Giáo dục học sinh trở thành... người bình thường

20/11/2019 - 07:41

PNO - Khi trường trường, nhà nhà đều hướng tới mục tiêu dạy trẻ trở thành mẫu hình này, đạt thành tích kia thì ước muốn dạy học sinh trở thành… người bình thường có vẻ lập dị.

Khi trường trường, nhà nhà đều hướng tới mục tiêu dạy trẻ trở thành mẫu hình này, đạt thành tích kia thì ước muốn dạy học sinh trở thành… người bình thường có vẻ lập dị. Những cuộc lội ngược dòng chưa bao giờ là dễ, trong giáo dục, muốn dấn thân vào con đường khó đi này, càng không mấy ai làm được. 

Ngôi trường không dạy “học sinh giỏi”

Đó là lời “chào sân” của ông Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên (GDTX) Chu Văn An trước 1.000 phụ huynh trong phiên họp đầu năm học. Đại ý rằng nơi này không dạy ra học sinh giỏi. Mục tiêu là giáo dục học sinh trở thành người bình thường.

Khi đó, lời phát biểu này làm nhiều phụ huynh cảm thấy phật lòng, thậm chí là tự ái vì nghĩ ông “chê” học sinh GDTX không thể học giỏi. Nhưng, để tiệm cận được cái triết lý dạy học sinh trở thành người bình thường chưa chắc dễ, nếu không nói rất khó, nhất là trong bối cảnh bao nhiêu chỉ tiêu ngành giáo dục đặt ra để “trói chân” thầy lẫn trò. 

Giao duc hoc sinh tro thanh... nguoi binh thuong
Học sinh của Trung tâm Giáo dục thường xuyên Chu Văn An được giáo dục lòng nhân ái từ những chuyến đi thiện nguyện

L.T.M. có học lực khá nhưng ngày thi THPT quốc gia không biết xui khiến thế nào kết quả rất kém dẫn đến… rớt tốt nghiệp. Phạm lỗi làm xấu mặt cha mẹ nên M. bị gia đình đuổi khỏi nhà. Giáo viên chủ nhiệm hay chuyện đã “hốt” M. về nhà cưu mang.

Trong hai tháng ở đậu, thầy cô ở trung tâm thu xếp cho M. vào học trường trung cấp, kiếm cho em việc làm thêm để có thu nhập. Ngày dẫn M. về đứng trước mặt gia đình, thầy cô đã tự tin nói: “M. có hút chích hay cờ bạc? Không. Có trộm cướp hay làm gì xấu? Cũng không. Vậy thì M. làm xấu mặt gia đình chỗ nào? M. rớt tốt nghiệp nhưng đâu có làm người thất bại. Em không sa ngã, vẫn đi học và đi làm kiếm sống…”.  

Cũng như M. những học trò tại trường này được thầy cô kỳ vọng trở thành… người bình thường. Không nhất thiết phải vào đại học, chỉ cần sống đàng hoàng, biết yêu thương người thân và chia sẻ với người khó khăn, có khả năng tự kiếm sống hợp pháp.

“Pháp lệnh” duy nhất mà ban giám đốc chỉ đạo giáo viên là cứ đúng bảy môn theo quy định mà dạy, không cần phải vượt chuẩn hay luyện “gà chọi”. Ba thứ ưu tiên “nhồi nhét” ở trường này là tiếng Anh, thể thao và tu tâm dưỡng tánh. 

Lý giải điều này, ông Đỗ Minh Hoàng - Giám đốc Trung tâm GDTX Chu Văn An - nói: “Tiếng Anh là ngôn ngữ mà thế hệ các em không thể thiếu Còn vì sao sân trường biến thành sân thể thao? Ở lứa tuổi này, các em thừa năng lượng, dễ hành động sốc nổi nên cần chơi thể thao nhiều”. Mỗi buổi chiều, sau giờ tan học, phụ huynh lại ngồi thành hàng ở sân trường để chờ con chơi thể thao.

Nhưng, “đặc sản” của trường phải kể đến những bài học tự chịu trách nhiệm, hành vi nhân ái. Lớp học ở đây được nhà trường giao cho học sinh tự quản từ đầu năm. Bằng một biên bản bàn giao, học sinh được khoán từ trang trí lớp học theo kiểu riêng cho đến vệ sinh, giữ gìn đồ dùng… Đến cuối năm thì trả lại hiện trạng ban đầu.

Giao duc hoc sinh tro thanh... nguoi binh thuong
Học sinh của trường thăm các bé tại mái ấm

Lớp 11A2 với slogan: 11A2 chẳng giống ai. Lớp 12A8 chọn thể hiện bản chất ham học với khẩu hiệu: Thích thì học, không thích… cũng phải học. “Mình phải tôn trọng sự khác biệt của học trò. Cốt lõi của hoạt động này là giúp học sinh tự có trách nhiệm với sở thích và biết cách bộc lộ cá tính của mình”, ông Hoàng quả quyết. 

Trung tâm còn chủ động đi tìm những thầy cô dạy nấu ăn, trang điểm chuyên nghiệp về dạy nghề cho học sinh, để nếu không vào đại học, cao đẳng, học sinh tốt nghiệp lớp 12 ra trường cũng có một cái nghề chân chính để sinh sống. 

Quan trọng phần… cốt cách của trò

Một trong những nền giáo dục phổ thông thành công và nổi bật trong xã hội hiện đại là Nhật Bản. Nền giáo dục nổi tiếng tạo ra những con người kỷ luật, trách nhiệm và sống văn minh. Sở dĩ họ làm được điều đó bởi giáo dục phổ thông của người Nhật coi trọng xây dựng nhân cách, đạo đức trước khi học kiến thức.

Tại các trường học Nhật Bản, học sinh không phải trải qua kỳ thi lớn nào cho tới khi lên lớp Bốn. Người Nhật tin rằng ba năm đầu tiên trong đời đi học là thời điểm tốt nhất để trẻ nhỏ rèn luyện nhân cách, phát triển con người theo hướng toàn diện hơn. Không những thế, trẻ em được học cách tôn trọng người khác, yêu thương động vật và thiên nhiên. Nhà trường Nhật cũng dạy các em cách sống rộng lượng, cảm thông và biết chia sẻ. Bởi họ cho rằng nhân cách mới là thứ quan trọng hơn kiến thức. 

Thêm vào đó, ở trường học Nhật không có lao công, học sinh phải tự mình dọn dẹp lớp học, căng-tin và thậm chí cả nhà vệ sinh. Những công việc tưởng chừng như bẩn thỉu, đổ mồ hôi vất vả đó sẽ giúp các em biết tôn trọng công việc của người khác và thành quả lao động của bản thân… Một hoạt động nhỏ nhưng mang rất nhiều giá trị giáo dục được “cài” bên trong. 

Ông Đỗ Minh Hoàng thừa nhận một phần nào đó ông nhìn theo mô hình của Nhật mà hướng học sinh của mình. Ở trung tâm GDTX không thiếu những học sinh trái tính trái nết. Chuyện học sinh bị tạm đình chỉ 1-2 tuần hay rèn luyện đạo đức mùa hè thường như cơm bữa. Thế nhưng, đình chỉ làm sao để không trở thành hình thức trừng phạt mang tác dụng ngược.

Giao duc hoc sinh tro thanh... nguoi binh thuong
Nam sinh của trường thăm trẻ tại mái ấm tình thương

Học sinh đang nghịch, không thích học mà tạm cho nghỉ học là thích ngay nên trung tâm phải làm ngược lại, đình chỉ nhưng không được ở nhà, phải lên trường phụ quét sân, lau cửa sổ, đọc một quyển sách về kỹ năng, hạt giống tâm hồn và một cuốn tiểu thuyết… Sau đó phải làm bài tóm tắt sách và bài học rút ra. Học sinh nào phạm lỗi nặng hơn thì phải làm thêm một hành động nhân ái mà bản thân các em phải tự tìm hiểu, lên kế hoạch. 

Ở Trung tâm GDTX Chu Văn An, học sinh học lực khá chưa chắc được khen thưởng nhưng có khi một học sinh trung bình lại “giật giải” nếu đó là kết quả nỗ lực giỏi hơn chính mình trong quá khứ. Học sinh được khen khi giúp được một cụ bà qua đường, giúp bạn học, giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn… 

Dạy học sinh trở thành người bình thường, sống tử tế là thành tựu lớn

Cô giáo Nguyễn Minh Ngọc, Tổ trưởng ngữ văn Trường THPT Đinh Thiện Lý, từng gây bão với bức “tâm thư” khuyên học sinh trở thành một người bình thường nhưng là một người bình thường tử tế. Đó là điều đầu tiên cô yêu cầu học trò của mình phải ghi nhớ. Vì đâu cô đưa tiêu chí “người bình thường tử tế” cho học sinh? Cô Minh Ngọc chia sẻ: “Vì tôi cũng mong con tôi như thế. Tôi mong con mình là một người bình thường, trải nghiệm cuộc sống và biết sống trọn vẹn từ những điều nhỏ nhất”.

Bản thân cô nhìn thấy xung quanh, biết bao nhiêu người đuổi theo những điều to tát, bị cuốn vào nhiều thứ, vội vàng, gấp gáp quá mà quên trân quý những điều bình thường đẹp đẽ trong cuộc sống. Chính cô thời 18 tuổi, ước mơ rất nhiều điều to tát, nhưng rồi sau này nhận ra mình hạnh phúc lại vì những điều rất đỗi bình thường. Vì mình là người bình thường.

Cô Minh Ngọc viết cho học sinh: “Trừ một số ít người sinh ra với sứ mệnh làm vĩ nhân đổi thay thế giới, còn lại đa số chúng ta là những người bình thường. Con nhớ đừng quên điều này để không bị áp lực với bản thân. Con không đặt ra cho mình những điều to tát, bỏ qua bao khoảnh khắc đáng trân quý mà một người bình thường cần trải nghiệm. Như ánh nắng lấp lánh sau cơn mưa, như nụ cười rạng rỡ của ai đó, như bữa tối quây quần bên ba mẹ, như một ngày mắt mẹ cười đã xuất hiện nếp nhăn.

Con nhớ đừng quên điều này để con biết xây cuộc đời mình từ những điều nhỏ nhặt. Những cái nhỏ sẽ dần tích lũy theo tháng năm và tạo nên những cái lớn hơn. Kỳ tích không tự nhiên xuất hiện, nó là phần nổi của tảng băng trôi mà phần chìm là bao nỗ lực, khó khăn, bao thất bại, sai lầm ta phải trả, cho một thành công nào đó. Hãy nhớ, con là một người bình thường nhưng con là một người bình thường tử tế”. 

Thế nhưng, trong xã hội ngày nay, muốn học sinh thuận lợi trưởng thành như một người bình thường cũng lắm công phu. Với câu hỏi: “Dạy học sinh trở thành một người bình thường có dễ không?”, ông Đỗ Minh Hoàng thừa nhận: “Không, rất khó! Dạy chữ không khó, rèn được tâm tính tốt cho học sinh mới là hành trình gian nan. Hội chứng con cưng, xã hội nhiều cám dỗ… là những yếu tố có khả năng cản trở giáo dục hiện đại. “Sản phẩm” của mình có thể trở thành người bình thường, sống tử tế là thành tựu lớn”. 

Tiêu Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI