Lại thêm một chỉ tiêu hoang tưởng của ngành giáo dục?

15/05/2019 - 06:41

PNO - Khi một vài quận công bố kế hoạch tuyển sinh đầu cấp thì dư luận lại nóng lên với việc liệu có lặp lại tình trạng quá tải trường lớp cho học sinh lớp Một như năm trước.

Đặc biệt, từ năm học 2020-2021, khi đưa vào áp dụng chương trình phổ thông mới thì 100% học sinh lớp Một học hai buổi/ngày. Đây là mục tiêu khả thi hay lại... hoang tưởng như nhiều chỉ tiêu giáo dục khác?

Thành phố lớn tăng dần đều học sinh

Mới đây, Q.Tân Phú, TP.HCM công bố kế hoạch tuyển sinh đầu cấp năm học 2019-2020 cho thấy hiện tại, số trẻ sáu tuổi dự kiến sẽ vào lớp Một là 8.600 học sinh (HS), so với số HS lớp Năm ra trường là 6.800 HS thì toàn cấp tiểu học phải tăng 1.800 chỗ học mới đủ chỗ cho năm học tới. Đây là một trong những quận có số dân nhập cư không ngừng tăng, HS diện KT3, tạm trú rất nhiều nên năm nào cũng thuộc “điểm nóng” tuyển sinh của TP.HCM.

Điều đáng nói, năm trước và các năm trước nữa, con số này cứ tăng. Dân số tăng nhưng chỗ học không kịp “nở nồi” để song hành. Không chỉ ở cấp tiểu học, ngay cấp THCS, con số đầu vào cần giải quyết là 6.800 nhưng con số đầu ra chỉ có 5.844, nghĩa là tăng gần 1.000 HS. Tương tự, trẻ đến tuổi vào mẫu giáo 5 tuổi cũng tăng hơn 400 cháu…

Tuy chưa công bố kế hoạch tuyển sinh đầu cấp nhưng Q.12, Q.Bình Tân, Q.Thủ Đức, H.Bình Chánh… cũng luôn là những điểm “nóng” tiêu biểu. Bởi vậy, nhiều năm qua, các quận, huyện trầy trật cố gắng mới đạt tỷ lệ HS học hai buổi/ngày lên tới con số 30%.

Lai them mot chi tieu hoang tuong cua nganh giao duc?
Năm học 2018-2019, Hà Nội có nhiều lớp chạm ngưỡng sĩ số gần 70 học sinh/lớp

Tại Q.12, số HS tiểu học có giảm nên tỷ lệ học hai buổi/ngày sẽ nhích lên 1,4% so với năm trước nhưng cũng chỉ dừng ở mức hơn 24%. Mục tiêu xa hơn nữa chắc lãnh đạo ngành giáo dục quận này khó nhắm đến. Đơn giản bởi năm nào cũng tăng khoảng chục ngàn HS thì chỗ học có tăng một chút cũng không thấm vào đâu. Q.Bình Tân cũng thường xuyên có số HS vào lớp Một trên 10.000 em nên việc tăng tỷ lệ hai buổi/ngày rất khó khăn. 

Tại Hà Nội, năm học 2019-2020, số lượng HS vào lớp Một cũng được dự báo tăng khoảng 30.000 em so với số HS lớp Năm. Tình trạng quá tải sẽ không giảm nếu không mở thêm trường lớp. Bởi, ngay năm học trước đó, Hà Nội có nhiều lớp chạm ngưỡng sĩ số gần 70 HS/lớp! Q.Hà Đông có tốc độ đô thị hóa quá nhanh những năm gần đây, dẫn đến trẻ trong độ tuổi đi học tăng mạnh, gây áp lực không nhỏ lên hệ thống trường lớp trên địa bàn. Thống kê ban đầu cho thấy năm học tới, Hà Đông lại tăng hơn 6.000 HS các cấp học... 

Mục tiêu khó khả thi

Lớp phải “nhồi” sĩ số gấp đôi, HS chỉ được học bốn ngày thay vì đủ năm ngày/tuần, nơi phải hạn chế HS học hai buổi/ngày để đủ chỗ học… là thực trạng của nhiều địa phương trước năm bản lề ngành giáo dục triển khai chương trình phổ thông mới. 

Trong khi đó, chỉ một năm nữa, tức năm học 2020-2021, khi áp dụng chương trình mới, Bộ GD-ĐT đặt mục tiêu 100% HS lớp Một được học hai buổi/ngày và các năm tiếp theo là đến lớp Hai, Ba, Bốn, Năm. Một khi thực hiện cuộc đổi mới này, điều quan trọng không chỉ là thay đổi một bộ sách giáo khoa mà là nhiều điều kiện đi kèm đồng bộ. Những điều kiện tiên quyết để đem lại kết quả mong muốn cần phải có là người thực hiện (nhà quản lý, giáo viên…) và cơ sở vật chất. Trong đó, sĩ số phải lý tưởng để giáo viên có thể bao quát lớp và áp dụng phương pháp giáo dục tiên tiến. Với thực trạng sĩ số mỗi năm mỗi tăng, lớp học quá tải HS, bàn ghế kê san sát không còn lối đi... thì chương trình giáo dục mới được dạy như thế nào để đạt chất lượng?

HS tiểu học ít nhất phải được học hai buổi/ngày mới có đủ thời gian học chính khóa, kỹ năng, ngoại ngữ, thể thao và… vui chơi. Với thời lượng học một buổi, cô và trò chỉ “chạy” kịp nội dung chính khóa, những thứ ngoài chương trình… khó mà nhắc đến. Và rõ ràng, hơn ai hết, ngành giáo dục hiểu điều này nên chương trình giáo dục phổ thông mới ở bậc tiểu học được thiết kế để dạy hai buổi/ngày, với thời lượng mỗi ngày không quá bảy tiết học, mỗi tiết không quá 35 phút. Và năm học 2020-2021, chương trình mới sẽ triển khai đại trà ở lớp Một.

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, hiện đã có khoảng 80% HS tiểu học trên cả nước học hai buổi/ngày. Tuy nhiên, việc giải quyết để 20% còn lại được học hai buổi/ngày là rất khó khăn. Vậy thì còn một năm liệu có kịp? Xây thêm bao nhiêu trường nữa mới đủ? Hay đợi đến khi đáp ứng đủ thủ tục để xây trường thì số HS thực tế lại bỏ xa con số trên bàn quy hoạch? 

Tiêu Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI