Khó như tìm… học sinh dở

26/05/2017 - 00:12

PNO - Hàng loạt phụ huynh (PH) khoe con đạt nhiều điểm tuyệt đối - điểm 10. Lớp nào cũng có hơn 50% học sinh (HS) khá giỏi.

Vừa kết thúc thi học kỳ II, hàng loạt phụ huynh (PH) khoe con đạt nhiều điểm tuyệt đối - điểm 10. Lớp nào cũng có hơn 50% học sinh (HS) khá giỏi. Có những HS chưa giỏi cũng được “hô biến” thành HS giỏi bằng nhiều cách… cười ra nước mắt. 

Kho nhu tim… hoc sinh do
Thật lo lắng khi tất cả con em chúng ta đều đạt điểm 10! - Ảnh: P.Huy

Cứ đi học là thành thiên tài!

Anh Trương, có con học lớp 1, Trường tiểu học (TH) Lê Văn Tám (TP. Biên Hòa, Đồng Nai), cảm thán: “Con mình nằm trong 14 bạn giỏi, lớp còn 16 bạn xuất sắc, chỉ một em diện khuyết tật bị xếp trung bình. Con em mình toàn giỏi và xuất sắc!”. 

Chị Tâm Anh (Q.3, TP.HCM) "tâm trạng" trên facebook sau khi biết con mình được toàn điểm 10: “Con mình học trường quốc tế, kết quả thi học kỳ II toàn 10.  Siêu nhân hết rồi. Toán cần tính toán chính xác, việc các con làm đúng đạt 10 có thể chấp nhận. Nhưng tiếng Việt, tập làm văn mà một nửa lớp toàn 9-10 thì thật khó tin. Các môn toán, tiếng Việt, GDCD, thể dục… đều 10 thì lạ thật”.

Chìa bảng điểm với những con 10 hoàn hảo, anh Phan Quang nghi ngờ: “Con mình học lớp 5, nhận phiếu đánh giá cuối năm học mà ngỡ ngàng. Trừ những môn đánh giá bằng nhận xét định tính, những môn còn lại từ toán, tiếng Việt, tự nhiên và xã hội, lịch sử và địa lý, ngoại ngữ, tin học đều 10 chẵn. Lớp hắn có đến hơn chục tên đều 10 tròn. Là người làm giáo dục, tôi hiểu để được đánh giá tuyệt đối tất cả các môn học là không dễ và rất hiếm. Cá nhân người học đó phải xuất sắc ở nhiều mặt, IQ, EQ… Nếu các con thật sự giỏi xuất sắc đến vậy thì đáng mừng, nhưng tôi chỉ lo... giỏi ảo”.

Tương tự, lớp 2K của trường TH Nguyễn Thái Sơn (Q.3) có rất đông HS đạt điểm 10 cho hai môn toán và tiếng Việt. HS đạt 10 những môn phụ như ngoại ngữ, tin học… cũng không ít. Tại trường TH Trần Hưng Đạo (Q.1), dù là HS lớp 1 hay lớp 5 cũng nhan nhản những con 10 đỏ chót trong sổ đánh giá định kỳ. Thực tế tại các trường hiện nay, số HS xuất sắc, HS giỏi toàn diện vượt xa HS yếu kém. Ở những trường TH và THCS thuộc diện “top” như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Ngọc Hân, Hòa Bình, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Du (Q.1), Lương Định Của, Nguyễn Thái Sơn (Q.3), Nguyễn Văn Tố (Q.10), Nguyễn Gia Thiều (Q.Tân Bình)… thì lượng HS giỏi chiếm một nửa sĩ số tại nhiều lớp. 

Khi tất cả mọi bạn học xung quanh đều là "thiên tài", "thần đồng" thì việc HS sở hữu học lực trung bình, khá bỗng trở thành… lạc lõng. 

Tiến bộ… thần tốc?

Anh V., có con học lớp 3 Trường TH Trần Quang Khải thấy lấn cấn khi con mình đạt bốn con 10 vào cuối năm học. Anh nói: “Con mình và nhiều bé nói tiếng Việt chưa sõi, không thể giỏi ngoại ngữ được. Riêng môn tiếng Anh, cháu cho biết thầy dạy không hiểu hết nhưng thi đạt toàn 10. Cháu kể, trong lúc kiểm tra, cô chủ nhiệm có chỉ bài. Thật lòng, tôi không mong con mình giỏi ảo. Biến trò giỏi hết làm gì”. 

Kết quả kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 của HS Trường THPT Thủ Thiêm (Q.2) là rất kém cỏi: môn tiếng Anh, cả 8/8 lớp có tỷ lệ HS dưới trung bình ở mức 60-98%, trong đó tỷ lệ HS dưới điểm 3 rất cao, nhiều lớp chỉ có một-hai HS đạt trung bình; môn toán, 5/9 lớp có điểm thi dưới trung bình từ 75-86%.  Thế nhưng tỷ lệ đỗ tốt nghiệp của trường này lên đến 98,43% (trong khi tỷ lệ chung của TP.HCM 95,39%) nhờ điểm trung bình chung các môn năm lớp 12 quá cao. 

Nhìn vào bảng điểm, dễ thấy HS các lớp 12 của trường THPT Thủ Thiêm năm 2015-2016 đã tiến bộ cực kỳ… ngoạn mục. Ví dụ, ở lớp 12A5, ở học kỳ I có 22/44 HS dưới trung bình môn toán (trong đó có bảy HS điểm từ 2,5 đến dưới 4,0); nhưng sang học kỳ II, kết quả đột nhiên nhảy lên 42 HS đạt trên 7,0, trong đó 18 HS trên 8,0 và bốn HS trên 9,0. Hai HS có kết quả thấp nhất là 6,8. Không có HS dưới trung bình. 

Thầy Nguyễn Khắc Khanh, Hiệu trưởng Trường THPT Đào Duy Từ (Q.Gò Vấp) thừa nhận, có một thực tế bất thành văn tại nhiều trường hiện nay là chấp nhận nâng điểm cho HS, nhất là HS cuối cấp, bởi lẽ: lớp 5, lớp 9, HS có được xếp học lực giỏi thì mới đủ điều kiện “lấn tuyến” sang các trường THCS nổi tiếng và thi vào lớp 10 chuyên; với lớp 12, điểm học bạ đang là bệ phóng để HS đậu vào hàng loạt trường đại học. Bởi thế mà rất nhiều HS lớp 10, 11 học lẹt đẹt, đến học kỳ I lớp 12 vẫn không thay đổi. Nhưng sang học kỳ II thì lập tức bứt phá thần tốc lên HS khá, giỏi. Đến khi thi THPT quốc gia mới lòi ra giỏi thực hay chỉ là ảo. 

Cách dạy, thi, đánh giá kết quả học tập... đang rất có vấn đề và lộ rõ sai lầm nhưng PH, nhà trường và ngành giáo dục đều thấy sướng. Hãy nhìn vào thực tế, khi con em ta lớn lên, đi vào những bậc học cao hơn, cần phát huy năng lực cá nhân, sáng tạo... thì có bao nhiêu cháu thể hiện được sự tài giỏi như đã được đánh giá? Con em ta giỏi cả, sao khi siết chặt thi tốt nghiệp THPT và thi đại học lại rụng như sung? Nếu giỏi thật thì sao ra đấu trường học thuật, nghiên cứu khoa học quốc tế lại không có cửa? Cả PH và ngành giáo dục đang tự lừa dối mình. Hãy để cho con em ta sống thực bằng khả năng có thật của bản thân. Có thua kém cũng không sao cả, để các em biết mà nỗ lực vươn lên. Hãy để cho các em tự vượt qua những chướng ngại chứ đừng rải thảm hoa hồng trên bước đường đi đến tương lai.

Một phụ huynh trường tiểu học Lê Văn Tám, Biên Hòa, Đồng Nai

Tiêu Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI