Học sinh lao vào 'cày game' để bớt cô đơn

01/07/2019 - 06:47

PNO - Ít phụ huynh biết rằng, cho con chơi game để con đỡ buồn là đẩy con mình vào… ngõ cụt.

Mùa hè - mùa cô đơn của những học sinh ở thành phố. Nhiều em bị giam lỏng ngay trong chính căn nhà của mình và chúng chọn game để giải thoát. Ít phụ huynh biết rằng, cho con chơi game để con đỡ buồn là đẩy con mình vào… ngõ cụt.

Đưa con vào “lò game” cho đỡ buồn

15g, tại một trung tâm trò chơi ở Q.Bình Tân (TP.HCM), chúng tôi bắt gặp cảnh một người mẹ trẻ đặt con ngồi cùng trên ghế và hai tay vẫn giữ chặt các nút trò chơi game bắn cá. Mùa hè, để con ở nhà thì buồn nên chị đưa con đi chơi cùng.

Hoc sinh lao vao 'cay game' de bot co don
Một đứa trẻ chừng 11 tuổi cày game online trong một tiệm ở khu Tên Lửa

Đảo mắt vòng quanh, chúng tôi nhẩm đếm có khoảng chục đứa trẻ độ tuổi học sinh tiểu học đang ôm máy “sát phạt”. Game bắn cá làm trẻ “phát cuồng”, vì có tính ăn thua. Ngay cả nhiều người lớn cũng thừa nhận “trò này càng chơi càng ghiền”.

17g, tại một tiệm game ở gần khu Tên Lửa (Q.Bình Tân), một game thủ “nhí” có lẽ vì đã quá mệt, ngồi buông tay dựa ngửa ra ghế, trên màn hình game đang bật chế độ chơi tự động. Game thủ “nhí” cho biết, mình “nhập lò” từ 14g và sẽ được chơi đến 18g vì khi đó cha mẹ em mới đi làm về.

Mùa hè, nhiều tiệm game ở TP.HCM khách nườm nượp. Bởi lẽ, thời gian nghỉ nhiều, nhiều phụ huynh chọn cách cho con chơi game để giải trí. Thậm chí, có trường hợp trẻ được bố trí điện thoại, máy tính ngay tại nhà để chơi. Và từ đây, không ít trường hợp phụ huynh phải đưa con đi khám tâm thần vì nghiện game.

Nhắc đến chuyện con nghiện game, chị B.K.D. (ngụ Q.Gò Vấp) lại tự trách mình. Vào hè, chị D. dắt con trai lên công ty. Sợ bị quấy rầy, chị D. “biên chế” cho con một chiếc laptop để cháu thoải mái. Không ngờ, từ đó cậu học sinh lớp Năm dính sâu vào game online và thường xuyên nạp tiền “nuôi” nhân vật game. Một năm qua, con chị vẫn chưa bỏ được game mà vẫn phải điều trị theo kiểu “giảm liều” - tức là giảm dần thời gian chơi.

Hè chơi game, vô năm trốn học chơi tiếp

Ông Đặng Lê Anh, phụ trách đào tạo Trường Nội trú IVS - nhiều năm gắn bó với công tác giáo dục các học viên nghiện game cho biết, có một tâm lý chung ở nhiều phụ huynh là không quan tâm đến việc con mình chơi game ít hay nhiều, còn nghĩ con chơi game là tốt, tránh được các tệ nạn khác. Đó là suy nghĩ rất sai lầm.

“Các cháu chơi game mùa hè thì đến khoảng đầu năm học sẽ có hiện tượng bỏ học, trốn học để chơi game. Khi phụ huynh thấy con bỏ học chơi game hay có thái độ bất hợp tác với gia đình thì mới tá hỏa. Tôi từng tiếp xúc với nhiều trường hợp nghiện game nặng, mỗi ngày chơi từ 15 đến 20 tiếng dẫn đến kiệt sức”, ông Đặng Lê Anh nói.

Hiện có hai quan điểm về cách cai nghiện game là cai luôn hoặc “giảm liều” - tức giảm thời gian chơi game từ từ, tiến tới ngưng sử dụng. Đối với liệu pháp “giảm liều”, các gia đình phải tìm ra những hoạt động thay thế cho trẻ. Ví dụ, trong một ngày trẻ chơi game 8 tiếng, muốn giảm còn 4 tiếng, tùy từng đối tượng lựa chọn các hoạt động để trẻ có thể quên ham muốn chơi game như: đi dã ngoại, chơi thể thao, học thêm, trại hè…

Trong thời đại 4.0, nghiện game càng có điều kiện để gia tăng. Việc can thiệp, điều trị vì thế không phải dễ dàng. Do đó, giống như các bệnh lý tâm thần, nghiện game được xếp vào nhóm bệnh không lây nhiễm - nên chiến lược điều trị là sống chung và kiểm soát bệnh cả đời. 

Sáu tiêu chí cơ bản để xác định trẻ nghiện game

Theo bác sĩ của Viện Sức khỏe tâm thần, có sáu tiêu chí cơ bản để xác định người nghiện game. Khi có một vài biểu hiện nằm trong các tiêu chí này, gia đình nên đưa trẻ đến khám và tư vấn.
1. Có thèm muốn chơi game mãnh liệt. 
2. Có khuynh hướng “tăng liều”, thời gian chơi gia tăng so với ngày hôm trước, tuần trước… 
3. Người chơi xuất hiện “hội chứng cai”, tức có cảm giác bứt rứt, cuồng cấu nếu như không được chơi game, hay không được sử dụng đúng như thời gian cũ. 
4. Khó kiểm soát thói quen sử dụng, có thể chơi ở bất cứ chỗ nào, trên các phương tiện có thể. 
5. Thay đổi các biểu hiện tính cách vốn có. 
6. Dù biết tác hại nhưng người chơi không thể từ bỏ mà tiếp tục sử dụng.

Hoàng Lâm - Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI