Giáo viên mầm non cần kỹ năng hơn lý thuyết hàn lâm

17/08/2018 - 06:33

PNO - Về vấn đề nâng chuẩn trình độ giáo viên mầm non từ trung cấp lên cao đẳng, chuyên gia cho rằng, đây là ngành thiên về thực hành hơn là nghiên cứu lý thuyết hàn lâm.

Phó phòng GD-ĐT phụ trách MN của một quận cho biết: GVMN là một ngành thiên về thực hành nên đòi hỏi giỏi kỹ năng, quen tay, thạo việc hơn là nghiên cứu lý thuyết hàn lâm. Vì vậy, các cô không nhất thiết phải học ĐH hay CĐ mới đáp ứng được nhu cầu công việc.

Giao vien mam non can ky nang hon ly thuyet han lam
 

Bởi vì chương trình đào tạo ở bậc cao hơn không tăng thêm học phần thực hành nghề nghiệp bao nhiêu, nặng nhiều hơn về kiến thức nền chung, kiến thức cơ sở ngành… Không phải cứ nâng chuẩn lên CĐ hay ĐH thì sẽ hạn chế được những thiếu sót của đội ngũ GVMN hiện nay. 

Trong chương trình đào tạo trình độ ĐH của ngành giáo dục MN Trường ĐH Sư phạm TP.HCM triển khai từ năm 2016, trong số 130 tín chỉ mà sinh viên học trong bốn năm có gần 30 tín chỉ để học các môn học chung, thêm 27 tín chỉ học các môn cơ sở ngành. Các môn chuyên ngành chỉ còn 55 tín chỉ và phần thực hành nghề nghiệp chỉ có 10 tín chỉ (trong đó phần thực tập sư phạm chỉ có sáu tín chỉ). Việc thực tập kỹ năng nghề nghiệp như vậy là quá ít.

Nói về những khó khăn trong công tác đào tạo GVMN hiện nay, tiến sĩ Nguyễn Ngọc Quỳnh Dao - Trưởng khoa Giáo dục MN, Trường ĐH Sài Gòn - cho biết: “Thời gian vừa qua, khoa chỉ có quan hệ cá nhân với các trưởng - phó phòng và chuyên viên Phòng Giáo dục MN thuộc Sở GD-ĐT TP.HCM. Khó khăn ở chỗ, mỗi khi trao đổi về chuyên môn họ thường cho rằng, chúng tôi còn bay bổng lý thuyết, chưa gắn với thực tế.

Điều này dẫn đến khó khăn khác là: chúng tôi - những người làm công tác đào tạo GVMN - dù cố gắng cập nhật thực tế nhưng vẫn chưa thể khớp với chương trình chuyên môn của Sở GD-ĐT triển khai xuống các trường. Dù rất cần nhưng Khoa Giáo dục MN chúng tôi rất hiếm khi được mời chính danh cùng tham dự các dự án hoặc các buổi tập huấn chuyên môn về giáo dục MN của sở xuống các cơ sở.

Chúng tôi phải mày mò và xin tham gia vào những chương trình của sở. Giáo dục MN của TP.HCM rất phát triển và có những thay đổi vượt bậc so với các tỉnh, thành khác. Nếu được trao đổi, học tập thì sẽ không còn vênh giữa đào tạo và thực hành nghề nghiệp”.  

Minh Nhật - Tiêu Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI