Giữ hay bỏ kỳ thi 'hai trong một'?

13/08/2018 - 06:28

PNO - Với tỷ lệ tốt nghiệp như hiện nay, cộng với việc hầu hết các trường ĐH đều lấy kết quả thi THPT quốc gia để tuyển sinh nên mục đích xét tuyển ĐH đang lấn át dần mục tiêu tốt nghiệp.

Tại phiên thảo luận về dự luật Giáo dục (sửa đổi) ngày 8/8 vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu giao Chính phủ lấy ý kiến nhân dân để hoàn thiện dự luật, nhất là sau khi xảy ra vụ tiêu cực trong thi cử tại một số địa phương

 Dự luật được lùi chương trình thông qua trong năm nay sang kỳ họp Quốc hội thứ 7 (tháng Năm năm sau). Tiếp thu ý kiến này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết: ngay cả kỳ thi THPT tới đây, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức một hội nghị lớn để xin ý kiến góp ý.

Báo Phụ Nữ TP.HCM ghi nhận ý kiến đóng góp của các nhà quản lý giáo dục, chuyên gia xung quanh kỳ thi này.

Giu hay bo ky thi 'hai trong mot'?
Tân sinh viên Trường đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TP.HCM khóa 2018 làm thủ tục nhập học

Tiến sĩ Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường đại học FPT: Không để địa phương chủ trì

Về nguyên tắc, rất cần phải giữ kỳ thi. Ở đây, tôi chưa nói đến phải thi “mấy trong một” nhưng chắc chắn phải duy trì một kỳ thi quốc gia ở thời điểm hiện tại. Thử hình dung, nếu không có kỳ thi mang tầm quốc gia ở bậc phổ thông thì không có số liệu tin cậy cho việc đánh giá giáo dục phổ thông. Mỗi địa phương, thậm chí mỗi thầy cô đều có cách cho điểm riêng, “thương” học trò khác nhau.

Dẫn chứng rõ ràng nhất là với cách tính điểm tốt nghiệp bao gồm điểm thi và điểm học bạ thì tỷ lệ tốt nghiệp cả nước xấp xỉ 100%, những tỉnh thấp như Sơn La, Lai Châu… cũng cao hơn 90%. Nhưng những tỉnh này nếu lấy điểm thi THPT quốc gia tính tốt nghiệp thì chỉ hơn 10% đỗ. Bấy nhiêu đó cũng đủ thấy nếu không có chốt chặn cuối cùng thì rất khó đánh giá chính xác, toàn diện.

Tôi cho rằng, gọi tên kỳ thi quốc gia là gì cũng được miễn là đúng mục tiêu và đạt hiệu quả. Các trường đại học (ĐH) đã đi theo lộ trình tự chủ, dần dà phải tự chủ tuyển sinh. Bản chất của tuyển sinh ĐH là tuyển người có tố chất phù hợp với ngành nghề, có tư duy và kỹ năng phù hợp với mục tiêu đào tạo, trình độ đào tạo… Bản chất này rất khác với kiểm tra khả năng vận dụng kiến thức của một kỳ thi tú tài. Vì vậy, không nên gộp hai kỳ thi làm một. 

Với tỷ lệ tốt nghiệp như hiện nay, cộng với việc hầu hết các trường ĐH đều lấy kết quả thi THPT quốc gia để tuyển sinh nên mục đích xét tuyển ĐH đang lấn át dần mục tiêu tốt nghiệp. Xã hội, phụ huynh, thí sinh đều nhắm đến mục tiêu lấy điểm để vào ĐH. Và những gian lận điểm vừa rồi cũng nhằm để “chạy” vào những trường ĐH “ngon”, chứ đâu ai “chạy điểm” để đỗ tốt nghiệp loại khá, giỏi. Tôi khẳng định vẫn phải tổ chức kỳ thi nhưng phải hiểu đúng và làm đúng bản chất, tránh những bất cập dẫn đến tiêu cực. Bất cập vừa qua là gì? Là để cho địa phương tự chủ trì tổ chức cho đến tự chấm thi. Vậy thì không để địa phương chủ trì nữa. 

Về phía các trường ĐH, về lâu dài phải tự lo tuyển sinh, không dựa vào kết quả thi THPT quốc gia nữa. Muốn vậy, phải có gì đó để thay vào. Tất nhiên không thể làm nhanh được, phải có sự nghiên cứu và chuẩn bị. Tôi thấy Chính phủ và Bộ GD-ĐT cũng có kế hoạch thành lập các tổ chức khảo thí độc lập. Nhưng trước mắt phải tự thân vận động dần. Như Trường ĐH FPT lâu nay không hoàn toàn dựa vào kết quả kỳ thi để tuyển sinh, chỉ xem kết quả kỳ thi là bộ lọc lần một, rồi khi vào, trường lọc tiếp. 

Cả nước có hàng trăm trường ĐH với tiêu chí đào tạo khác nhau. Chưa kể, cùng một tên ngành nhưng trường này và trường kia có định hướng đào tạo khác nhau. Chính trường ĐH hiểu rõ nhất mình cần người học như thế nào. Trường ĐH nào nói chỉ cần người học phổ thông điểm cao, học giỏi là thiếu trách nhiệm. Cũng như tuyển dụng nhân sự mà bảo chỉ cần tốt nghiệp ĐH giỏi là thua rồi, kết quả học chỉ là một phần. Ở đây, kết quả của kỳ kiểm tra vận dụng kiến thức là một phần trong quá trình tuyển thí sinh phù hợp để học ĐH.

Cô Trương Thị Bích Thủy, Hiệu trưởng Trường THPT Trưng Vương: Đầu vào chưa chuẩn thì cần chuẩn đầu ra

Kỳ thi tốt nghiệp để công nhận hoàn thành 12 năm học phổ thông là cần thiết. Đó là cái ngưỡng căn bản có tính pháp lý để các em vượt qua và xác định mục tiêu tương lai. Ví dụ, một em được công nhận tốt nghiệp phổ thông là đủ điều kiện đi làm. Nhưng nếu nhắm đến đích phải vào trường ĐH thì yêu cầu phải khó hơn.

Tôi không bàn đến kỳ thi để xét ĐH. Trường ĐH được tự chủ, họ có quyền tuyển theo tiêu chí riêng nhưng cũng có quyền dựa vào kỳ thi này, hoặc chỉ tham khảo một phần, không ai cấm.

Vậy sao không xét công nhận tốt nghiệp phổ thông như các nước mà phải tổ chức thi chỉ để công nhận tốt nghiệp? Nhìn thẳng thực tế thì đầu vào của giáo dục phổ thông vẫn chưa chuẩn từ triết lý, mục tiêu giáo dục, cách thức vận hành, chương trình đến phương pháp giảng dạy… nên cần phải có chốt chặn để chuẩn ở đầu ra. Xóa thi tốt nghiệp trong một vài năm tới sẽ không ổn.

Tôi kỳ vọng ở sự đổi mới sắp tới của chương trình giáo dục phổ thông sẽ chỉn chu ngay từ khâu đầu vào thì lâu dài chúng ta không cần phải thi cử vất vả nữa. Tôi cho rằng, đổi mới như thế mới là căn cơ, chứ lấy đổi mới thi cử là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu cũng chỉ là kiểu làm đắp đổi, giải quyết khâu cuối cùng của quy trình giáo dục, không ổn chút nào. 

Phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Hội Nghĩa, nguyên Phó giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM: Chưa ai đo lường có thi thì chất lượng sẽ tăng lên

Kỳ thi “hai trong một” chỉ tạm thời. Tôi không đồng ý với quan điểm xem nó là phương thức xuyên suốt và duy nhất. Tất nhiên, chúng ta không thể bỏ ngay kỳ thi trong tương lai gần. Phải có sự nghiên cứu và đánh giá cẩn thận, bởi mỗi lần thay đổi tác động lớn đến xã hội, chứ không riêng ngành giáo dục. 

Tôi cho rằng, gộp hai kỳ thi là hạn chế lớn ngay từ đầu, nhất là dùng để xét vào ĐH. Hiện nay, có quá nhiều trường dựa vào kết quả này để tuyển sinh. Giả sử kỳ thi không có tiêu cực, kết quả đáng tin cậy và có giá trị nhưng nó chỉ dừng lại ở việc kiểm tra mức phổ thông và chỉ đánh giá qua vài ba môn học. Tìm người học ĐH đâu có đơn giản như vậy, nó đòi hỏi nhiều hơn, phải có tư duy, kỹ năng… Vì vậy, ĐH Quốc gia TP.HCM và Trường ĐH Luật TP.HCM… đã chủ động đánh giá năng lực người học. Ban đầu, tỷ trọng tuyển từ tiêu chí này có thể thấp nhưng dần dà sẽ mở rộng và hy vọng các trường ĐH sẽ cùng nhau làm việc này, bởi mỗi trường đôi khi không đủ tiềm lực để tự tổ chức. 

ĐH Quốc gia có dự kiến sẽ phát triển thành đơn vị khảo thí, kiểm định. Mỗi năm có thể tổ chức đánh giá năng lực 2-4 lần để tăng tối đa cơ hội cho thí sinh như ở các nước phát triển. Mình cũng học họ thôi. Các thí sinh có quyền thi để trải nghiệm, để cải thiện kết quả, linh động chọn thời điểm để xét tuyển vào ĐH khi chuẩn bị đủ điều kiện. Chứ như hiện nay, 12 năm học chỉ trông chờ vào vài ba ngày thi thì quá mạo hiểm và cũng không đánh giá chính xác năng lực người học.

Chúng ta quá đề cao chuyện thi sẽ mang lại chất lượng, nhưng chưa ai đo lường có thi thì chất lượng sẽ tăng lên. Chất lượng là chuyện lớn, phức tạp, chuyện thi hay không thi chỉ là phần không lớn trong chất lượng. Ví dụ, trong 11 tiêu chuẩn đánh giá chất lượng của AUN-QA (Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á), chỉ có một tiêu chuẩn nói về kiểm tra đánh giá người học.

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục nghề nghiệp, Bộ GD-ĐT: Lý thuyết “hai trong một” không phù hợp về đo lường đánh giá

Thi hoàn toàn không có ý nghĩa quyết định chất lượng tại một thời điểm nhưng có tác động ngược đến quá trình dạy và học trước đó. Vì vậy, thi vẫn thật sự cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Vấn đề là sẽ tổ chức thi như thế nào?

Phân tích sẽ thấy chúng ta đã đi ngược chiều. Kỳ vọng về lý thuyết “hai trong một” nhưng trên thực tế đây là tử huyệt và không phù hợp về đo lường đánh giá. Thế giới đã đánh giá theo objective-based assessment (đánh giá theo mục tiêu), còn ta lại làm mục đích kép chui vào trong một đánh giá không phù hợp. Với đối tượng chỉ muốn thi tốt nghiệp THPT hoặc chỉ muốn xét ĐH thì rõ ràng cách đánh giá này không tương thích. Nhưng dường như, đa phần những đánh giá trong quá trình học đều luôn có vấn đề: từ tiêu cực của thầy cô, kỹ năng đánh giá hạn chế…

Tiêu Hà (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI