Đi về hướng bục giảng

30/11/2017 - 08:44

PNO - Để đi đến đích, có nhiều con đường. Cô Liễu đã chọn đặt cả gánh nặng gia đình và học sinh lên vai để bước tới…

Hơn 20 năm gắn với trường lớp, đang là bí thư chi bộ - hiệu phó một trường trung học ngay trung tâm TP.HCM, nhưng tháng 3/2017 vừa rồi, cô đã viết đơn xin nghỉ công tác. Gần một năm trời dằn vặt, ray rứt. Một quyết định đầy xót xa. Tuy nhiên, con đường phía trước cô chọn vẫn là đi về hướng bục giảng…

Di ve huong buc giang
Mỗi tiếng cười của Khang là niềm hạnh phúc của cả gia đình

Tiết học kết nối

Sơn La cuối năm 2015, rét nghiệt ngã. Cùng thời điểm, tại Trường THCS Đức Trí (Q.1, TP.HCM), một buổi giảng dạy trực tuyến qua ứng dụng Skype in the Classroom đang diễn ra với Trường THPT Mai Sơn (Sơn La).

Hình ảnh những người già co ro bên góc bếp, trẻ em run rẩy trong bộ quần áo phong phanh, gia súc gia cầm chết la liệt, cây cối tiêu điều… theo nhau hiện ra; những dòng nước mắt lăn dài trên mặt các em học sinh (HS) TP.HCM.

Sáng hôm sau, một thùng quyên góp được “nhóm SOS” - một nhóm từ thiện mới thành lập - mang đến từng lớp học. Trước đó, rất nhiều HS đã mang đến trường những túi quần áo ấm, mền, vớ, dụng cụ học tập... chờ gửi cho các bạn HS nghèo miền núi Sơn La. Người chủ trì buổi học trực tuyến nói trên là cô Nguyễn Thị Liễu - hiệu phó của trường.

Những tiết học kết nối, tương tác, “chạm thẳng đến trái tim” như thế vẫn thường xuyên được tổ chức tại Trường THCS Đức Trí. Nội dung kết nối cũng đa dạng, hiện trường kết nối lần lượt được đưa đến nhiều điểm khác nhau… Phạm vi kết nối không chỉ với các địa phương trong nước như Hà Nội, Hải Phòng, Tây Nguyên, Tây Bắc… mà còn mở ra nhiều trường ở các nước châu Á, châu Phi, châu Âu… 

Qua đó, HS càng thêm thích thú khi tiếp nhận kiến thức từ môn học, được trải nghiệm “miễn phí” gần như “tận mắt” phong cảnh, văn hóa, lịch sử… của các dân tộc, vùng miền, các quốc gia. 

Theo cô Liễu, việc tổ chức học trực tuyến phần nào còn là một cách tiết kiệm chi phí ngoại khóa, trau dồi kỹ năng ngoại ngữ và ứng dụng công nghệ thông tin cho HS. Hiểu rõ những lợi ích này, cô Liễu còn đứng lớp tập huấn cho các thầy cô giáo trong trường, rồi giáo viên ở Q.1.

Di ve huong buc giang
Chủ tịch Hội LHPN TP.HCM Nguyễn Thị Ngọc Bích trao giải thưởng Phụ nữ Việt Nam năm 2017 cho cô Nguyễn Thị Liễu

Thầy Trương Quốc Hưng - hiệu trưởng trường đánh giá: “Cô Nguyễn Thị Liễu luôn quan tâm và hết lòng hỗ trợ đồng nghiệp, nhất là những thầy cô giáo trẻ. Cô còn là người luôn đi đầu trong việc học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin. Đặc biệt, cô đã có nhiều sáng tạo, đổi mới trong quản lý chuyên môn, phương pháp dạy học”.

Bục giảng chông chênh

“Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP.HCM, tháng 3/2013. Hôm nay là sinh nhật lần thứ tư của bé Trương Nguyễn Hoàng Khang. Mẹ thấy mình như đã vượt qua thêm một vòng thi “thử thách cuộc đời”. Năm 2008, mẹ may mắn mang thai con sau chín năm mong đợi, bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo. Không thể nào tả được niềm vui của mẹ và gia đình. Nhưng, thai 6 tháng thì mẹ nhận tin sét đánh là con bị giãn não thất 2 bên (giãn nhiều sẽ gây não úng thủy). Mẹ đã tìm mọi thông tin về căn bệnh này và quyết định giữ lại con với một niềm tin mãnh liệt vì được biết bệnh có thể chữa được nếu điều trị sớm”. Cô Nguyễn Thị Liễu ghi vào nhật ký cho con bên giường bệnh.

Suốt gần 10 năm qua, các bác sĩ (BS) ở Bệnh viện (BV) Hùng Vương, BV Nhi Đồng và một số trung tâm trị liệu… đã “nhẵn mặt” người mẹ ẵm đứa con bại liệt đến chữa động kinh, viêm phổi... Lúc Khang được 15 tháng tuổi, phải nhập viện, BS cho biết Khang bị nhiễm trùng máu, suy thận, sưng gan, xuất huyết đường tiểu, phù nề toàn thân và đã... “hết thuốc chữa”. Cô Liễu rụng rời tay chân.

BS tâm lý cũng đã gặp riêng người mẹ để chuẩn bị cho việc Khang có thể “đi” bất kỳ lúc nào. Ba giường bệnh bên cạnh trống trải vì đã có 3 đứa trẻ mới ra đi, dù tình trạng bệnh có vẻ còn đỡ hơn Khang. Nhưng, như một phép mầu, “con đã chiến thắng tử thần bằng một nghị lực sống phi thường”. Ngày Khang được xuất viện, các BS khoa Nhi, BV Nhi Đồng 2 đã reo mừng một sự kiện kỳ diệu. 

Hành trình chạy chữa cho con vẫn còn thăm thẳm thì năm 2012, anh Trương Quang Mỹ -  chồng cô Liễu, bị phát hiện ung thư trực tràng. Cũng từ đó, trên trang Facebook cá nhân của cô phó hiệu trưởng bắt đầu rao bán các sản phẩm thủ công, trang trí, lưu niệm… Không ít lần, phụ huynh bắt gặp cảnh cô tất tả trên chiếc xe máy với đống hàng hóa cồng kềnh phía sau.

Đến nay, anh Mỹ đã được hóa trị 8 đợt, phải mang hậu môn nhân tạo suốt đời. Chưa hết, ở nhà cô vẫn còn cha mẹ già đang cần chăm sóc. Dù thời gian ở BV còn nhiều hơn ở nhà nhưng khi đến lớp, gương mặt cô hiệu phó lúc nào cũng tươi tắn.

Hiện cô đang thực hiện đề tài thạc sĩ về quản lý hoạt động trải nghiệm sáng tạo, đồng thời ấp ủ nhiều dự án ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy cho HS tại Trường dân lập quốc tế Việt Úc với cương vị cụm trưởng quản lý các chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo. 

Để đi đến đích, có nhiều con đường. Cô Liễu đã chọn đặt cả gánh nặng gia đình và HS lên vai để bước tới… 

Từ Nhân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI