Hơn 1.000 vụ bạo lực học đường/năm: Nhà khoa học đang ở đâu?

03/04/2019 - 08:38

PNO - Bạo lực học đường giờ không chỉ gia tăng số lượng mà tính chất ngày càng dã man, nhưng Bộ GD-ĐT vẫn không có chiến lược nghiên cứu nào để tìm ra nguyên nhân, giải pháp thay vì kêu gọi phòng, chống bạo lực học đường trên giấy.

Hằng năm, vẫn có hàng trăm nghiên cứu khoa học cấp bộ được tiến hành nhưng vấn nạn bạo lực học đường chưa được gọi tên. 

Né tránh

“Trong phạm vi trách nhiệm của mình, Bộ GD-ĐT cũng đã nỗ lực giải quyết, có các chỉ đạo kịp thời để khắc phục tiêu cực”. Đó là chia sẻ của người đứng đầu ngành GD-ĐT trong cuộc gặp báo chí đầu năm 2019. 

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết thêm: năm 2019 sẽ tổng kết giai đoạn trước để năm 2020 xây dựng chiến lược cho giai đoạn mới ở cấp quốc gia. Để làm điều này, đã có gần 40 đề tài nghiên cứu cấp nhà nước, thu hút hàng trăm nhà khoa học. 

Ông Nhạ cũng thông tin: các đề tài trải rộng khắp các lĩnh vực để phục vụ cho thiết kế chính sách giáo dục, như Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học vừa qua sớm hoàn thành vì đã có đề tài cấp nhà nước của Trường đại học Luật Hà Nội về các vấn đề liên quan. Hay về thi cử, cũng có một đề tài nghiên cứu, từ đó sẽ có câu trả lời nên bỏ hay giữ kỳ thi THPT quốc gia. Hoặc với tự chủ đại học, hiện nay có 12 đề tài lớn nhỏ…

Hon 1.000 vu bao luc hoc duong/nam: Nha khoa hoc dang o dau?
Lại thêm vụ nữ học sinh lớp Bảy tại Nghệ An bị nhóm bạn bạo hành

Nhưng tuyệt nhiên, không thấy người đứng đầu ngành giáo dục nhắc đến một nghiên cứu tầm cỡ chiến lược nào về vấn nạn bạo hành học đường hiện nay nhằm tìm ra giải pháp thực chất hơn là kêu gọi phòng, chống bạo lực học đường bằng những nghị định, thông tư, quyết định, văn bản...

Nhìn những con số thống kê, khó có thể xem đây chỉ là những sự vụ tiêu cực đơn lẻ. Năm học 2017-2018, báo cáo của ngành GD-ĐT cả nước gửi về Bộ GD-ĐT, bạo lực học đường xảy ra vài trăm vụ. Nhưng theo thống kê của ngành công an, số vụ liên quan đến bạo lực học đường là hơn 2.000, trong đó hơn 53% số vụ xảy ra trong trường học. Nghĩa là năm học vừa qua đã có hơn 1.000 vụ bạo lực xảy ra trong trường học. 

Chưa hết, từ năm 2011 đến năm 2018, theo báo cáo của liên bộ GD-ĐT và Công an, có đến hơn 18.000 vụ vi phạm pháp luật, bạo lực học đường với đối tượng liên quan là cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên; hơn 11.000 vụ đánh nhau gây thương tích, hơn 200 vụ xâm hại tình dục, 900 vụ uy hiếp tinh thần. Đáng nói, trong số này, gần 10.000 vụ diễn ra trong nhà trường.

Làm sao tìm ra giải pháp?

Nhìn vào danh mục 220 đề tài khoa học và công nghệ do cấp bộ đặt hàng để chọn thực hiện năm 2019, chỉ có duy nhất một đề tài có hơi hướng liên quan: “Phòng ngừa bạo lực học đường cho học sinh THCS thông qua công tác xã hội học đường” của Trường đại học Sư phạm Hà Nội. Hoặc đề tài: “Nghiên cứu sức khỏe tâm thần của học sinh THCS vùng Tây Bắc”. Nhưng không chắc các đề tài này sẽ được chọn để thực hiện, thay vào đó sẽ là các đề tài vô thưởng vô phạt, kiểu như: “Nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chí đánh giá năng lực dạy học môn cờ vua của sinh viên sư phạm ngành giáo dục thể chất”…

Còn nhớ năm học này, tại Trường trung học West Side ở Newark, Mỹ, có đến 85% học sinh của trường vắng mặt từ 3-5 ngày/tháng. Hiệu trưởng Akbar Cook tìm hiểu ra rằng việc thiếu quần áo sạch chính là lý do. Ông đã vận động tài trợ để xây dựng khu giặt quần áo cho học sinh nghèo tại trường để các em không phải nghỉ học vì bị bạn bắt nạt do quần áo bốc mùi. Đến nay, tình hình vắng học đã được cải thiện. Có vẻ ông hiệu trưởng đã giải quyết vấn đề chẳng liên quan đến giáo dục nhưng lại giảm được số ngày nghỉ học của học sinh. Vậy có phải ông đã giải quyết tận gốc vấn đề?

Trong khi đó, bộ trưởng Nhạ nhấn mạnh về việc triển khai các đề tài nghiên cứu chiến lược trên là: “Cũng phải thấy rằng chỉ chăm chăm vào “chữa trị hiện tượng”, không nhìn ra cái lớn thì mãi sẽ không chữa trị được tận gốc”. Nhưng sự thật là bạo hành học đường chưa được nghiên cứu một cách sâu rộng nhằm tìm ra nguyên nhân để chữa tận gốc. 

Biết rằng, tại diễn đàn giáo dục thế giới và Triễn lãm giáo dục toàn cầu tại Anh cuối tháng 1/2019, bộ trưởng đã dẫn lại câu ngạn ngữ châu Phi: “Chúng ta cần một ngôi làng để nuôi dưỡng một đứa trẻ”. Giáo dục một đứa trẻ đúng là cần có thầy cô, phụ huynh, nhà trường và xã hội. Tuy nhiên, nếu không phải Bộ GD-ĐT cần quyết liệt trong các nghiên cứu tầm cỡ về vấn nạn bạo hành học đường thì ai có thể làm? 

Khánh Linh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI