Giới trẻ xăm trổ, nhuộm tóc, đánh nhau…: Có thể chỉnh hành vi "giới trẻ net"?

16/10/2016 - 11:00

PNO - Xăm trổ, nhuộm tóc, đánh nhau… là những chuyện vẫn xảy ra với tuổi trẻ, nhưng trong thời đại nhà nhà người người dùng mạng xã hội, kể cả trẻ em, thì những hành vi xấu mau chóng bùng phát và gây tác hại khôn lường.

Người lớn cần nhìn lại mình

Nhiều cha mẹ thời nay chạy theo giá trị vật chất, mải miết với địa vị và tiền bạc, đẩy con vào nỗi cô đơn để chúng phải lên mạng bầu bạn cùng thế giới ảo, tạo thành lực lượng giới trẻ net đông đảo.

Trẻ rất dễ rơi vào nghiện game, nghiện net, nghiện phim sex… từ khi còn rất ít tuổi. Làm tư vấn tâm lý học đường, không ít lần tôi nghe tiếng khóc của người mẹ qua điện thoại, nguyên nhân vì những người mẹ này phải lo cơm áo mà con bỏ học, con “đi bụi” hay con đua xe gây tai nạn…

Cũng không ít cha mẹ xem con như tấm huy chương. Họ thúc ép con thành công, tìm mọi cách giam cầm con vào việc học, bắt con đoạt giải trong những kỳ thi năng khiếu như đàn, hát, vẽ… Họ tha con từ chỗ học thêm này tới chỗ học thêm khác, mướn gia sư về nhà, họ tước đoạt tuổi thơ của con… Họ buộc con phải vào trường chuyên, lớp chọn để khoe con với bàn dân thiên hạ. Nếu con không vào được trường hàng đầu thì họ chạy trường, chạy lớp, chạy điểm…

Gioi tre xam tro, nhuom toc, danh nhau…: Co the chinh hanh vi

Trong nhà trường, thầy cô dạy trẻ em… nói dối. Trước mỗi giờ thao giảng hay dự giờ, thầy cô “dợt” rất kỹ, biến các em thành những diễn viên bất đắc dĩ trong vở kịch của mình. Nhiều giáo viên chạy theo thành tích, bắt học sinh làm văn mẫu và học thuộc lòng, học sinh nào không chấp hành thì cho điểm thấp và trù dập. Cuối cùng họ đào tạo được một bầy… vẹt, chỉ biết nói những gì người ta mớm sẵn. Nhiều trường vì thành tích, bắt học sinh học theo đề cương “tủ”, theo những bài toán mẫu và không chấp nhận những cách giải khác cho cùng một bài toán…

Tư duy sai lệch của người lớn, của cha mẹ, thầy cô, của đám đông xã hội mỗi ngày tiêm nhiễm vào đầu óc của giới trẻ. Dần dần các em khó biết được đâu là giá trị ảo, đâu là giá trị thật.

Nơi gây dựng niềm tin 

Việc đánh nhau gây kẹt xe, kẹt đường thu hút hàng ngàn người giữa hai cô bé "hot girl", theo những người nghiên cứu xã hội học cũng không có gì đáng sợ. Điều mà người ta vẫn lo lắng là những hội chứng nguy hiểm hơn như “hội chứng tự hành hạ bản thân” với những trường hợp bạn trẻ cắt tay cắt chân cho máu chảy rồi tung ảnh lên mạng hay hiện tượng “phơi thân câu like” của các cô gái.

Một đám đông có thể được định hướng để đạt được những mục đích cao đẹp nhưng cũng có thể bị kích động để gây ra những hậu quả tiêu cực.

Theo nhà tâm lý học người Pháp Gustave Le Bon, hành động của đám đông thường vô thức và chủ yếu là a dua. Những diễn biến tâm lý điển hình của người trong đám đông có thể bắt đầu từ sự lây lan cảm xúc một cách vô thức (đập phá để hả giận hoặc lấy được đồ vật miễn phí vì nếu mình không lấy thì người khác cũng lấy), kèm theo đó là cảm giác tự do - không phải chịu trách nhiệm (nếu hậu quả xấu xảy ra).

Tuy nhiên, hội chứng đám đông xấu sẽ không xảy ra, nếu bối cảnh xã hội không tạo điều kiện cho nó. Bối cảnh xã hội đó nuôi dưỡng cái tâm lý phá phách vô thức trong đám đông và chỉ cần một cớ để nó bùng nổ và lây lan.

Muốn định hướng cho “giới trẻ net” không lệch chuẩn, thầy cô và cha mẹ cùng phải có những hành vi đúng chuẩn. Giới trẻ đang thiếu một hệ thống giá trị đạo đức bền vững. Muốn định hướng cho “giới trẻ net”, không gì khác hơn chúng ta phải nhìn lại chính mình và điều chỉnh hành vi của mình.

Không thể rao giảng suông mà phải quay về những giá trị gia đình, những giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp như lòng nhân ái, sự trung thực, sự tôn trọng bản thân và những người xung quanh, tôn trọng cộng đồng…

Chuyên viên tâm lý Lê Thúy Bảo Nhi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI