Đôi đũa sạch trong cặp sách và cách dạy trẻ Nhật tự lập

18/08/2016 - 06:52

PNO - "Những việc làm nhỏ mà ngôi trường Nhật dạy trẻ con đã âm thầm lan tỏa khiến Misa trưởng thành hơn rất nhiều", chị Nga chia sẻ.

Chị Thúy Nga hiện đang sống cùng chồng cà con gái (bé Misa) chuẩn bị vào lớp 5 tại Nhật Bản. Giáo dục trẻ con ở Nhật Bản - một trong những điều mà chị Nga luôn cảm thấy an tâm và tin tưởng nhất tại đất nước này.

"Phải có con theo học tại Nhật mới có thể cảm nhận được tất cả những gì mà đất nước này dành cho giáo dục trẻ nhỏ. Mình đã có giai đoạn mỗi ngày con đi học về là luôn ôm ấp, gặng hỏi con "Hôm nay ở trường, con thế nào?" một phần để biết một ngày trôi qua của Misa, và một phần vì quá tò mò với cách mà người Nhật giáo dục trẻ con".

Trong cặp của học sinh tiểu học Nhật có gì?

"Trước khi sang Nhật học, bé Misa từng có thời gian sống với ông bà nội tại Việt Nam, nhưng hồi đó Misa mới học mẫu giáo. Mỗi lần gọi điện về thì thấy con khóc nức nở không muốn đi học, chỉ muốn ở nhà chơi, mình khá xót ruột vì con yếu đuối, sống dựa dẫm, làm việc mà trong lòng lúc nào cũng canh cánh về con.

Sau gần 1 năm ổn định công việc tại Nhật, vợ chồng mình quyết định đón Misa sang Nhật học, lúc đó Misa mới lên 5 tuổi. Kể từ đó đến nay, mình chứng kiến sự thay đổi rõ rệt của con gái mình", chị Nga kể lại.

"Sự thay đổi của con gái hồi ở mẫu giáo so với khi bước vào học tiểu học thật là không thể so sánh nổi. Con gái mình hiện nay chuẩn bị vào lớp 5 nhưng đã chỉn chu, sạch sẽ và có thể tự làm mọi việc trong nhà mà không cần nhờ đến ai! Tất cả đều là do môi trường giáo dục đã dạy Misa", chị Nga khẳng định.

Giống như hầu hết các học sinh tiểu học tại Nhật, Misa luôn tự giác dậy sớm vệ sinh cá nhân, chuẩn bị đồ ăn sáng cùng mẹ, mặc quần áo gọn gàng, đúng giờ là bắt đầu xuất phát... đến trường.

Doi dua sach trong cap sach va cach day tre Nhat tu lap

"Chiếc cặp khá lớn mà Misa đeo đến trường ngoài đựng sách vở ra là cả một "kho tàng" đồ dùng, không chỉ Misa mà tất cả các bạn trong lớp đều chuẩn bị cho một ngày đi học.

Đó là: Một đôi đũa đựng trong hộp, chiếc khăn trải bàn vừa vặn; một chiếc khăn nhỏ dùng để lau miệng; một cốc đánh răng và một bàn chải đánh răng đã được sấy khô và sạch sẽ và thơm tho tại nhà.

Mình đã từng rất sốc khi chưa kịp hiểu những đồ dùng đó, con mang đi để làm gì. Nhưng sau đó vô cùng thích thú khi biết lý do, tất cả chúng được dùng để chuẩn bị cho bữa trưa nội trú", chị Nga nói.

Theo chị Nga, hàng ngày Misa cùng các bạn sẽ ăn cơm tại trường vào buổi trưa, sau khi kết thúc tiết học cuối cùng, các bé thu dọn hết sách vở, đi rửa sạch chân tay và chuẩn bị cho bữa ăn của mình, tất cả công đoạn ăn uống và thu dọn trong vòng 45 phút.

"Khăn dùng để trải bàn trong bữa ăn tránh rơi vãi, khăn nhỏ dùng để lau miệng và bàn chải và cốc đánh răng là những vật dụng các con bắt buộc phải dùng sau khi bữa ăn kết thúc.

Đôi đũa là điều mình cảm thấy tâm đắc nhất, thay vì nhà trường chuẩn bị đũa cho con thì bé Misa và các bạn lại tự chuẩn bị cho mình một đôi đũa, mình đã từng suy nghĩ và đặt câu hỏi rất nhiều về việc này.

Thế nhưng, khi về đến nhà, thấy đôi đũa của con luôn sạch sẽ hỏi ra mới biết, không chỉ con mà những bạn khác trong lớp cũng tự vệ sinh hết sức sạch răng miệng và đôi đũa sau khi kết thúc bữa ăn", chị Nga chia sẻ.

"Gửi con yêu dấu vào cuộc hành trình"

Dường như ở Nhật, ngay từ khi còn nhỏ, các bé đã được học cách để trở nên độc lập và tự chăm sóc bản thân. "Một điều khiến mình rất thích nữa là Misa nhà mình có thể tự đi một mình đến trường (bằng xe công cộng hoặc đi bộ) ngay từ khi vào lớp 1 và với học sinh nào cũng thế, không riêng Misa nhà mình.

Ban đầu, khi để con tự đi đến trường, mình đã hơi chột dạ và luôn cảm thấy bất an nhưng về sau, khi chứng kiến sự trưởng thành của con, mình đã yên tâm hơn rất nhiều.

Không chỉ ở trường, ở nhà các bé cũng được gia đình dạy dỗ rất bài bản. Người Nhật có câu nói khá hay mà mình rất thích đó là "Kawaii ko ni wa tabi o saseyo"- tạm dịch là gửi những đứa con yêu dấu vào cuộc hành trình", chị Nga nói.

Theo chị Nga, có lẽ nhờ cách giáo dục mà nhà trường, cùng với môi trường sống xung quanh đã dạy bé Misa rất nhiều điều: Biết quan tâm đến người thân trong gia đình nhiều hơn và chủ động làm nhiều việc hơn và có thể tự chịu trách nhiệm về những việc mình làm.

"Không chỉ tự đi đến trường, tự hoàn thành bài tập mà không để bố mẹ nhắc nhở, thầy cô phàn nàn mà Misa còn luôn chủ động giúp đỡ ba mẹ trong công việc nhà. Con bé thường xuyên thay mẹ đi mua đồ ăn. Những món ăn đơn giản con có thể tự nấu và từ khi đi học chưa bao giờ để mẹ phải rửa bát.

"Những việc làm nhỏ mà ngôi trường Nhật dạy trẻ con đã âm thầm lan tỏa khiến Misa trưởng thành hơn rất nhiều", chị Nga chia sẻ.

Hà My


 

news_is_not_ads=
TIN MỚI