Học sinh lớp 6 bị trả xuống lớp 1: "Con tôi mặc cảm, không chịu đi học"

03/10/2016 - 14:51

PNO - Theo chị G., dù biết lực học của con mình yếu, nhưng đến mức lớp 6 không biết đọc, biết viết phải học lại lớp 1 thì quả thực khiến chị rất sốc.

Gia đình từng nhiều lần xin cho con học lại

Theo tin tức trên Thanh Niên, trường hợp này xảy ra với L.S.V, học sinh (HS) lớp 6 Trường THCS Lê Vĩnh Hòa (TP.Sóc Trăng).

Trao đổi về vấn đề này, ông Châu Triều Quốc, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Vĩnh Hòa, cho biết qua kiểm tra chất lượng đầu năm, nhà trường ngã ngửa khi V. không làm được bài kiểm tra, kể cả tên họ viết cũng không rõ. Trong khi học hằng ngày, giáo viên phát hiện học lực V. rất kém, không làm được bài tập, không đọc, viết được. Nhà trường đã mời phụ huynh đến làm việc và quyết định chuyển cho học lại từ lớp 1.

Việc V. phải học lại từ lớp 1 khiến gia đình HS này bị sốc nặng. Bởi theo chị T.T.Q.G, mẹ V., 5 năm học tại Trường tiểu học Lý Đạo Thành (P.8, TP.Sóc Trăng) V. đều lên lớp, có giấy chứng nhận hoàn thành chương trình tiểu học. “Dù biết lực học của V. yếu, nhưng đến mức không biết đọc, biết viết thì quả thực tôi rất sốc”, chị G. nói.

Hoc sinh lop 6 bi tra xuong lop 1:
Trường tiểu học Lý Đạo Thành. Ảnh: Hà Nội mới

Đáng lưu ý, theo chị G.: “Năm cháu học lớp 4, chính tôi đã đến xin cho con ở lại lớp nhưng nhà trường nói cháu học được nên không cho ở lại. Đến cuối năm lớp 5, tôi gặp giáo viên chủ nhiệm lớp 5/3 của cháu, nói với thầy là con tôi học yếu thầy cứ cho cháu ở lại học cho cứng. Song thầy nói cháu học được, gia đình chịu thì nhà trường cho lên lớp.

Mình không biết chữ, gửi con cho nhà trường thì thầy giáo nói sao mình nghe vậy. Đến khi “bể chuyện” thì nhà trường lại trách gia đình thiếu quan tâm đến con. Chúng tôi không biết chữ mới gửi con vào trường, tại sao nhà trường lại phủi trách nhiệm của mình. Khi cháu V. quay về Trường tiểu học Lý Đạo Thành học lại, tôi có xin nhà trường cho cháu học lại lớp 5 nhưng không biết sao lại đưa cháu xuống lớp 1, sau đó chuyển lên lớp 2 khiến con tôi mặc cảm, cuối cùng cháu không chịu đi học nữa”.

Chị G. cho biết thêm: “Cháu vào lớp 6, dù nhà nghèo nhưng gia đình cũng vay mượn tiền mua quần áo, sách vở, đồ dùng học tập cho cháu đi học. Khi nghe nói cháu phải xuống lớp 1 học lại thì hai mẹ con ôm nhau khóc ngay tại chỗ. Từ ngày đó đến nay, V. buồn tủi không chịu đi học nữa. Trong mấy ngày qua, V. ở nhà giúp cha ra đồng làm ruộng, do xấu hổ với bạn bè nên cháu nói nghỉ học luôn”.

Lý giải vì sao không biết đọc, không biết viết nhưng vẫn lên lớp đều đều, V. cho biết: “Khi kiểm tra, làm bài thi được thầy, cô chỉ bài, hướng dẫn viết là cháu làm được thôi”, V. hồn nhiên.

Áp lực chỉ tiêu của trường chuẩn Quốc gia?

Trước đó, báo Hà Nội mới cũng dẫn lời Hiệu trưởng Trường tiểu học Lý Đạo Thành Nguyễn Huỳnh Ngọc Hạnh, xác nhận thông tin trên. “Trường hợp của em L.S.V đã vào lớp 6 nhưng học rất yếu là có thật. Đây là do sơ suất của nhà trường, vì vậy chúng tôi đã khắc phục bằng cách mỗi buổi sáng cử 1 giáo viên kèm riêng một mình em V., bắt đầu từ chương trình lớp 1. Nhưng V. vào học chỉ được vài ngày rồi không thấy đến trường nữa”, cô Hạnh cho biết.

Hoc sinh lop 6 bi tra xuong lop 1:
Ảnh minh họa

Cũng theo cô Hạnh, Trường tiểu học Lý Đạo Thành đã đạt chuẩn Quốc gia cách đây 4 năm. Hằng năm, để xét lên lớp, nhà trường cũng tổ chức thi, kiểm tra chéo, nhận xét đánh giá đầy đủ theo Thông tư 30. Để xảy ra tình trạng học sinh lên lớp đều nhưng không biết đọc như vậy lỗi một phần do nhà trường tin tưởng giáo viên quá. Hơn nữa, việc giao chỉ tiêu, áp lực của trường chuẩn Quốc gia nên thường cuối năm, mỗi lớp, học sinh lưu ban gần như không được quá 1 em.

Theo kế hoạch, năm học tới Trường tiểu học Lý Đạo Thành sẽ lại được xem xét để công nhận tái đạt chuẩn Quốc gia, vì đã được công nhận đạt chuẩn cấp độ 1 từ 4 năm trước. Một giáo viên Trường THCS Lê Vĩnh Hòa cho biết trường đã trả lại 2 học sinh lớp 6 cho Trường Tiểu học Lý Đạo Thành vì các em học quá yếu.

Trường hợp của V. không phải là cá biệt ở TP Sóc Trăng, thầy cô giáo ở trường Tiểu học Lê Hồng Phong cũng đang đau đầu vì trường này có 8 em học lớp 3 mà không biết đọc, hơn 10 em đọc chữ còn phải đánh vần.

 Khi cô giáo đọc từng chữ cho viết, trong một câu, một em học sinh không viết chữ nào đúng chính tả. Trong khi đó, theo quy định, HS lớp 3 phải đọc tối thiểu 70 tiếng/phút nhưng các HS này chỉ đánh vần được vài chữ.

Mai Hoa (Tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI