Học sinh khổ vì liên tục 'nhảy' trường theo cha mẹ

06/10/2017 - 08:57

PNO - Việc chuyển trường liên tục sẽ ảnh hưởng xấu đến tâm lý của trẻ. Mỗi lần thay đổi là một lần con trẻ bị tổn thương vì phải gồng mình làm quen và thích ứng với môi trường mới.

Trong 4 năm học đầu đời, Lê Duy Anh phải chuyển trường những 4 lần. Những lần “nhảy” trường không xuất phát từ lý do khách quan như đổi chỗ ở, càng không liên quan đến ý muốn của Duy Anh mà theo sự thay đổi suy nghĩ liên tục của bố mẹ…
“đuổi hình bắt bóng”

Hoc sinh kho vi lien tuc 'nhay' truong theo cha me
Bạn bè luôn là nhu cầu của con trẻ - Ảnh: Phùng Huy       

Duy Anh từng vào học lớp Một ở một trường tiểu học danh giá bậc nhất Sài Gòn mà không phải ai muốn vào cũng được. Khi đó, cậu bé theo học chương trình tiếng Anh Cambridge. Vào lớp Hai, thấy việc học của con đuối dần, mẹ Duy Anh sau nhiều lần cân nhắc, đã chuyển em về một ngôi trường tư gần nhà ở quận 9, bỏ chương trình Cambridge, để Duy Anh được học tập vui vẻ, tránh áp lực.

Hai năm yên ổn trôi qua khá nhanh. Đầu lớp Bốn, Duy Anh lại khăn gói chuyển đến học tại một ngôi trường công có tiếng gần công ty của bố ở quận 4. Lần chuyển này khá đột ngột, bởi suốt mùa hè cha mẹ cậu bé không có ý định cho con chuyển trường. Nhưng khổ cho cậu bé, khi năm học chính thức bắt đầu được một tuần, thì bố mẹ lại quyết định chuyển trường cho cậu một lần nữa vì không chấp nhận những phức tạp trong các mối quan hệ ở trường công cũng như cách dạy - học nhồi nhét. 

Mẹ của bé Lê Hà Mai là người am hiểu về giáo dục nhưng chẳng hiểu sao lại “quăng quật” con mình đáng thương như vậy. Dù mới học lớp Lá nhưng bé đã phải làm quen với 3 ngôi trường khác nhau; mỗi lần đổi trường là mỗi lần khóc và đổ bệnh cả tháng vì nhớ bạn, nhớ cô.

Hành trình của Hà Mai bắt đầu từ một trường mầm non tư thục xịn, sang trường chuẩn quốc gia, rồi lại quay về ngôi trường nằm trong chung cư gần nhà. Chị Phương, mẹ bé, đưa ra những lý do hết sức… trời ơi: “Trường nào cũng có cái không ổn cho bé. Trường tư cô chăm kỹ nhưng dạy không ổn. Trường công thì môi trường phụ huynh quá phức tạp, cháu quá đông khiến con đi học về cứ bị trầy trụa”.

“Không bằng lòng với ngôi trường hiện tại và không ngừng tìm kiếm ngôi trường trong mơ cho con” đang là hiện tượng phổ biến ở nhiều phụ huynh. Khát khao ấy là chính đáng nhưng không thực tế, bởi làm gì có một môi trường giáo dục nào hoàn hảo. Khổ nỗi, trong lúc không hài lòng với trường cũ, nhiều ông bố bà mẹ chỉ cần nghe phụ huynh hay đồng nghiệp “tâng bốc” một ngôi trường nào đó là gật đầu ngay, để rồi sau đó lại tiếp tục không hài lòng.

Hoc sinh kho vi lien tuc 'nhay' truong theo cha me
 

Một cán bộ Phòng Giáo dục quận 11 kể: “Có người cuồng đến độ một năm bắt con chuyển trường 2 lần. Tôi biết những trường hợp này không phải vì những lý do khách quan như chuyển nhà hay chuyển công tác, mà là vì sau khi “đuổi hình bắt bóng” hết các loại hình thì thời gian sau lại thấy xin quay về trường gần nhà”.

Phải xác định mục tiêu lâu dài cho con 

Việc chuyển trường liên tục sẽ ảnh hưởng xấu đến tâm lý của trẻ. Mỗi lần thay đổi là một lần con trẻ bị tổn thương vì phải gồng mình làm quen và thích ứng với môi trường mới. Đó là một quá trình không hề dễ dàng, nhưng cha mẹ thường không hiểu.
Từ những sai lầm vừa nêu, ông Cao Huy Thảo, nguyên Hiệu trưởng trường quốc tế công lập Việt Úc, cho rằng: cha mẹ phải xác định mục tiêu học tập lâu dài cho con, từ đó mới vạch ra kế hoạch. Phải biết con cần gì, mô hình nào phù hợp. Chỉ những người không xác định được mục tiêu tương lai cho con mới phải liên tục phân vân giữa các mô hình giáo dục.

Nếu anh muốn con đi du học, đơn giản cứ chọn trường công lập vừa phải theo học, thời gian còn lại dành cho việc học tiếng Anh và kỹ năng cần thiết. Nếu thực sự có điều kiện thì cho vào trường quốc tế để rèn luyện văn hóa giáo dục quốc tế. Nói “thực sự có điều kiện” là vì học quốc tế mà giữa đường gãy gánh thì việc quay lại học trường công sẽ rất khó khăn cho trẻ. Nếu chỉ muốn con trưởng thành ở môi trường nội địa thì chắc chắn phải theo trường công. Ngoài giờ học, thời gian còn lại có thể dùng để luyện thi, vui chơi thể thao. 

Đứng ở góc độ phụ huynh, ThS Nguyễn Hồ Thụy Anh, giảng viên Trường Phát triển tài năng và tính cách John Robert Powers, chia sẻ: học sinh ở những trường công tốt sẽ tương đối lành, phần đông có định hướng rất rõ cho tương lai. Nếu quyết định cho con học trường công, cha mẹ bắt buộc phải hình thành kỹ năng tự học cho con ngay từ tuổi tiểu học để tránh tình trạng quay cuồng với các lớp học thêm đến mụ mẫm cả người; có kế hoạch cho con học các môn năng khiếu như võ, bơi, đàn và đặc biệt là tiếng Anh; giúp con vượt qua những cú sốc về tâm lý do áp lực đến từ những bất cập của trường công.

Nhưng ngược lại, với những đứa trẻ có tính cách không chịu được áp lực thì có thể phát triển tốt ở trường tư, nơi chăm chút cho từng cá thể.

Vì thế, con trẻ thành công hay thất bại không phụ thuộc nhiều vào chuyện học trường công lập, quốc tế hay du học. Quan trọng nhất là gia đình phải tạo ra cái nôi giáo dục để con có được kỹ năng. Cứ mải miết chạy theo mục tiêu bất định thì chỉ làm trì trệ sự phát triển liên tục của con trẻ mà thôi. 

Gia Tuệ

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI