Lãnh đạo gương mẫu, giáo viên khó có cơ hội xúc phạm học sinh

11/10/2018 - 06:00

PNO - Tôi tin lãnh đạo ngành GD-ĐT các cấp từ bộ, sở đến các trường nếu thực sự gương mẫu, thực sự có trách nhiệm trong lãnh đạo, sâu sát trong quản lý, điều hành thì chuyện GV nhục mạ, xúc phạm HS sẽ khó mà xảy ra.

Giáo viên (GV) sẽ bị phạt từ 10-20 triệu đồng nếu có hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự học sinh (HS); phạt từ 20-30 triệu đồng đối với hành vi xâm phạm thân thể HS; ngoài ra, còn phải xin lỗi công khai HS hoặc bị đình chỉ giảng dạy từ 1-6 tháng.

Những nội dung trên trong dự thảo nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đang gây nhiều tranh cãi. Tôi cho rằng, phải có cái nhìn rộng và đa chiều hơn về vấn đề này.

Lanh dao guong mau, giao vien kho co co hoi xuc pham hoc sinh
Mối quan hệ giữa phụ huynh và giáo viên tốt đẹp thì học sinh sẽ hạnh phúc và học được nhiều điều

Có thể nói, với đại đa số nhà giáo, chuyện nói nặng, chửi bới, đánh đập HS là chuyện xa lạ. Thế nhưng, gần đây, những hành vi phi giáo dục ấy lại ngày càng nhiều.

Nếu tìm hiểu cho đến tận cùng một trường hợp cụ thể nào đó, tôi chắc rằng, cái chất bạo hành đã nằm sẵn trong máu của những GV này và nó đã “lộ diện” không ít lần trong quá trình dạy dỗ, nhưng nhà trường hoặc không phát hiện, hoặc phát hiện nhưng không xử lý đến nơi đến chốn. Điều này cũng tương tự như trường hợp cô giáo ở Long An quỳ gối theo yêu cầu của một phụ huynh, hiệu trưởng biết nhưng không xử lý sự việc rốt ráo. Cho nên, chuyện GV bạo hành HS, nếu xảy ra là có phần trách nhiệm của những người lãnh đạo nhà trường. Rộng hơn, trách nhiệm còn thuộc ngành GD-ĐT khi đã làm không tốt việc tuyển chọn và đào tạo GV.

Tôi muốn nói thêm ở khía cạnh ngược lại. Không ít GV bị phụ huynh khủng bố, bạo hành, thậm chí bạo hành ngay tại trường học trước mặt đồng nghiệp và HS của họ. Trong những trường hợp này, họ đã được ngành GD-ĐT can thiệp, bảo vệ ra sao? Bảo “không có” thì không đúng, nhưng nói thật, tiếng nói bảo vệ của ngành GD-ĐT quá yếu ớt, trong khi bản tính của những người làm nghề dạy học thường hiền lành. Nhiều thầy cô giáo rất yêu nghề nhưng không có khả năng “đối đầu” với những tình huống phức tạp, cũng không được ai bảo vệ, đã chọn bỏ nghề như một lối thoát.

Tôi không bênh vực những thầy cô giáo chọn con đường “đầu hàng”, nhưng rõ ràng, chúng ta đang đòi hỏi ở họ quá nhiều, nào là phải giàu trách nhiệm, tình thương, lòng nhân ái, nhưng lại không nghĩ rằng, họ cũng rất cần được cư xử một cách nhân ái từ những đối tác giáo dục. Bởi khi người lớn chúng ta đối xử nhân ái với nhau thì không chỉ chúng ta cảm thấy dễ chịu mà con cái của chúng ta cũng hạnh phúc và học được nhiều điều từ đó.

Thoạt tiên, khi đọc thông tin về dự thảo quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục để phạt các thầy cô giáo, tôi vô cùng bức xúc và nghĩ rằng: sao không có một quy định để xử phạt những ai xúc phạm GV? Nhưng khi bình tĩnh, tôi thấy không cần thiết phải có thêm những quy định đó, vì luật pháp (Luật Cán bộ công chức, Luật Viên chức và Luật Hình sự) đã quy định đủ cả. Vấn đề là chúng ta có sử dụng, vận dụng các quy định của pháp luật hay không.

Nhưng luật pháp bao giờ cũng mang hai ý nghĩa “giáo dục” và “trừng phạt”, trong đó, “giáo dục” bao giờ cũng được đặt lên hàng đầu. Và hơn ở đâu hết, trong môi trường giáo dục, con người hãy cư xử với nhau cho tử tế, có trách nhiệm trước đã. Tôi tin lãnh đạo ngành GD-ĐT các cấp từ bộ, sở đến các trường nếu thực sự gương mẫu, thực sự có trách nhiệm trong lãnh đạo, sâu sát trong quản lý, điều hành thì chuyện GV nhục mạ, xúc phạm HS sẽ khó mà xảy ra. 

Phương Dung 
(Q.Bình Thạnh, TP.HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI