Lắp camera chống bạo hành tại trường mầm non: Nếu cô yêu trẻ, 'mắt thần' sẽ bảo vệ cô

11/05/2018 - 10:54

PNO - Giải pháp lắp camera vừa được cơ quan chức năng nhắc lại và quyết tâm làm ngay trong năm học tới.

Bắt đầu từ năm học 2018-2019, TP.HCM sẽ triển khai thí điểm lắp camera tại các trường mầm non, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo (gọi tắt là trường mầm non - MN) nhằm chấn chỉnh tình trạng bạo hành trẻ. Ngoài việc bảo vệ trẻ, camera còn giúp phụ huynh khi nhớ con có thể quan sát và “mắt thần” còn có tác dụng bảo vệ những giáo viên thật sự yêu nghề, mến trẻ.

Nếu làm tốt, camera là chuyện nhỏ

Rất nhiều vụ bạo hành trẻ MN đã xảy ra và mức độ bạo lực cũng ngày càng tăng. Mỗi lần xảy ra bạo hành trẻ, cha mẹ rùng mình bất an, xã hội mất niềm tin vào giáo viên (GV) và lo lắng cho sự an toàn của con trẻ. Giải pháp lắp camera vừa được cơ quan chức năng nhắc lại và quyết tâm làm ngay trong năm học tới. 

Lap camera chong bao hanh tai truong mam non: Neu co yeu tre, 'mat than' se bao ve co
Yêu trẻ là tiêu chuẩn đầu tiên phải có của giáo viên mầm non - Ảnh: Phùng Huy

Phụ huynh nghe tin thì mừng vì sẽ quan sát được hoạt động của con ở trường. Nhưng nhiều GV ở các trường công lập cũng có băn khoăn, lo lắng do chưa quen với chuyện sẽ làm việc dưới sự giám sát của “mắt thần”. Trong khi đó, ở hầu hết các trường tư thục chủ trương này không có gì xa lạ, bởi GV đã quen sống với camera. 

Chị Lê Nguyễn Lan Phương, có con học lớp Lá Trường MN Hoa Hướng Dương (Q.Bình Tân), cho biết: “Con tôi đã học qua 2 trường MN tư thục, trường nào cũng có gắn camera nên khá yên tâm. Tất nhiên, không phải có camera thì con bạn sẽ không bị cô đánh, nhưng khi nhớ con thì vẫn có thể nhìn con sinh hoạt, ăn, ngủ, học thế nào. Nếu thấy con bị phạt nhoặc không ngoan, về nhà mình cũng có cách điều chỉnh. Còn nếu người mẹ đã cảm thấy không an tâm thì không nên gửi”.

Anh Võ Minh Hùng (Q.Tân Phú) cũng cho rằng, việc lắp camera không trở ngại gì cho GV hay nhà trường, mà còn tăng niềm tin của phụ huynh. Tâm lý biết có người giám sát thì sẽ ý thức hơn, tự khắc làm tốt công việc của mình hơn. Anh Hùng cho biết thêm, mấy cháu của anh đi học ở Mỹ, trường cũng có gắn camera và ông bà ở Việt Nam có thể theo dõi. Nhờ đó đã tạo dựng mối quan hệ rất tốt giữa nhà trường và phụ huynh.

“Em đã dạy 3 năm dưới sự giám sát của “mắt thần” rồi, thấy chẳng có vấn đề gì. Mấy ngày đầu vô còn ngó lên máy mấy lần, riết rồi quen. Với lại em cứ dạy bình thường vì mình chẳng có ác ý hay thù ghét gì trẻ nên cũng chẳng cần đối phó. Trẻ không ngoan, em vẫn thỉnh thoảng vỗ mông và khi trả trẻ sẽ chủ động giải thích với phụ huynh. Nếu mình làm đúng thì chẳng sợ gì cả, phụ huynh hiểu mà”, cô M.T. - GV Trường MN Thiên Anh (Q.8) - chia sẻ.

Cũng có nhiều lo ngại, các cô sẽ cảm thấy áp lực vì không nhận được sự tin tưởng, phải nhờ đến “mắt thần” theo dõi. Nhưng thực tế cho thấy, hầu hết trường MN tư đều gắn camera và sẵn sàng cho tài khoản để phụ huynh truy cập, quan sát lớp học của con. Với kinh nghiệm của những trường này, camera sẽ hỗ trợ ban giám hiệu (chỉ 1-2 người) có thể theo sát các lớp học, kịp thời nhắc nhở GV và cũng nhờ đó bảo vệ GV nếu có rủi ro. 

Lap camera chong bao hanh tai truong mam non: Neu co yeu tre, 'mat than' se bao ve co

Việc gắn camera để hỗ trợ việc đảm bảo an toàn cho trẻ ở trường MN không hẳn là… diệu kế, bởi khi ấy niềm tin giữa nhà trường - gia đình phải nhờ đến sự hỗ trợ của công nghệ. Tuy nhiên, trong tình hình phải chờ vào sự tự giác của những “con sâu” có khả năng “làm rầu nồi canh” thì giải pháp gắn camera được kỳ vọng sẽ ngăn chặn được chuyện bạo hành trẻ và quan trọng hơn, bảo vệ được những nhà giáo chân chính, yêu nghề, mến trẻ. Nếu hiểu như vậy thì dù có camera hay không cũng chỉ là chuyện nhỏ.

Khó khăn chỉ tại… thói quen

Cô L.V. - Hiệu trưởng một trường MN ở Q.7 - cho biết: “Ngay từ khi xin việc ở trường, các cô đã biết có camera. Các cô chỉ thấy lạ vài ngày rồi cũng quen. Vấn đề ở đây là thay đổi thói quen, lâu nay các cô ở trường công chưa trải qua chuyện này nên có phần lo lắng. Bản thân là người quản lý, mình thấy camera có lợi, đó là giúp mình quan sát được tình hình nhiều lớp học hơn trong cùng lúc. Nếu thấy cần điều chỉnh chỗ này, chỗ kia thì kịp thời điện thoại hoặc chạy xuống nhắc  các cô ngay.

Còn các cô thì cũng không thấy áp lực vì đã quen. Vấn đề là sử dụng thiết bị giám sát với mục đích tích cực, để đôi bên tin tưởng nhau chứ không phải để theo dõi, soi cái sai của các cô. Nhà quản lý phải làm được điều này, kể cả việc đả thông tư tưởng cho GV lẫn động cơ xem camera của phụ huynh. Nếu muốn coi camera để phát hiện con mình có bị cô đánh hay không chắc họ phải ngồi soi cả ngày”.

Ông Đỗ Minh Hoàng - Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM - cho biết: “Chúng tôi hiểu GV sẽ tâm tư vì cảm thấy thiệt thòi nên phải thực hiện khảo sát lấy ý kiến phụ huynh và GV MN về việc lắp đặt camera trên địa bàn Q.1, Q.12 và H.Hóc Môn. Ngoài ra, sở cũng yêu cầu các phòng GD-ĐT quận, huyện và hiệu trưởng các trường động viên tinh thần và tâm lý GV cho việc lắp camera tại lớp học”.

Cũng theo ông Hoàng, lắp camera không phải để cho tất cả phụ huynh theo dõi GV, mà dự kiến sẽ để cho hiệu trưởng (trường công lập), địa phương (trường, nhóm lớp tư thục) giám sát các hoạt động giáo dục, kịp thời nhắc nhở, uốn nắn những sai lầm; truy xuất khi có sự cố xảy ra. 

Tuy nhiên, ngoài sự tăng cường giám sát để bảo vệ trẻ thì chúng ta cũng cần trao thêm niềm tin cho các cô giáo MN, tạo cho các cô môi trường làm việc tốt, rèn cho các cô bản lĩnh nghề nghiệp thật sự… Chỉ có như vậy, vấn đề bạo lực học đường mới thật sự được giải quyết tận gốc.

Góp ý tại tọa đàm về bạo hành trẻ MN, tiến sĩ Nguyễn Ngọc Quỳnh Dao - Trưởng khoa Giáo dục MN, Trường đại học Sài Gòn - cho rằng: bên cạnh quản lý giám sát thì vai trò của giáo dục MN cần tạo được sức đề kháng cho GV. Sinh viên cần được cung cấp cụ thể kiến thức, nâng cao nhận thức về đặc điểm nghề, từ đó hình thành thái độ đúng đắn về nghề, đạo đức nghề, góp phần hình thành hành vi chuẩn mực và khả năng tự rèn luyện, tự giáo dục.

Đối với GV MN, nhiều người thường hay nhắc đến việc “bù đắp” bằng lương, thưởng nhưng chúng ta đang quên mất đời sống tinh thần của họ. Việc cải thiện môi trường, điều kiện làm cũng là việc làm rất cần thiết để giảm áp lực cho họ. 

Thanh Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI