Đừng vô tâm với trẻ, dù bên ngoài cánh cổng trường!

09/08/2019 - 07:44

PNO - Vì sao một HS trong tổng số chỉ hơn 10 HS trên chuyến xe ấy không có mặt trên lớp cả ngày mà cô không hay biết? Do lỗ hổng ở quy trình đưa đón hay sự thờ ơ của người làm việc liên quan đến trẻ?

Thờ ơ!

Đón 12 cháu nhưng đưa lên lớp chỉ 11 cháu mà cô vẫn không hay? Giả sử cô bảo mẫu không phát hiện thì khi HS vắng, cô giáo đứng lớp đã không liên lạc với phụ huynh dù phụ huynh không xin phép cho con nghỉ học? Chúng ta cảm thấy khó hiểu nhưng rất nhiều phụ huynh sẽ hiểu bởi họ đã từng đối diện với sự thờ ơ, thiếu quan tâm này.  

Chị Phạm Thị Anh, phụ huynh trường mầm non tại Q.Thủ Đức, than thở: “Khi bé vắng, nếu cha mẹ không gọi xin phép thì cô cũng chẳng thèm gọi hỏi. Con tôi bị sốt nên nghỉ học. Điện thoại xin phép, cô không nghe máy, nhắn tin không trả lời. Đến hôm đưa con đi học lại, tôi nói thì được giải thích là cô bận quá không cầm điện thoại. Tôi thấy thật vô tâm, đôi khi bé vắng mặt ở lớp đâu phải vì bé đang an toàn ở nhà mà có thể có sự cố nào đó…”. 

Anh Hồ Thanh Tâm (Q.11) kể: “Con tôi học ở trường công lập, ngoài chuyện học thường không có chuyện gì được xem trọng nữa. Ít khi nào giáo viên điện thoại hỏi phụ huynh vì sao HS nghỉ học mà thường chỉ gọi vì HS không thuộc bài hoặc chưa ngoan”.  

Một cú điện thoại hỏi thăm vì sao không thấy trò đi học đôi khi không chỉ thể hiện tình cảm của cô, mà lắm lúc nó cứu được một mạng người, trong trường hợp của Trường Gateway rõ ràng hành động này nếu có sẽ phát huy tác dụng. 

Thạc sĩ giáo dục Phạm Phúc Thịnh kể: “Tôi từng cho một giáo viên thôi việc do vi phạm nguyên tắc bảo vệ an toàn cho HS. Khi đưa HS đến trường, lúc HS lần lượt xuống xe lẽ ra cô phải là người cuối cùng rời đi nhưng cô ấy đã rời vị trí khi vẫn còn một HS đang lúi húi cột dây giày. Không may, em đó bị trượt té và trật khớp cổ tay, giáo viên đã không thể giải thích vì sao HS đó té”.

Dung vo tam voi tre, du ben ngoai canh cong truong!

Trường Gateway nơi xảy ra sự cố đau lòng về em học sinh lớp Một bị bỏ quên trên xe đưa đón của trường cả ngày dẫn đến tử vong

Theo thạc sĩ Thịnh, đó là vi phạm nghiêm trọng không thể tha thứ, dù nhiều giáo viên khác cho rằng, xử như vậy quá nặng. Vậy đó, một quy định tưởng như đơn giản nhưng không thể không thực hiện, vì với HS chỉ cần sơ sẩy vài giây đủ có thể xảy ra tai nạn khó lường.

Hoàn cảnh nào cũng tiềm ẩn rủi ro cho trẻ

Theo tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Huyền, Phó hiệu trưởng Trường phổ thông quốc tế Việt Nam - Phần Lan, rủi ro tiềm ẩn trong mọi hoàn cảnh, tình huống, vì vậy nhà trường, từ nhân viên đến giáo viên đều phải có kế hoạch giảm thiểu rủi ro xuống mức thấp nhất. “Sự việc vừa qua là lời cảnh tỉnh cho những ai làm việc liên quan đến trẻ. Không phải chỉ ở trên xe buýt, sân chơi mà ở bất cứ nơi đâu cũng cần phải tập trung tối đa và luôn đặt sự an toàn của trẻ lên hàng đầu. Thực ra, trường nào cũng có quy trình đảm bảo an toàn cho trẻ như văn bản, quy trình dù kín kẽ tới đâu thì thực hành nó vẫn là con người”, tiến sĩ Huyền nói. 

Thạc sĩ Thịnh cho biết, một trong những quy định ông buộc giáo viên phải tuân thủ nghiêm ngặt là quy định “đầu và cuối”, tóm gọn là không bao giờ được để bất kỳ HS nào ngoài tầm nhìn của giáo viên. Khi đưa HS đi tham gia bất kỳ hoạt động nào phải có một giáo viên là người có mặt đầu tiên ở hiện trường và một giáo viên khác là người rời khỏi hiện trường sau cùng.

Quy định “đầu và cuối” phải được tuân thủ ở mọi nơi, mọi lúc, mọi hoạt động. Trên xe, một giáo viên (bảo mẫu, nhân viên) lên trước, ngồi hàng cuối và một giáo viên lên sau cùng, ngồi hàng đầu. Khi rời xe thì thực hiện ngược lại. Khi vào một địa điểm bất kỳ, giáo viên rời địa điểm sau cùng phải là người rà soát mọi vấn đề của HS.

Tuy nhiên, ngoài việc trông chờ trách nhiệm của nhà trường, phụ huynh nên tự kiểm tra quy trình đưa đón bằng nhiều cách nhằm tìm ra lỗ hổng và bổ khuyết cho quy trình. 

Chị Thu Sương, phụ huynh Trường TH-THCS-THPT VStarschool (Q.7) cho biết: từ lúc con chị 18 tháng đi học mầm non cho đến nay đều đi xe đưa đón của trường. Chị kiểm tra từng khâu của quy trình đưa đón nên yên tâm. Mỗi ngày, cô bảo mẫu có danh sách đón trẻ ngày đó sẽ chờ đón trẻ từ phụ huynh. Đến lớp, cô bảo mẫu điểm danh và bàn giao cho cô chủ nhiệm. Cô chủ nhiệm kiểm tra vắng HS nào (dù cha mẹ đã báo cô bảo mẫu nhưng chưa xin phép cô chủ nhiệm) thì cô liền liên lạc với phụ huynh hỏi lý do. Tương tự, giờ về, trẻ được giao tận tay người nhà. Trẻ muốn tự ý về nhà phải là HS lớp Ba trở lên và có xác nhận của cha mẹ. Trong thời gian đưa đón, phụ huynh truy cập vào phần mềm quản lý để biết cô bảo mẫu là ai, đi đến đâu… 

Hệ thống Trường Tây Úc bắt đầu triển khai ứng dụng FetchKids, giúp nhà trường và phụ huynh liên kết quản lý việc đón trả HS dựa vào định vị GPS. Cha mẹ phát đi thông báo tới nhà trường về việc đón trả HS. Bộ phận quản lý của trường nắm được thông tin về giờ giấc, phương tiện, người chịu trách nhiệm đón HS và khoảng cách giữa người đón và trường học bao xa để sắp xếp, bố trí việc đón trả HS một cách nhanh chóng khi cha mẹ đến nơi.

Tiêu Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI