Du học sinh Việt tại Nga: Dễ tìm việc làm thêm, sinh hoạt mỗi tháng chỉ cần 4 triệu đồng

10/07/2016 - 06:45

PNO - Tính ra, chi phí sinh hoạt bên Nga cũng không phải là đắt, rẻ hơn các nước khác như Mỹ, Nhật hay Úc.

Bạn Trịnh Thanh Nam (sinh năm 1992, Ba Vì - Hà Nội), người đã có khoảng thời gian 5 năm sống và học tập tại đất nước Nga sẽ chia sẻ đến bạn đọc những kinh nghiệm của một du học sinh sống tại đất nước này. Được biết, Nam vừa kết thúc chương trình cử nhân tại trường Bách khoa Xanh Petecbua (thành phố Xanh Petecbua của Nga). Hiện tại, Nam đang làm thủ tục nhận bằng và làm hồ sơ học thạc sĩ.

Trước đó, Nam thi vào Học viện Kỹ thuật quân sự. Sau khi thi vào trường, dựa vào số điểm thi đại học và điểm học cấp 3, Nam đủ điều kiện để xếp vào đội liên kết nước ngoài.

Nam chia sẻ: "Do đã có mục tiêu đi du học nước ngoài từ trước nên ngay từ những năm học cấp 3, tôi đã nỗ lực phấn đấu để có thành tích học tập cao để làm một bước đệm quan trọng.

Toán, Lý, Hóa là 3 môn thi đại học nên tôi tập trung tối đa nhất để đạt được kết quả cao. Ngoài ra, tôi biết rằng để đi du học nước ngoài được thì phải có ngoại ngữ thật tốt. Vì thế, ngoại ngữ cũng là môn tôi đầu tư học nhiều.

3 năm học, điểm Toán, Lý, Hóa của tôi bao giờ cũng đạt trên 9.0 và ngoại ngữ trên 8.0. Cộng với số điểm đại học là 23.5, tôi được xét học bổng đi Nga.

Du hoc sinh Viet tai Nga: De tim viec lam them, sinh hoat moi thang chi can 4 trieu dong
Ngôi trường Bách khoa Xanh Petecbua mà Nam theo học bậc cử nhân.

Trước khi đi, tôi mất 1 năm học tại Học viện kĩ thuật quân sự để chuẩn bị cho việc học tiếng, chuẩn bị kiến thức và làm hồ sơ.

Sang Nga, tôi phải học dự bị tiếng tiếp một năm nữa, sau đó mới vào năm nhất và bắt đầu học chính thức.

Thời gian đầu sống ở một đất nước mới, tôi vấp phải rất nhiều khó khăn. Giờ giấc khác nhau nên đồng hồ sinh học hơi loạn nhịp. Rồi thức ăn khẩu vị không hợp, khó ăn, cách sinh hoạt, văn hóa khác biệt rất nhiều. Đặc biệt nữa là thời tiết. Mùa đông bên này rất lạnh. Có những lần nhiệt độ hạ kỉ lục xuống còn âm 30 độ, tuyết đóng băng cho đến tận mùa hè.

Việc thích nghi với mùa đông với tôi là khá khó khăn. Nhưng bù lại, vào mùa hè thì thời tiết rất mát mẻ. Bên Nga, thậm chí thời gian gần đây, người ta mới sản xuất quạt máy và bán.

Du hoc sinh Viet tai Nga: De tim viec lam them, sinh hoat moi thang chi can 4 trieu dong
Nam chia sẻ: "Tôi yêu thành phố mà mình đang sống, vào mùa hè, phong cảnh ở đây thật tuyệt!"

Ngoài ra, một vấn đề lớn nữa là ngôn ngữ, đây là vấn đề nan giải nhất. Dù đã ở đây 5 năm thì chắc chắn ngôn ngữ không thể nào bằng tiếng Việt được.

Không giống với Việt Nam, giờ học bên Nga bắt khá muộn, 10h sáng bắt đầu, nghỉ trưa nhẹ vào lúc 1h30 và 6h chiều kết thúc.

Việc học cũng không quá vất vả nếu sinh viên biết sắp xếp thời gian hợp lý. Những ngày học bình thường là vậy, còn những lúc thi cử thì cũng giống như khi ở Việt Nam, việc ôn thi rất căng thẳng và mệt mỏi, thức đến 4h sáng là chuyện bình thường.

Học phí bên này khá đắt, tính ra mỗi kì cũng mất khoảng 3000 USD, tùy thuộc vào khoa, ngành và trình độ học. Nhưng do được nhận học bổng toàn phần nên tôi được miễn khoản học phí này.

Du hoc sinh Viet tai Nga: De tim viec lam them, sinh hoat moi thang chi can 4 trieu dong
Một hoạt động văn nghệ tại trường học.

Mỗi tháng, một sinh viên nhận học bổng như tôi sẽ được phía Việt Nam trợ cấp 420 USD và phía Nga sẽ trợ cấp thêm một khoản nhỏ dao động từ 50-100 USD, phụ thuộc vào kết quả học tập của sinh viên.

Tính ra, chi phí sinh hoạt bên Nga cũng không phải là đắt, rẻ hơn các nước khác như Mỹ, Nhật hay Úc.

Một tháng, chi phí cho ăn uống cũng chỉ mất khoảng 150-200 USD. Nếu thuê nhà ở ngoài thì một căn hộ có giá khoảng 200 USD/tháng. Và mỗi bữa ăn ở ngoài cho một sinh viên sẽ mất khoảng 3 USD.

Du hoc sinh Viet tai Nga: De tim viec lam them, sinh hoat moi thang chi can 4 trieu dong
Mùa đông ở Nga vô cùng lạnh giá vì thế trượt tuyết là một hoạt động được nhiều người yêu thích.

Để tiết kiệm hơn thì tôi thường tự nấu ăn. Nói thực là hồi mới sang thì không biết nấu nhưng bây giờ thì đã tàm tạm tồi. Tự nấu được, bữa ăn vừa rẻ hơn mà vừa chất lượng hơn.

Với cách chi tiêu như vậy, mỗi tháng, tôi cũng có thể tiết kiệm được một khoản nho nhỏ. Với số tiền tiết kiệm đó, tôi sẽ gửi về cho gia đình hoặc để riêng ra, khi về sẽ dùng vào một số việc.

Ở bên Nga, kiếm một việc làm thêm cũng khá dễ dàng. Sinh viên rảnh có thể đi làm hướng dẫn viên du lịch, phát tờ rơi, kiếm việc liên quan đến lập trình.... Công việc rất đa dạng, mỗi tháng có thể kiếm thêm được 200-300 USD”.

Minh Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI