn sáng, giữa giờ có bánh mì ngọt lót lòng. 

Lop hoc cua co Nga
Đói bụng, cô có bánh ngọt lót lòng

20 năm qua, cô trích lương hưu và gom góp số tiền mình có để dạy học, chỉ bằng tình thương mà động viên các em đến lớp. Khi các em biết đọc, biết viết và trưởng thành hơn, cô cho các em "ra trường" để đón học sinh mới đến lớp. Xa cô, nhưng nhiều em vẫn tìm về lớp học nhỏ để được cô khuyên nhủ, tư vấn khi phải đương đầu với khó khăn trong cuộc sống. 

Lop hoc cua co Nga
Thương cô, học trò ráng viết chữ đẹp 

Ngỏ lời kêu gọi các mạnh thường quân tiếp sức, cô can ngay: "Tôi và gia đình vẫn đủ sức, đủ kinh phí lo cho các em. Nếu được, chỉ mong báo chí kêu gọi xã hội, mọi người quan tâm hơn đối với những em nhỏ bất hạnh này, tạo việc làm, hoặc quan tâm, hỗ trợ thêm cho các em". 

Lop hoc cua co Nga
Cô chỉ mong xã hội quan tâm tới các em nhiều hơn

20 năm dạy học bằng tình thương, cô Nga chưa bao giờ nghĩ đến ngày được đền ơn hay vinh danh. Cho đến khi chúng tôi đến thăm lớp, cô Nga vẫn chưa biết mình được vinh danh tại lễ trao giải thưởng KOVA năm 2018 dự kiến diễn ra vào ngày 24/11 sắp tới. Giữa biến động cuộc đời, dòng sông vẫn âm thầm chảy. 

Hiền Dung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI