Giáo viên chúng tôi ngày càng sợ phụ huynh

11/10/2018 - 06:00

PNO - Năm học trước, phụ huynh vào tận trường tìm tôi dọa cho “mất dạy”, chỉ vì tôi phạt một học trò nghịch ngợm đứng 10 phút trong giờ học.

Chẳng cần hỏi rõ nguyên nhân, vị phụ huynh cứ thế mắng tôi sa sả trước mặt các đồng nghiệp và học sinh khiến tôi bị tổn thương nghiêm trọng. Vị phụ huynh còn dọa, nếu tôi dám đụng vào con họ một lần nữa, sẽ làm đơn tố cáo tôi lên phòng giáo dục. Không còn cách nào khác, tôi phải tách cậu học trò nghịch ngợm ra một bàn riêng để cháu... muốn làm gì thì làm.

Giao vien chung toi ngay cang so phu huynh

Quan hệ phụ huynh - giáo viên thuận thảo sẽ giúp trẻ hạnh phúc

Năm nay, cậu học trò nọ lên lớp khác, gặp một giáo viên (GV) khác. Mới đây, vị phụ huynh nọ cũng vừa vào trường sừng sộ với đồng nghiệp của tôi chỉ vì dám đánh vào tay cháu. Vì sợ phụ huynh, đồng nghiệp của tôi cũng phải dùng biện pháp “cách ly” như tôi. Thật ra, chúng tôi biết làm vậy sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của học trò, nhưng với trường hợp của cậu học trò cá biệt mà lại “bất khả xâm phạm” thì biện pháp của tôi là khả dĩ nhất.

Gần 10 năm giảng dạy học sinh tiểu học, tôi nhận thấy, đa phần phụ huynh đều rất quan tâm đến việc học tập của con và tôn trọng GV. Tuy nhiên, cũng không ít phụ huynh vì quan tâm con một cách thái quá, đã vô tình gây áp lực khủng khiếp cho GV.
Có phụ huynh hầu như tối nào cũng gọi điện cho tôi thắc mắc về phương pháp giảng dạy chỉ vì khi về nhà, nghe học trò kể lại là chưa hiểu một bài giảng nào đó. Có người, chỉ cần cô giáo chấm bài có một điểm sai, hay nghe học trò kể lại chuyện ở trường, sẽ đưa lên Facebook bêu xấu GV và ngay lập tức, chúng tôi sẽ thành đối tượng để dân mạng bàn tán, thậm chí sỉ nhục.

Với những phụ huynh như vậy, GV rất sợ khi tiếp xúc, thậm chí là rất e dè khi tiếp xúc với các con của họ. Trong chuyện này, rõ ràng, người bị ảnh hưởng lớn nhất chính là học trò. 

Cách đây không lâu, khi đọc bài viết trên Báo Phụ Nữ TP.HCM về việc một GV ở Q.Tân Phú (TP.HCM) bị phụ huynh liên tục chặn đường “dằn mặt” và “khủng bố” trên Facebook chỉ vì nghe học trò kể mình bị bạn trêu trong lớp. Chưa hỏi rõ ràng, phụ huynh đã kết luận GV bao che cho bạn cùng lớp trêu con mình, nên nổi cơn thịnh nộ. Chưa bao giờ, tinh thần “tôn sư trọng đạo” bị chà đạp như thế. 

Chúng tôi mong phụ huynh có sự thấu hiểu. Khi có chuyện gì xảy ra với con mình ở trường, cần tìm hiểu nguyên nhân thay vì tin ngay lời con rồi quy trách nhiệm cho GV, đẩy GV vào tình huống khó xử. Nhiều đồng nghiệp của tôi đã phải ngậm ngùi từ bỏ công việc yêu thích của mình chỉ vì không chịu nổi áp lực rất không đâu.

Chúng tôi thường nói với nhau rằng, GV bây giờ chẳng ai dám mắng học sinh. Việc phạt roi, phạt thước lại càng không dám, vì trong mắt phụ huynh, đó là hành động không thể chấp nhận. Chẳng lẽ, việc răn đe học trò bằng cách đánh một thước vào mông lại kinh khủng đến vậy sao?

Trong giảng dạy, chúng tôi cần sự quan tâm của phụ huynh đối với học trò. Thế nhưng, những sự quan tâm thái quá thường có tác dụng ngược, gây ức chế cho học sinh và là nỗi lo sợ của GV. Chúng tôi mong phụ huynh có cái nhìn cảm thông, bớt khắt khe hơn với GV. Thay vì “truy đến tận cùng” những sai lầm của GV, hãy có cái nhìn cảm thông để những người phạm lỗi (nếu có) có cơ hội sửa sai.

 Huỳnh Như (Q.Bình Tân, TP.HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI