Đưa xác suất thống kê vào lớp Hai: Dạy thế nào để không biến học sinh thành 'thần đồng' hàng loạt?

06/11/2019 - 07:35

PNO - Dạy xác suất thống kê từ lớp Hai không đáng lo. Điều đáng lo là giáo viên sẽ dạy như thế nào.

Mới đây, phó giáo sư - tiến sĩ Ngô Hoàng Long, Trường đại học Sư phạm Hà Nội, đã chia sẻ với báo chí về việc thống kê và xác suất được xác định là một trong ba mảng kiến thức quan trọng của môn toán trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Đáng chú ý, phần kiến thức xác suất, thống kê sẽ được đưa vào dạy từ lớp Hai. Thời lượng của mạch kiến thức thống kê và xác suất tăng dần theo từng khối lớp. Cụ thể, ở cấp tiểu học, nội dung này chiếm khoảng 3% tổng thời lượng chương trình môn toán và được nâng dần lên, đến THPT chiếm khoảng 14%. 

Thông tin trên đã vấp phải ý kiến trái chiều của dư luận. Rất nhiều phụ huynh cho rằng, bộ môn xác suất, thống kê rất “khó nuốt”.  Ở bậc đại học, nhiều sinh viên phải cố gắng hết sức mới có thể qua môn.

Băn khoăn

Ở lớp Hai, học sinh sẽ bắt đầu làm quen với những khái niệm đơn giản và dần dần được nâng lên các cấp cao hơn. Về xác suất, học sinh làm quen với phép thử và yêu cầu các em nhận thức được kết quả của những phép thử đơn giản. Về thống kê, học sinh làm quen với biểu đồ tranh với những thao tác kiểm đếm rất đơn giản.

Chị Lan Phương, phụ huynh học sinh ở Q.5 lo lắng: “Môn xác suất thống kê không phải dễ, kể cả đối với sinh viên ngành xã hội, đừng nói đến trẻ con. Khi nghe chương trình phổ thông mới sẽ dạy phần kiến thức này cho lớp Hai, tôi đã thấy hoang mang. Không biết thầy cô sẽ dạy như thế nào để một đứa trẻ chưa đọc thông thạo chữ hiểu những thứ khó nhằn này?”. 

Trong chương trình phổ thông hiện hành, phần kiến thức này cũng xuất hiện một ít ở lớp Bốn, Năm và lớp Bảy, lớp Mười và xác suất chỉ xuất hiện trong chương trình lớp 11. Nhiều giáo viên cho rằng, việc được tiếp xúc sớm với bộ môn xác suất, thống kê là nhu cầu thiết yếu trong đời sống.

Dua xac suat thong ke vao lop Hai: Day the nao de khong bien hoc sinh thanh 'than dong' hang loat?
Đưa xác suất thống kê vào dạy từ bậc tiểu học là phù hợp nhưng quan trọng nhất vẫn là cách truyền đạt của giáo viên

Tuy nhiên, việc tiếp cận từ lớp Hai có lẽ hơi sớm. Ở lứa tuổi này, khả năng ngôn ngữ của học sinh chưa hoàn thiện thì hơi khiên cưỡng đối với khả năng của các em. Tốt nhất nên để học sinh cuối cấp I, đầu cấp II sẽ chuẩn hơn. Việc tiếp cận bộ môn này cần được nghiên cứu để làm sao thực sự đơn giản, chứ không gây thêm áp lực đối với học sinh.

Dạy như thế nào?

Thực tế, việc đưa bộ môn thống kê vào bậc tiểu học không phải là chuyện lạ. Một số nền giáo dục tiên tiến như Mỹ, Anh, Đức… đều có bộ môn xác suất và thống kê. Nhưng đó là dạng thống kê mô tả từ đó khái quát hóa lên khái niệm xác suất. Họ chỉ yêu cầu cơ bản học sinh có thể hiểu được các khả năng xảy ra với một sự kiện, có thể đọc và hiểu được số liệu trong biểu đồ…

Nếu thế giới cũng dạy thì có gì phải “xoắn”? Thế nhưng, theo các giáo viên, việc người học “mất niềm tin” không phải ở chỗ đưa gì vào chương trình mà đưa vào như thế nào.

“Chương trình ở ta, nhất là toán rất “cao siêu”, bậc phổ thông mà hàn lâm như đại học. Nhiều học sinh sau khi du học cho biết, chương trình toán năm nhất đại học chỉ tương đương với toán phổ thông đã học trong nước. Vì vậy, tôi không biết những nhà biên soạn lại sẽ đưa kiến thức toán thống kê và xác suất như thế nào vào cho học sinh lớp Hai. Chỉ sợ lại hàn lâm như bác học, lại ép tụi nhỏ làm thần đồng khiên cưỡng”, một giáo viên tiểu học tại Q.2 cho hay. 

Là người tiếp cận với nhiều chương trình phổ thông quốc tế, thạc sĩ Nguyễn Hồ Thụy Anh dẫn chứng: quyển sách Comprehensive Curriculum of basic skills bán ra hơn 10 triệu bản tại Mỹ, từ lớp Bốn có dạy về xác suất. Nhưng hầu như việc dạy rất đơn giản, ví dụ xác suất hai mặt của đồng tiền. Sách này cũng cộng, trừ, nhân, chia trong phạm vi 100 nhưng cách dạy của họ đơn giản hơn. Họ sẽ ra những bài tập đơn giản, số chẵn, không đánh đố, không mẹo vặt… chủ yếu để dạy học sinh nắm được nguyên lý của kiến thức. Còn mình thì cũng kiến thức đó nhưng cho những bài toán thật khó, số lẻ, đánh đố…

“Bởi vậy, tôi cho rằng không quan trọng là đưa kiến thức gì vào dạy mà đưa như thế nào cho phù hợp với tâm lý độ tuổi, kỹ năng nhận biết của trẻ, làm cho trẻ thấy thích thú khi học”, thạc sĩ Nguyễn Hồ Thụy Anh nhấn mạnh. 

Thầy Lâm Vũ Công Chính, giáo viên toán Trường THPT Nguyễn Du (Q.10, TP.HCM), cho biết: đưa kiến thức xác suất, thống kê vào dạy từ lớp Hai là chuyện bình thường, thậm chí là tốt nhưng cần coi lại chuẩn đầu ra. Học sinh sẽ có tư duy phân tích dữ liệu. Các nội dung khác của môn toán cũng chỉ nên dừng lại ở kiến thức cơ bản, chứ đừng quá chuyên sâu, hàn lâm. Nhưng vì đề thi đặt nhiều câu hỏi khó buộc thầy trò phải “chạy đua vũ trang” theo. 

Toán học chia ra nhiều ngành, trong đó có thể xem có hai mạch chính là: toán lý thuyết và toán ứng dụng. Chương trình sách giáo khoa trước đây và hiện hành cũng có đưa toán ứng dụng vào, cụ thể là thống kê và xác suất... nhưng bị xem nhẹ do đề thi ít đề cập mảng kiến thức này.

Do vậy, giáo viên và học sinh gần như chỉ lướt nhanh qua. Vì dạy mà không thi thì uổng phí và học sinh cũng không chú tâm. Chương trình mới hay cũ thì nội dung kiến thức cũng không thay đổi nhiều, nhưng muốn đổi mới giáo dục cần làm đồng bộ, trong đó đổi mới cách đánh giá mới quan trọng. Nên thay đổi cách đánh giá đầu ra thay vì bàn cãi nội dung bài dạy. 

Gia Tuệ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI