Hamid phải được đi học lại

06/09/2018 - 06:00

PNO - Sáng 5/9, được mẹ dẫn đến trường, tuy đôi chân hơi khập khiễng nhưng em vẫn muốn tự mình bước đi. Hamid vào trường, gặp lại bạn bè, thầy cô, em mừng rỡ, nghe tiếng ai cũng gọi tên, rồi cười.

Abdol Hamid là cậu bé dân tộc Chăm, theo đạo Hồi. Từ khi sinh ra em đã bị khiếm thị, tự kỷ, không nói được, tay chân bị khoèo nên đặt đâu ngồi đó, không giao tiếp với ai, chỉ thích chơi với chiếc nón bảo hiểm. 

Khi Hamid được 7 tuổi, ba mẹ em nghe nói Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu ở TP.HCM nên đến xin cho em được học. Ở trường, bạn bè đông vui nhưng Hamid vẫn ngồi bất động, chỉ ôm chiếc nón bảo hiểm. Thiếu “người bạn” này, Hamid sẽ la hét và tự làm tổn thương mình. Các thầy cô giáo ở trường phải mất nhiều năm mới có thể bước vào thế giới của em.

Hamid phai duoc di hoc lai
Sáng nay, Hamid được mẹ dẫn đến trường, em khá hào hứng vì được đi học lại

Các thầy cô giáo đã kiên nhẫn áp dụng những phương pháp chuyên biệt, nhưng họ cũng bị Hamid từ chốivô số lần. Đúng vào lúc gia đình hết kiên nhẫn và có tâm lý buông xuôi thì các cô “ghẹo” Hamid bật ra tiếng. Hamid nói được và dần quên đi chiếc nón bảo hiểm. Em cùng bạn bè, thầy cô của Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu tiếp tục những bài học mới mẻ. 

Khi Hamid đang bước vào các bài học kỹ năng tự phục vụ, chủ động giao tiếp, di chuyển độc lập, 3 kỹ năng quan trọng nhất, cần tập luyện hằng ngày thì bỗng nhiên em không đến trường nữa. Gia đình em gặp biến cố nên phải về Củ Chi sinh sống. 

Bà Falahigiah, 53 tuổi, mẹ của Hamid, nói: “Ba Hamid phải chạy xe ôm, đưa đón em gái nó đi học, tôi bị thoát vị đĩa đệm, thoái hóa cột sống, lúc nào cũng đau nhức, luôn phải gập lưng khi di chuyển. Bên cạnh đó, chúng tôi là người hồi giáo, với các chế độ ăn, ngủ khắc khe, nếu con đi học, tôi cũng phải đến trường cùng con. Hai mẹ con đi suốt mấy tiếng đồng hồ. Suy đi nghĩ lại, cả nhà quyết định cho Hamid nghỉ học”.

Hamid phai duoc di hoc lai
Vừa nghe các bạn biểu diễn văn nghệ, Hamid vừa đoán tên từng người qua giọng hát

Ở nhà, người thân không có kỹ năng dạy như ở trường nên Hamid dần có dấu hiệu thoái lui. Em lại tìm về chiếc nón bảo hiểm, ngồi yên lặng, không có nổi một tiếng nói, một nụ cười. Biết được trường hợp của em, cô Hà Thanh Vân - Hiệu trưởng Trường Nguyễn Đình Chiểu đã cử giáo viên đến tận nhà để tiếp tục hướng dẫn Hamid, nhưng chỉ khi giáo viên đến, em mới nói chuyện.

Cô Vân cho biết: “Học sinh đa tật phải luôn được dạy và thực hành các kỹ năng thích hợp, tập luyện hằng ngày. Nếu không, các em sẽ bị thoái lui, tức là những gì các em được học trước đây sẽ bị quên dần, tất cả sẽ bắt đầu lại. Hamid đang ở giai đoạn phát triển tốt nên nếu gia đình không có điều kiện thì nên cố gắng đưa em đến trường học 2-3 ngày mỗi tuần”.

Hamid phai duoc di hoc lai
Được học cùng các bạn có khiếm khuyết như mình, Hamid trở nên tự tin, dạn dĩ và thích giao tiếp hơn.

Thương cậu học trò phải rời xa trường lớp nên hè năm 2018 cô Vân cùng các giáo viên của trường đã đến tận nhà vận động phụ huynh cho Hamid đi học lại. Nghe tiếng các cô, Hamid gọi tên từng người, cười vui vẻ và liên tục đỏi “đi học”, “đi học”, “nhớ bạn”, “nhớ cô”… Cầm tay cậu học trò nhỏ, cô Vân nói: “Hamid phải đi học lại thôi! Hamid phải được đi học lại!”. Nghe cô giáo nói, Hamid vỗ tay: “Dạ, đi học, đi học”.

Hamid phai duoc di hoc lai
Rất nhiều phụ huynh không thể ngờ, con của mình ngày một tiến bộ và hòa nhập tốt với cuộc sống

Sáng 5/9, được mẹ dẫn đến trường, tuy đôi chân hơi khập khiễng nhưng em vẫn muốn tự mình bước đi. Hamid vào trường, gặp lại bạn bè, thầy cô, em mừng rỡ, nghe tiếng ai cũng gọi tên, rồi cười.

Đứng bên ngoài lặng nhìn con trai, bà Falahigiah rơi nước mắt: “Tôi không ngờ các cô thương Hamid đến vậy. Không chỉ nhiều lần đến nhà chỉ dạy cho con tôi, cô Hiệu trưởng và các cô khác cũng đến động viên tôi cho Hamid đi học. Ngồi đây tôi mới thấy, ở nhà, nó không vui như thế”.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI