Học sinh ngoan là tốt?

26/02/2019 - 07:53

PNO - Lâu nay tôi chỉ dạy con chăm ngoan, lễ phép mà quên mất một điều quan trọng là dạy con biết phản biện, phản kháng để đứng trước một tình huống, con biết phân định đúng sai và có hành động phù hợp.

Từ khi con vào lớp Một, tôi ngỡ ngàng phát hiện con ngày càng ít thắc mắc mà lúc nào cũng dạ, vâng. Trong khi đó, từ lúc 3-4 tuổi, con đã đặt những câu hỏi như: tại sao con không được ra ngoài chơi? Tại sao chiếc xe có hai bánh mà không bị ngã… Con ngoan ngoãn một cách máy móc và câu cửa miệng luôn là cô con nói thế này, cô con nói thế kia.

Sau vụ cô giáo ở Quảng Bình bắt học sinh tát bạn 231 cái, tôi hỏi hai con gái sáu tuổi của mình: “Nếu cô giáo kêu con tát bạn, mà bạn không có lỗi với con thì các con có tát không?”. Hai con đồng thanh “dạ có”. “Vì sao?”. Con nói ngay: “Vì cô giáo kêu, con phải làm theo, nếu không cô sẽ la”. Câu trả lời làm tôi mất hồn.

Hoc sinh ngoan la tot?
Không chỉ dạy con chăm ngoan, cha mẹ cần dạy trẻ cả cách phản biện nhiều vấn đề  không phù hợp trong cuộc sống

Vậy là con tôi có thể trở thành con vẹt, bạo lực với bạn ngay cả khi bạn không có lỗi với mình vì nghe lời cô một cách máy móc. Hoặc con tôi cũng có thể trở thành nạn nhân vì bạn cũng tuân lời cô triệt để.

Tôi nghĩ lâu nay chỉ dạy con chăm ngoan, lễ phép mà quên mất một điều quan trọng là dạy con biết phản biện, phản kháng để đứng trước một tình huống, con biết phân định đúng sai và có hành động phù hợp.

Nhưng bắt tay vào dạy con quả không dễ, bởi lằn ranh của sự dạy con phản biện rất gần với việc con thích cãi, trả treo, hỗn; buộc tôi phải kiên nhẫn điều chỉnh dần. Khi con đòi coi điện thoại, tôi hỏi “vì sao con cần phải coi điện thoại?”. Ban đầu con nói “vì con thích”, nhưng sau đó bé đã biết giải thích “vì con có thể xem phim hoạt hình, học tiếng Anh và nó có ích lắm mẹ”. 

Kết quả của những tháng ngày tôi kiên trì dạy con phản biện, phản kháng là trong một lần con cùng bà ngoại ra công viên chơi, có cô gái đi ngang vô tình đụng trúng bà suýt ngã rồi bỏ đi. Khi đó, con gái tôi lên tiếng “sao chị đi trúng bà ngoại em mà không xin lỗi?”. Vậy là cô bé đó quay lại nhìn con tôi trân trân, rồi vòng tay “con xin lỗi bà”.

Khi đi siêu thị, trong lúc mọi người xếp hàng chờ tính tiền, thấy một anh chen ngang đứng trước mặt bà ngoại, con gái lại nhỏ nhẹ: “Chú ơi, chú tới sau, chú phải xếp hàng ở dưới kia kìa”. Cậu thanh niên này cũng trân mắt nhìn con gái tôi, ra vẻ quê rồi bước ra phía sau xếp hàng. Bà nở mày nở mặt về khoe: “Hôm nay, bé Su, Si đòi công bằng cho bà ngoại đó”. 

Điều khiến tôi hài lòng là giờ con không còn nghe lời cô giáo, người lớn một cách máy móc. Như khi ba cháu vừa bưng hai chén cơm đặt xuống bàn, nhắc “các con ăn đi” thì cô em trả lời: “nóng lắm ba ơi”. Ba gắt: “Ba mới bưng xuống có nóng đâu”. Cô em nói ngay: “Ba là người lớn, da tay ba dày cầm không thấy nóng. Da tay con mỏng nên nóng lắm”.

Tôi tin, tinh thần phản biện sẽ giúp con trở thành người không dễ bị bắt nạt và con sẽ độc lập trong suy nghĩ, biết phân định đúng sai; nên, không nên làm điều gì. Quan trọng hơn, con sẽ thấy mình là một người sống có trách nhiệm, có giá trị, hữu ích cho gia đình và xã hội. 

N Khánh Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI