Giáo viên bạo hành trẻ mầm non: Do quản lý yếu kém...

08/10/2015 - 07:16

PNO - Phần lớn vụ việc bạo hành trẻ đều xảy ra tại trường tư, điều đó cho thấy cấp cơ sở quản lý yếu kém, không kiểm tra nghiêm chất lượng giáo viên.

Chiều ngày 7/10, Phunuonline đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Lê Thị Bắc Lý – Trưởng khoa Giáo dục Mầm non, Đại học Sư phạm Hà Nội về tình trạng liên tục xảy ra các vụ giáo viên bạo hành trẻ trong các cơ sở mầm non trên cả nước trong nhiều năm trở lại đây.

PV: - Gần đây, nhiều vụ việc giáo viên "bạo hành" học sinh khiến dư luận cả nước vô cùng bức xúc như vụ giáo viên để mặc trẻ ở ngoài ăn rác tại Lạng Sơn, ba cô giáo mầm non bạo hành cháu bé ở Quảng Bình, hay chuyện giáo viên mầm non đe dọa nhau với những lời lẽ "giang hồ" ở Hà Nội...

Từ năm 2008 đến nay, năm nào cũng nổi cộm những vụ giáo viên mầm non bạo hành học sinh. Điều đó cho thấy đạo đức giáo viên, đặc biệt là giáo viên mầm non đang xuống cấp trầm trọng? Nguyên nhân của tình trạng này là do đâu? Do cách đào tạo không tốt, do con sâu làm rầu nồi canh hay đây chính là bức tranh phản ánh sinh động thực trạng giáo dục hiện nay?

PGS.TS Lê Thị Bắc Lý: - Trước tiên cần phải khẳng định, nguyên nhân đầu tiên thuộc về đạo đức nghề nghiệp trong mỗi con người. Nếu như có tình yêu mến trẻ, xác định trẻ em – học sinh cũng giống như chính con đẻ của mình thì sẽ không có những câu chuyện đau lòng xảy ra trong thời gian qua.

Thực ra, tình trạng giáo viên mầm non bạo hành trẻ em là vấn đề không mới, tuy chúng tôi chưa có đề tài nghiên cứu cụ thể cho vấn đề này nhưng có thể nhận thấy từ lâu đã xuất hiện những vụ việc tương tự. Tuy nhiên, thời gian gần đây các phương tiện truyền thông đại chúng đăng tải thông tin mới khiến dư luận bức xúc, quan tâm nhiều.

Nhưng cũng phải khẳng định, giáo viên mầm non bạo hành trẻ thường rơi vào những trường hợp cá biệt. Những giáo viên ấy là “con sâu làm rầu nồi canh”, thường xảy ra ở những trường mầm non tư thục.

Giao vien bao hanh tre mam non: Do quan ly yeu kem...
PGS.TS Lê Thị Bắc Lý - Trưởng khoa Giáo dục Mầm non, Đại học Sư phạm Hà Nội.

Như vụ việc ba giáo viên trói chân tay cháu bé 15 tháng tuổi để đe dọa xảy ra ở cơ sở chưa được cấp phép. Như thế có thể thấy, cấp cơ sở quản lý còn lỏng lẻo, để cho nhiều trường mầm non vô tư hoạt động, không kiểm tra chặt chất lượng giáo viên mầm non trong các cơ sở giáo dục.

Phần nữa là do giáo viên mầm non hiện nay chưa được đào tạo bài bản, chưa qua trường lớp chính quy. Có thể dễ dàng nhận thấy những giáo viên bạo hành trẻ em trong thời gian qua đều không có trình độ, chỉ trải qua quá trình rèn luyện sơ sài, ra trường chưa được thực hành, chưa trau dồi nghiệp vụ sư phạm mầm non đã được giao đứng lớp, trực tiếp dạy các cháu nên mới không có đủ kinh nghiệm xử lý các tình huống.

PV: - Hầu hết những giáo viên mầm non bạo hành học sinh sau sự việc đều tỏ ra hối hận nhưng cũng không quên bào chữa cho mình vì phải chịu nhiều áp lực đến từ chính các em nhỏ hay từ các mối quan hệ trong cuộc sống. Theo bà, có thể thông cảm với những lời bào chữa này hay không và vì sao?

PGS.TS Lê Thị Bắc Lý:-  Khi lựa chọn nghề giáo viên mầm non thì bản thân người đó phải xác định được những áp lực từ phía xã hội, gia đình… Thời buổi hiện nay, mỗi gia đình thường chỉ có từ 1 đến 2 con chứ không phải “con đàn cháu đống”, họ chú trọng tới việc chăm lo cho con cái họ hơn.

Người giáo viên khi đăng ký vào chuyên môn mầm non phải xác định được điều đó. Chính vì thế, anh đưa ra lý do đó chỉ là những lời bao biện thôi.

Giao vien bao hanh tre mam non: Do quan ly yeu kem...
Cháu bé 15 tháng tuổi bị 3 giáo viên chói chân, tay ở TP. Đồng Hới, Quảng Bình đang khiến dư luận bức xúc.
PV: - Việc bạo lực học đường từ trước đến nay vẫn bị xã nội nên án bởi trong môi trường rèn luyện, đào tạo con người lại có kiểu xử lý theo kiểu "luật rừng". Điều đáng báo động hơn là bạo lực học đường lại đến từ chính những giáo viên (được coi giống như người mẹ thứ 2) đối với học sinh của mình.

Xét về góc độ giáo dục thì đây có phải xuất phát từ một nền giáo dục không được như mong muốn, đang đi ngược chiều với mục tiêu giáo dục toàn diện, nhất là giáo dục đạo đức, lối sống theo chuẩn mực văn hóa?

PGS.TS Lê Thị Bắc Lý: - Đương nhiên những trường hợp cá biệt đó là những điều không mong muốn và nó đi ngược lại với giáo dục rồi. Không thể nhìn vào những trường hợp cá biệt đó để nói nền giáo dục đang đi xuống.

Tôi vẫn muốn các cơ sở khi cấp giấy phép phải kiểm tra thật kỹ đội ngũ giáo viên như thế nào. Khi mở trường rồi thì vẫn phải có thanh tra, kiểm tra thường xuyên để xem đội ngũ đã đạt chuẩn hay chưa.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI