Đừng vì 'nước giẻ lau bảng' mà hất đổ chiếc hộp của nàng Pandora

08/04/2018 - 18:16

PNO - Cái sai, cái ác đáng chê trách, đáng phê phán đáng trừng phạt đã đành, cách thức chúng ta đang hành xử với cái ác đó phải chăng cũng chưa thực sự đúng?

Hành trình lớn lên của con người phải học rất nhiều thứ. Ngoài “học ăn, học nói, học gói, học mở” ông bà đã dạy từ nghìn xưa, thiết nghĩ, trong xã hội ngày nay cần phải học một điều cơ bản nữa: học tiếp nhận thông tin.

Dung vi 'nuoc gie lau bang' ma hat do chiec hop cua nang Pandora
 

Chưa bao giờ thông tin đến với mọi người nhanh và dễ dàng như bây giờ. Ngày xưa, đôi khi một vụ trộm xảy ra kế bên nhà, hàng xóm cũng không tường tận. Giờ chưa kể tivi phát sóng 24/24, với sự phát triển của công nghệ thông tin, mạng xã hội, bất kỳ ai, bất kể trình độ, tuổi tác, ngồi một chỗ có thể nắm bắt nhiều tin tức ở khắp nơi chỉ với một cái smartphone trong tay.

Đó là xu hướng phát triển tất yếu của nhân loại và có rất nhiều điều tích cực.

Thế nhưng, tựa như một bác nông dân trong truyện cổ tích, ngủ một đêm đến sáng, phát hiện trước sân có một kho vàng. Bác nông dân quen cày sâu cuốc bẫm, sử dụng kho báu đó ra sau thiết nghĩ không phải vấn đề đơn giản!

Dạo gần đây bức tranh giáo dục có rất nhiều những thông tin chấn động gây đau lòng phẫn nộ. Châm cái ngòi nổ ấy là vụ các cô giáo mầm non hành hạ trẻ, phụ huynh bắt cô giáo quỳ xin lỗi, cô giáo không nói tiếng nào hơn 3 tháng vào lớp và mấy hôm nay là cô bắt trẻ lớp 3 uống nước giẻ lau bảng!

Thật sự đau lòng!

Bởi lẽ những điều ấy nó đã và đang giáng những đòn trí mạng vào tử huyệt của con người: tình yêu dành cho con trẻ! Và vì tình yêu thương đó không khéo sẽ che mờ khả năng đánh giá và phán xét của chúng ta! Thiết nghĩ cho dù có đau lòng hay phẫn nộ thì việc cần làm trước tiên là hãy bình tâm và suy nghĩ.

Mấy ngày hôm nay, điện thoại của tôi nhận rất nhiều tin nhắn từ bạn bè, học sinh cũ. Có bạn hỏi tôi: “Là người trong nghề cậu lý giải dùm điều gì đang diễn ra trong ngành giáo dục vậy? Sao cô giáo lại ép buộc học sinh uống nước giẻ lau? Cô giáo giờ kỳ vậy?”.

Mạng xã hội thì không biết cơ man nào từ ngữ chửi bới giáo viên ấy, mạt sát luôn tất cả giáo viên nói chung. Cái sai, cái ác đáng chê trách, đáng phê phán, đáng trừng phạt đã đành, cách thức chúng ta đang hành xử với cái ác đó phải chăng cũng chưa thực sự đúng?

Cả đất nước này có bao nhiêu giáo viên? Xin thưa con số gần 1 triệu. Những cô giáo ấy có phải là đại diện cho gần 1 triệu những con người mỗi sớm mai đến lớp hay không? Chúng ta phải chăng đang “vơ đũa cả nắm”? Ở đâu, nghề nào không tồn tại những cá biệt. Đòi hỏi cái tuyệt đối và hoàn hảo trên nhân gian phải chăng là ảo tưởng?

Những trường hợp đó cần xử lý theo đúng pháp luật chứ đâu phải vì một vết thương trầy xước mà chặt hết cách tay, vì vết nhơ trên tường mà đập cả căn nhà? Phủ định sạch trơn từ một vài hiện tượng cá biệt phải chăng hồ đồ và thiếu chiều sâu? Cái được có thể là thỏa cơn giận dữ, nhưng cái mất rất lớn. Đó là gây hoang mang mất lòng tin ở những người làm cha làm mẹ, làm thui chột nhiệt huyết với nghề của rất nhiều giáo viên đang đứng lớp.

Thương thay, người hứng chịu tất cả những điều ấy lại chính là con trẻ, những đứa trẻ thơ ngây, chúng có quyền được dạy dỗ yêu thương tích lũy kiến thức để trường thành! Vậy nên nếu khởi xuất từ lòng trắc ẩn yêu thương trẻ, thì ngay cả khi phẫn nộ, chúng ta cũng hãy nghĩ đến trẻ con mà phẫn nộ! Đừng trượt theo cảm xúc cá nhân đẩy sự việc đi quá xa, để rồi thảng thốt hối hận.

Là một giáo viên, mỗi ngày tôi vẫn đứng lớp, ròng rã một tiết 45 phút, vẫn nói, vẫn uốn nắn, vẫn sửa từ cái thế ngồi đến từng âm điệu lời nói cho học sinh. Mỗi ngày tôi vẫn nghe tiếng giảng bài say sưa của bạn tôi vang rất rõ từ dãy hàng lang bên cạnh. Mỗi ngày tôi vẫn thấy những em giáo sinh nét mặt ngời sáng tinh anh, lấm tấm mồ hôi mặc cho ngoài kia đèn đường đã sáng, vẫn miệt mài làm nốt đạo cụ cho vở kịch ngày mai trong tiết ngoài giờ lên lớp. Còn nhiều, rất nhiều những đồng nghiệp của tôi ở khắp đất nước này vẫn mỗi ngày như thế.

Viên phấn vốn dĩ đã không nhẹ trong gánh nặng áo cơm, xin đừng vì vài vết đen lem luốc mà khiến nó trĩu nặng trên đôi tay người thầy. Viên phấn hãy còn trắng lắm! Hãy tin như vậy – bởi lẽ chúng ta không còn cách khác.

Vì chỉ có lòng tin và niềm hy vọng mới khiến cho con người tồn tại qua tất cả những tai ương trên đời này.

Cái hộp của nàng Pandora giữ cho loài người một thứ duy nhất: Hy vọng. Lẽ nào chúng ta lại hất đổ?

Loan Duyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI