Du học sinh Việt tại Canada: "Không có việc thầy bảo và trò phải làm theo"

17/09/2016 - 14:00

PNO - Lý Khải Anh (du học sinh Việt sống và học tập tại Canada) có những chia sẻ về nền giáo dục "khác Việt Nam rất nhiều" mà chàng trai trẻ khá tâm đắc.

Lý Khải Anh hiện đang là du học sinh tại Canada. Từng có nhiều năm học THPT tại đất nước này, Khải Anh có những chia sẻ về nền giáo dục "khác Việt Nam rất nhiều" mà chàng trai trẻ khá tâm đắc. Dưới đây là chia sẻ của Khải Anh về nền giáo dục của đất nước này.

Những điều đặc biệt

Tại Canada, tất cả học sinh đều bình đẳng như nhau, không có ai hơn ai. Mọi học sinh đều được hưởng những hỗ trợ tốt nhất từ giáo viên đến nhân viên nhà trường. Mọi học sinh đều cảm thấy an toàn tại trường. Trường học cũng có các counsellor (tạm dịch là: cố vấn) - đây là những người tư vấn tại trường cho học sinh đang mắc phải từ học tập, gia đình, các việc ngoài trường và 100% bí mật cho học sinh.

"Giáo dục Canada cũng rất tôn trọng các quyền của học sinh và không có việc thầy bảo và trò phải làm theo", Khải Anh nhấn mạnh.

Du hoc sinh Viet tai Canada:
Lý Khải Anh (áo kẻ) tham gia các hoạt động tại trường cấp III tại Canada.

Theo đó, chàng trai trẻ đi vào chi tiết về phương pháp giảng dạy và học tập ở Canada, những điều khác biệt so với Việt Nam, cụ thể:

"Thứ nhất, mình nhận thấy, giáo dục Canada rất chú trọng vào sự tự lập và khả năng làm việc nhóm của học sinh. Học sinh sẽ có các dự án về khoa học ở các môn tự nhiên hoặc xã hội. Ví dụ, học sinh được giao 1 research essay (tiểu luận nghiên cứu) nào đó và có hạn trong vòng 1 tháng  mà phải tìm hiểu tài liệu trên mạng để viết. Nó dạy cho học sinh cách sử dụng thời gian cho hợp lý và cũng chuẩn bị cho các bàì research essay sau này khi lên đại học hoặc cao đẳng.

Bên cạnh đó, giáo dục nước này cũng tập trung rèn luyện học sinh kỹ năng làm việc nhóm, sự tôn trọng lẫn nhau và có trách nhiệm. Học sinh cũng sẽ có nhiều cơ hội làm việc nhóm, và có trách nhiệm hoàn thành nhiệm vụ của mình trong nhóm, chia sẻ ý kiến và tiếp thu ý kiến từ các bạn bè.

Thứ hai, tại Canada thì không phân biệt môn phụ, môn chính. Đây là điều rất khác biệt trong tâm lý của học sinh Canada so với học sinh Việt. Tất cả các môn đều có một vị trí quan trọng, để giúp học sinh phát triển toàn diện. Các môn như Lịch sử, Địa lý... thuộc các môn khoa học xã hội, học sinh học theo các nghiên cứu về chủ đề, viết luận chứ không học thuộc.

Hơn nữa, thầy cô luôn khuyến khích học sinh có những câu hỏi và sẽ giải đáp 1 cách tốt nhất. Không bao giờ có việc đọc chép. Thầy cô sẽ có power point để học sinh nắm outline bài giảng , còn các chi tiết còn lại, học sinh phải tự nghe và ghi chép. Luyện cho học sinh thói quen đọc sách, vì học môn Văn, học sinh sẽ phải đọc rất nhiều tiểu thuyết, truyện ngắn.

Cuối cùng, không ép buộc học sinh học giỏi tất cả các môn và đặt nặng áp lực thành tích lên vai học sinh. Giáo dục Canada luôn coi việc học là của học sinh và không liên quan đến bố mẹ. Ở đây, luôn có các khoá giúp học sinh định hướng về việc chọn ngành và công việc cho tương lai", Khải Anh chia sẻ.

Chương trình học THPT là 4 năm và không thi Tốt nghiệp.

Theo đó, theo Khải Anh, bậc THPT của Canada bắt đầu từ lớp 9 đến lớp 12: Lớp 9, lớp 10, học sinh sẽ học các môn chung chung như toán, văn, khoa học, cộng thêm 1 số môn skill course như nấu ăn, nghề mộc, kịch, hát,...

Lớp 11 và lớp 12 sẽ phân hoá, học sinh chọn môn theo ngành mà học sinh sẽ apply vào đại học (ngành học Đại học khác nhau thì sẽ chọn môn ở high school khác).

"Ví dụ, mình lên đại học mình chọn Humanities (nhân văn xã hội để học), mình sẽ học nhiều môn xã hội như Tâm lý học, Luật, Triết, Lịch sử, Địa lý,... và chỉ học 1 số môn tự nhiên bắt buộc để tốt nghiệp và Tiếng Anh", chàng trai chia sẻ.

Để tốt nghiệp cấp 3 ở Canada: "Học sinh cần đủ 80 credit - tín chỉ (tức mỗi môn tính 4 tín chỉ) từ lớp 9 đến lớp 12. Trong đó học sinh sẽ phải học các môn chính chỉ để tốt nghiệp như Văn từ lớp 9 đến 12, Toán 9,10, 11, Khoa học Xã hội, 1 môn môn kỹ năng,... Khi học để các môn để tốt nghiệp, học sinh sẽ học các môn tự chọn để đáp ứng yêu cầu để vào đại học hoặc cao đẳng.

Ở Canada, từ lớp 10 đến lớp 12, mỗi năm sẽ có provincial exam (kì thi hết môn mà cả bang làm cùng 1 ngày, cùng 1 giờ) cho 1 số môn. Lớp 10 là Toán và Văn, lớp 11 là  Khoa học Xã hội, lớp 12 là Văn (các bài này sẽ bằng 20 đến 40% điểm tổng cả khoá).

Bên Canada không có thi tốt nghiệp như ở Việt Nam. Học sinh học đủ môn, đủ điểm để qua môn như yêu cầu và đủ tín chỉ là tốt nghiệp.

Du hoc sinh Viet tai Canada:

Vào đại học

Để vào được đại học ở Canada, học sinh sẽ phải cố gắng trong suốt những năm cấp 3, đặc biệt là năm lớp 11 và 12.

"Xét điểm từ lớp 9 đến lớp 12. Ví dụ thi đại học năm 2017 ở Canada, học sinh sẽ apply online từ giữa tháng 10/2016 (khi đó đang học lớp 12), apply các trường học sinh muốn.

Trong thời gian đó, học sinh phải gửi bảng điểm cấp ba từ lớp 9 đến hết lớp 11 đến các trường. Khi có điểm kì 1 lớp 12 sẽ gửi điểm kì 1. Tiếp đó, khi học sinh học hết kì 2, cục giáo dục của bang sẽ gửi học bạ cấp 3 cho trường đại học.

Để vào được đại học thì điểm lớp 11 và 12 là quan trọng nhất. Các trường đại học sẽ xét điểm trung bình các môn lớp 12 cùng với Tiếng Anh và cộng thêm điểm lớp 11 và 10 và điểm các bài thi toàn bang.
 
Khi các trường gửi thư chấp nhận vào tháng 1 và tháng 2 sau khi có điểm kì 1 lớp 12, họ sẽ tạo điều kiện đồng thời đưa ra những yêu cầu cần đáp ứng cho đến hết năm để nhận thông báo chính thức của trường. Ví dụ như điểm trung bình các môn đến cuối kì phải đạt ít nhất bao nhiêu, đủ điều kiện để học không?

Như vậy, để vào được đại học ở Canada thì hơn hết các bạn sẽ phải cố gắng cả quá trình: 4 năm cấp 3", Khải Anh chia sẻ.

Lam Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI