Điểm thi, điểm sàn, điểm chuẩn và... điểm “chết”

21/07/2017 - 13:00

PNO - Điểm thi”, “điểm sàn”, “điểm chuẩn” là những vấn đề khiến các trường đại học (ĐH), thí sinh (TS) và dư luận xã hội phải quay quắt trong tuần qua, trong khi lẽ ra không cần phải như thế.

Nói về điểm thi và những điểm 10 của kỳ thi, người ta đã dùng cụm từ “mưa điểm 10” với sự nghi ngờ về những điểm 10 ấy. Nhưng thật sự cơn mưa điểm 10 ấy chỉ là cơn… mưa rào, bởi lẽ cả nước có 866.000 TS dự thi với ít nhất 5.196.000 bài thi (mỗi TS dự thi sáu môn) nhưng chỉ có 4.178 điểm 10, tức là cứ 1.243 bài thi mới có một bài đạt điểm 10. Với một kỳ thi có tính chất thi phổ thông, với tên gọi là thi THPT quốc gia, mà cứ 1.243 bài thi mới có một điểm 10 thì chẳng có gì phải ầm ĩ, nếu không muốn nói là đáng buồn.

Trong khi câu chuyện “điểm thi” chưa qua thì “điểm sàn” lại tới. Đây cũng là vấn đề mà người ta đã tranh cãi từ khi nó được sinh ra vào năm 2004 cho đến nay. Quan điểm của Bộ GD-ĐT và một số trường ĐH, đặt ra “điểm sàn” là đặt ra “ngưỡng đảm bảo chất lượng” đầu vào cho các trường ĐH. Nhưng việc tuyển sinh là việc của các trường, các trường không khiến Bộ phải lo việc ấy cho họ. Trên thực tế thì cái “ngưỡng đảm bảo chất lượng” này ngày càng “đại hạ giá” và mấy năm gần đây thì trở thành “vô giá trị”. 

Năm 2004, năm đầu tiên thi “ba chung”, “điểm sàn” được đặt ra là 14-15 điểm tùy khối, số TS đạt điểm sàn chưa đầy 30%. Năm nay, sau 13 năm, điểm sàn là 15,5 điểm, nhưng tỷ lệ đạt điểm sàn tăng lên 56-61% (riêng khối D đạt 46%). Nếu xét trên tỷ lệ chọi thì 13 năm trước tỷ lệ này là 1/4,5 (4,5 TS dự thi mới có một TS đậu), còn năm nay là khoảng 1/1,2. Nhưng đó là lý thuyết, còn thực tế thì từ vài năm qua các trường ĐH có thể xét tuyển ĐH dựa vào điểm học bạ mà không cần phải quan tâm đến điểm sàn; TS cứ đỗ tốt nghiệp THPT là có cơ hội vào học ĐH nếu muốn. Như vậy, về cả lý thuyết lẫn thực tế, điểm sàn chẳng còn có ý nghĩa gì thì hà cớ gì phải duy trì để làm khó TS, làm khó các trường ĐH? 

Chuyện đậu, rớt vào một trường, một ngành nào đó, đúng ra cũng chẳng có gì phải ồn ào quá mức nếu như người đi học biết sức học của mình đang ở đâu. Khổ nỗi, do tâm lý ganh đua bằng cấp đã quá ăn sâu, học trò không được khuyến khích hiểu về chính mình và đi theo con đường của mình mà lại bị đem so với người khác và đi theo con đường của người khác, nên chuyện đậu - rớt trở thành hệ trọng. Sự “hệ trọng” ấy được cộng hưởng bằng kỳ thi và xét tuyển tập trung duy nhất trong năm khiến nó trở nên ồn ào quá mức. 

Trong khi HS đang gặp khó với chính mình (vì không biết mình đang ở đâu, mình thích gì và đâu là con đường của mình) thì các em lại tiếp tục bị “làm khó” bởi điểm sàn, điểm chuẩn, nguyện vọng. Trớ trêu, trong lúc ta đang làm khó ta thì nhiều trường ĐH nước ngoài lại “tấn công” vào thị trường ĐH Việt Nam để thu hút nhiều người học mà chẳng đặt ra những điều kiện về điểm sàn, điểm chuẩn. Câu chuyện này cho ta thấy: quyền tự chủ (gồm cả tự chủ trong tuyển sinh) chính là điểm “chết” khiến ĐH Việt Nam cứ ì ạch trong nhiều thập niên qua.

Tại hội nghị tham vấn chuyên gia về việc sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục ĐH do Quốc hội tổ chức vào 17/7 vừa qua, GS Trần Hồng Quân - nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH-CĐ Việt Nam - đã thẳng thắn: “ĐH Việt Nam hiện không có quyền tự chủ” và ông đề nghị: “Luật cần tạo cơ chế giải phóng các ràng buộc trong quản lý, triệt tiêu tệ nạn xin-cho đang phổ biến hiện nay trong cơ chế quản lý giáo dục ĐH”. Đáng buồn thay, đây cũng chính là cái mà nhiều năm qua Bộ GD-ĐT nhất quyết không buông. 

Minh Nhật

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI