Khi đề văn không giúp người học sống tốt hơn

16/12/2019 - 07:49

PNO - Một đề văn lớp Tám kiểm tra học kỳ I gây băn khoăn: “Kể về một việc tốt của em làm cho ba mẹ vui lòng”. Băn khoăn chính là ở tư duy người ra đề: làm việc tốt là hành động để cho cha mẹ vui lòng!

Đây là quan niệm từng ám ảnh bao người trẻ: suy nghĩ hoặc hành động để làm hài lòng người này, người kia. Có sự bất hạnh nào hơn khi chúng ta phải hành động mà không xuất phát từ nhận thức, mong muốn, khát vọng của bản thân?

Khi de van khong giup nguoi hoc song tot hon
Đề thi gây băn khoăn khi yêu cầu học sinh ""kể về một việc tốt của em làm cho cha mẹ vui lòng""

Ý chí của chủ thể vì sao phải đặt sau ý chí của cha mẹ, của ông bà, của thầy cô…? Lúc nhỏ ăn uống giỏi, ngoan ngoãn thì ông bà, cha mẹ mới vui lòng. Đến tuổi đi học thì phải chăm chỉ học thật giỏi, thật ngoan, chơi được thể thao, sành nhạc cụ đúng chuẩn “con nhà người ta” để “mua” sự nở mày nở mặt cho gia đình, cho trường lớp.

Khi trưởng thành phải có sự nghiệp nổi bật, kiếm thật nhiều tiền để vợ con được sung túc… Bao nhiêu áp lực đè nặng lên cuộc đời mỗi người từ lúc sinh ra cho đến khi trưởng thành cốt cũng chỉ để mua sự hài lòng cho người khác. Trong lúc đó, cảm xúc và mục tiêu cuộc sống của chính bản thân bị xem nhẹ. Tất cả cũng vì cái quan niệm lệch lạc được nhồi nhét ngay từ nhỏ, và nay nó được hiển thị ngay trong nhà trường phổ thông, qua môn văn.

Chỉ cần tìm kiếm chủ đề này trong các diễn đàn dạy văn sẽ cho ra hàng loạt kết quả bài văn mẫu bởi đây là kiểu đề bài phổ biến trong chương trình lớp Tám. Ở đó, người ta “mớm” sẵn hàng loạt hành động tốt cho học sinh như: dẫn cụ bà qua đường, nhặt rác, cứu một em bé đi lạc, trả lại của rơi, phụ mẹ làm việc nhà… Kèm theo đó là dàn ý chi tiết và bài viết mẫu.  

Trong khi nhiều nhà giáo dục đã cảnh báo, hiện nay con trẻ mất động lực học tập, mất niềm vui vì các em đang học... cho cha mẹ. Đã có không ít trường hợp học sinh tự vẫn do không đạt được kết quả học tập như cha mẹ mong muốn. 

Việc cha mẹ vui lòng là kết quả đi kèm của việc tốt chứ không phải là mục đích của việc làm tốt. Nhưng tư duy đề thi này lại đi ngược điều đó, như khẳng định rằng mục đích của việc tốt là để cha mẹ vui lòng. 

Thạc sĩ giáo dục Phạm Phúc Thịnh đánh giá đề kiểm tra này như của hàng thập niên trước trong khi ngành giáo dục đang kêu gọi đổi mới. Chuyện đổi mới không dễ như nói suông. Làm việc tốt sao không phải vì bản thân các em muốn, các em cần, các em thấy bình an, thấy giá trị của việc tốt mà phải vì để cha mẹ vui lòng? 

Một giáo viên tại Q.5, TP.HCM chia sẻ: đề như vậy thì đừng trách văn chương của học sinh mãi như trẻ con không lớn được với mô-típ tả cảnh, tả tình, tả người và lúc nào cũng lên gân bằng những cái kết kiểu em xin hứa, em quyết tâm… “Đề thi theo lối mòn, cũ rích từ tư duy người làm đề. Đáng lo là đề này được dùng chung cho cả quận”, vị này nói. 

Giáo dục Việt Nam trước nay vẫn theo lối thi gì học nấy, người dạy và người học lấy thi cử làm mục tiêu cuối cùng để quy chiếu ngược lại nên dạy gì, học thế nào để đạt hiệu quả. Bởi thế, muốn đổi mới giáo dục, có thể bắt đầu từ thay đổi “chuẩn đầu ra”. Tính khoa học của cách đánh giá, sự tinh tế của đề thi nếu làm tốt sẽ đạt hiệu quả cao. 

Tiêu Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI