Lớp Hai học xác suất thống kê: không đáng ngại

06/11/2019 - 10:54

PNO - Học xác suất, thống kê không hề quá sức với học sinh lớp Hai. Cùng một tên gọi xác suất, thống kê nhưng kỹ năng và chuẩn yêu cầu của mỗi lớp học khác nhau. Nhưng điều cần lưu ý là cách truyền đạt của giáo viên.

Trước thông tin xôn xao về đưa xác suất thống kê vào dạy cho học sinh lớp Hai trong chương trình mới, thầy Nguyễn Phụ Hoàng Lân (giáo viên tại Hệ thống giáo dục HOCMAI) cho hay: xác suất, thống kê không hề quá sức với học sinh lớp Hai. Cùng một tên gọi xác suất, thống kê nhưng kỹ năng và chuẩn yêu cầu của mỗi lớp học khác nhau.

Ví dụ: cùng đề mục “Giải phương trình (đa thức)”, ở lớp Hai, lớp Ba dạng bài toán sẽ là “Tìm x sao cho x+2=5”. Nhưng lên cấp II là phương trình bậc 2, lên đến cấp III là phương trình trùng phương... Cũng chủ đề này lên đến đại học, thậm chí có những ngành học sinh viên phải học cả một học kỳ.

Lop Hai hoc xac suat thong ke: khong dang ngai
Lớp Hai học xác suất thống kê không đáng ngại nhưng quan trọng là cách truyền đạt của giáo viên

Theo tôi biết, chương trình lớp Hai mới, phần thống kê chỉ yêu cầu học sinh đếm, phân loại và sắp xếp các số liệu hoặc có thể đọc được số liệu từ những biểu đồ bằng tranh ảnh, màu sắc... Một hoạt động các em có thể tự mình làm: dùng biểu đồ tranh ảnh để liệt kê những thứ cần mang theo cho một buổi tham quan dã ngoại... Đây chính là những bước đầu của thống kê.

Còn về xác suất, chương trình mới cũng chỉ yêu cầu học sinh làm quen với những thứ rất cơ bản, liên quan đến những điều chắc chắn không xảy ra, có thể xảy ra, hoặc luôn luôn xảy ra. Những cái này các em đã biết đến thông qua các trò chơi hằng ngày. Ví dụ như trò chơi cá ngựa.

Các em biết rằng nếu ngựa của mình cách ngựa của bạn hơn bảy bước thì sẽ yên tâm là không bị đá (trong trường hợp tung một xúc xắc). Hay như khi các em xem bóng đá, việc tung đồng xu chuẩn để cho một đội chọn sân hoặc bóng thì tôi nghĩ không khó để các em hiểu rằng cơ hội mỗi đội là như nhau. Đây chính là xác suất.

Tôi cũng có dịp đọc, giảng dạy, và tích hợp các chương trình toán của Anh, Mỹ, Úc, Singapore... trong nhiều năm thì họ đều đề cập đến xác suất, thống kê ngay từ lớp Hai. Chính vì vậy, giáo viên cần phải hiểu rõ bản chất của nội dung môn học, phải hiểu rất rõ yêu cầu của chương trình, để tùy từng cấp lớp mà đưa ra cách tiếp cận khác nhau, cách giải quyết, cách giải thích nông sâu khác nhau. 

Riêng về xác suất, thống kê, đúng là nếu trong một thời gian dài mà giáo viên chưa chú trọng đúng mức thì họ sẽ gặp khó khăn khi giảng dạy phần kiến thức này. Theo tôi, một điểm khó khăn có thể nằm ở nếp nghĩ cũ. Có thể với một số giáo viên, toán học chỉ là tính toán nhanh, chính xác hay chứng minh, giải các phương trình cho sẵn... Nhưng toán học còn có đo lường, còn có thu thập, phân tích, xử lý số liệu, còn có tự phát biểu vấn đề và giải quyết vấn đề... Đây chính là những điểm mới mà Bộ GD-ĐT tập trung vào khi xây dựng chương trình mới.

Nếu giáo viên nào hiểu không đúng bản chất của chương trình mới, thì thường họ sẽ bỏ qua hoặc tìm hiểu phần này một cách hời hợt, dẫn đến dạy không đúng bản chất, ý nghĩa của các bài toán xác suất, thống kê.

Đại Minh (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI