Giảm áp lực cho giáo viên, có phải chỉ sổ sách?

01/03/2019 - 09:20

PNO - Những vụ bạo hành học sinh liên tiếp diễn ra. Nguyên nhân ở đâu vẫn chưa có nghiên cứu nào về vấn đề này. Liệu giải pháp giảm sổ sách hành chính cho giáo viên mà Bộ GD-ĐT đưa ra có giải quyết được vấn đề này?

Thầy cô vui, tiết học vui

Một nghiên cứu của phó giáo sư - tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn - Phó hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm TP.HCM - đã chỉ ra con số bất ngờ: 92,8% số học sinh được khảo sát cho rằng, điều hạnh phúc đối với các em là mỗi ngày đến lớp được nhìn thấy thầy cô cười nhiều hơn; vượt trên cả niềm mong muốn của hầu hết học sinh khi đến trường là được khen thưởng (hơn 70%).

Ở một khía cạnh khác, con số đó cho chúng ta hình dung một hiện thực rằng: lâu nay, dường như trường học biến thành một nơi thiếu vắng nụ cười bởi có quá nhiều áp lực đang vây quanh giáo viên. Chính học sinh là người nhận diện rõ ràng điều này. Áp lực thi đua, xét lên lớp khiến thầy cô phải chạy đua kiến thức và chính áp lực của người thầy đã áp lên học trò khiến những tiết học trở nên căng thẳng, mệt mỏi.

Giam ap luc cho giao vien, co phai chi so sach?
Học sinh luôn mong giáo viên vui vẻ để có tiết học vui vẻ

Tại hội nghị triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định, năm 2019 sẽ ưu tiên giảm áp lực cho giáo viên. Theo ông Nhạ, áp lực giáo viên đến từ nhiều phía, trước hết từ bản thân người thầy, môi trường làm việc, cơ chế chính sách, thủ tục hành chính, sổ sách quá nhiều, các cuộc thi, hội thi giáo viên dạy giỏi… Do đó, khi đề ra một số giải pháp, bộ trưởng nhấn mạnh những nhiệm vụ cần làm là giảm gánh nặng sổ sách hành chính và các cuộc thi không cần thiết cho giáo viên, đồng thời có chính sách lương bổng để nhà giáo yên tâm làm tốt công việc.

Tuy nhiên, lời cam kết giảm áp lực sổ sách cho giáo viên của bộ trưởng vẫn chưa đủ mang đến sự thay đổi tích cực hơn cho bức tranh giáo dục.

Áp lực từ việc ngoài chuyên môn

Những áp lực mà hầu hết giáo viên đang gặp phải không chỉ ở sổ sách, lương bổng hay ở những cuộc thi phần nào gắn liền với chuyên môn của họ. Là giáo viên tiểu học tại tỉnh Bình Thuận, cô Nguyễn Thị Huyền Trang cho biết, áp lực lớn nhất thường đến từ những nhiệm vụ ngoài chuyên môn mà chính những người quản lý nhà trường đặt ra cho giáo viên. 

Một trong số đó, theo cô Trang, đáng sợ nhất là việc trường học biến giáo viên thành người “đòi nợ chuyên nghiệp”. Không có quy định nào của Bộ GD-ĐT yêu cầu giáo viên phải gánh những công việc thu học phí của học sinh. Thế nhưng, đầu năm học, giáo viên được giao nhiệm vụ phải làm sao đạt được chỉ tiêu 100% học sinh trong lớp tham gia bảo hiểm y tế, 100%  học sinh hoàn thành việc đóng học phí cho nhà trường. 

Để có được con số tròn trĩnh đó, giáo viên phải nghĩ đủ cách, từ khuyên nhủ đến thúc ép, dọa nạt học sinh. “Nhiều khi tôi không biết mình có xứng đáng được gọi là người thầy không, hay chỉ giống như những người đi thu hụi? Có những khoản tiền biết là quá sức gia đình học sinh, nhưng để đảm bảo chỉ tiêu, giáo viên chỉ biết làm ngơ. Nhiều học sinh bị nhắc nhở nhiều quá không dám nhìn mặt giáo viên của mình”, cô Trang cho biết.

Với câu hỏi đâu là áp lực lớn nhất khi đứng trên bục giảng, cô Nguyễn Thị Tuyết Nhung, giáo viên ngữ văn tại một trường THCS, cũng cùng một quan điểm khi cho rằng, đó là khi bản thân người giáo viên “không được là thầy” ngay tại trường học. Ra trường năm 1996 và có hơn 20 năm đứng lớp, thế nhưng, những con số vô hồn gắn vào chỉ tiêu thành tích khiến bản thân cô cũng không thể nào dạy học trò như cái lý tưởng thuở ban đầu mới vào nghề. 

Chỉ tiêu về một ngôi trường tiên tiến không chấp nhận tồn tại những học sinh yếu kém buộc các hiệu trưởng phải áp thành tích đó lên việc đánh giá giáo viên thông qua thành tích lớp học. “Yêu cầu đó biến giáo viên thành phù thủy trong việc phù phép điểm số học sinh. Đủ kiểu đối phó để điểm số không là những con số xấu xí. Học sinh không có ý thức, chểnh mảng học hành, giáo viên phải năn nỉ, thậm chí phải nâng điểm cho các em để đảm bảo thành tích của trường. Làm như thế, chất lượng giáo dục ngày càng kém, chưa kể học sinh trở nên thiếu tôn trọng giáo viên là chuyện dễ hiểu”.

Cho rằng những áp lực đó như là một kiểu bạo hành tinh thần mà mỗi giáo viên ngày nay đang phải chịu đựng để tiếp tục đứng lớp và để thật sự giải phóng áp lực cho giáo viên, theo cô Tuyết Nhung, “điều đầu tiên cần phải làm là trả người thầy về đúng vị trí của họ. Nhiệm vụ của giáo viên là giáo dục học sinh, làm tốt điều đó, nghĩa là chúng ta cũng đang trả lại sự tôn nghiêm đích thực cho người thầy. Thứ hai, giảm áp lực cho giáo viên, không chỉ dừng lại ở sổ sách, thi cử, mà phải từ cơ chế giáo dục. Hơn ở đâu hết, không thể để những góc khuất tiêu cực gây nên sự thất vọng ở người thầy”. 

Thu Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI