Lạ như... phong giáo sư ở Việt Nam

02/03/2018 - 07:54

PNO - Có lẽ, hiếm có nơi nào mà việc phong hàm giáo sư, phó giáo sư (GS, PGS) lại có nhiều nghịch lý đến mức gây ra nhiều tranh cãi như ở Việt Nam.

Đầu tiên phải kể đến việc phong GS, PGS được “tập quyền” vào tay một hội đồng chức danh trực thuộc Nhà nước. Vì thế mà dư luận không khỏi nghi ngờ về việc phải đi “cửa trước, cửa sau” trong mỗi đợt xét duyệt!

La nhu... phong giao su o Viet Nam
Ảnh minh họa: DĐDN

Và chắc cũng không nhiều nơi, việc xét PGS, GS được tính toán bằng rất nhiều tiêu chuẩn phức tạp như ở Việt Nam, nào điểm bài báo, điểm sách, điểm hướng dẫn nghiên cứu sinh, số giờ giảng dạy, thâm niên giảng dạy, tỷ lệ phiếu “yêu”/ “ghét”... Và tất cả các tiêu chí đều có giá trị ngang nhau, chỉ cần một trong các tiêu chí trên không đạt thì sẽ… “lỡ chuyến đò”.

Với cách xét duyệt ấy, hàng loạt GS, PGS “ra đời” có tính cào bằng. Chức danh gắn mãi với người được phong.

Theo các chuyên gia giáo dục, thế giới không còn mấy nước xét và công nhận GS, PGS kiểu này. Với các nước phát triển, họ đã làm theo cách khác từ rất lâu.

Một GS Việt kiều đang làm việc tại Mỹ nói: “Tôi không biết họ bắt đầu xem chuyện phong GS là của trường đại học, viện nghiên cứu từ lúc nào, nhưng từ khi tôi biết thì họ đã làm như vậy. Tại sao mình phải làm khác người? Chúng ta muốn hội nhập mà không làm theo thông lệ, cứ một mình một lối thì sẽ chẳng bao giờ đi tới đích tiến bộ như họ được”.

Cũng theo các chuyên gia, thế giới xem GS là một chức vụ về chuyên môn, chứ không phải chức danh. Nó tựa như bác sĩ thì làm nhiệm vụ trị bệnh. Từ quan niệm đó, họ xem chuyện xét phong GS là việc của các trường đại học, viện nghiên cứu với những tiêu chí khác nhau tùy nơi và có giá trị hữu hạn.

GS của trường top 100 thế giới phải khác với GS được phong ở trường top 1.000. Vị thế và thu nhập của mỗi người tương thích với năng lực. Họ chưa bao giờ xem GS là một mỹ từ, một phương tiện để mưu cầu lợi ích, vì bổ nhiệm GS là để làm việc.

Ngược lại, việc bổ nhiệm PGS, GS tại Việt Nam gần như là để vinh danh hơn là để thực thi nhiệm vụ nghiên cứu, giảng dạy. Gần đây, Nhà nước quy định xét để công nhận và bổ nhiệm là hai hoạt động tách rời, nhưng thực tế điều đó chẳng ý nghĩa gì khi mà hầu hết những ai đủ điều kiện công nhận thì sau đó đều được bổ nhiệm. Vì là “danh” nên nhiều người dù không nghiên cứu, không giảng dạy nhưng vẫn khư khư ôm cái danh xưng.

Việt Nam có số lượng PGS, GS được bổ nhiệm vào loại nhiều trong khu vực, nhưng vẫn không có đại học nào được xếp hạng top 300 của châu Á. Trong khi đó, hầu hết các nước Đông Nam Á khác như Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, thậm chí Philippines đều có đại học xếp hạng top 300 châu Á.

Nhiều người dù đã được “phong hàm” PGS, GS nhưng gần như rất ít sản phẩm khoa học. Thay vì tiệm cận dần với chuẩn quốc tế thì chúng ta ngày càng lạm phát… GS giấy. Những chuyện lạ này chắc chỉ có ở Việt Nam! 

Gia Tuệ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI