Đến trường từ 3 giờ sáng

01/10/2015 - 07:11

PNO - Để đến trường, hơn 100 học sinh của thôn H’Mông, xã Ea Kiết, huyện Cư M'gar, tỉnh Đăk Lăk phải thức dậy băng rừng từ 3g sáng.

Hành trình tới trường của các em là những con đường mòn lọt thỏm giữa rừng và phải lội qua nhiều con suối. Trời nắng đường khô, các em đi còn tương đối dễ, nhưng khi mưa xuống, nước suối dâng cao, đường trở nên lầy lội, trơn trượt rất nguy hiểm.

Đi học xuyên đem

Như thường lệ đã hai năm nay, cứ 2g sáng là nhà chị Lù Thị Tu (36 tuổi, thôn H’Mông, xã Ea Kiết) lại sáng đèn để con gái chuẩn bị đến trường. Đúng 3g, em Lù Thị Dung (lớp 4D, Trường tiểu học Mạc Thị Bưởi) đội đèn pin dắt xe đạp ra khỏi nhà.

Dung cho biết, sáng nào em và các bạn cũng phải dậy rất sớm như thế để vượt quãng đường hơn 17km đến trường. Nhiều hôm đường lầy lội, việc đi lại rất khó khăn. “Trong buôn có trường gần nhà nhưng chỉ dạy đến lớp 2, lên lớp 3 tụi em muốn học tiếp phải ra trung tâm xã”, Dung kể.

2g30, trong lúc chờ bạn tại bìa rừng, cậu bé Mai Văn Nghiêm (lớp 5E) Trường tiểu học Mạc Thị Bưởi phải mấy lần lấy tay dụi mắt cho tỉnh ngủ. Đứng chờ bạn cùng Nghiêm còn có gần 10 học sinh khác của buôn H’Mông.

“Nhiều hôm trời mưa lớn, nước từ đầu nguồn đổ về khiến nước suối dâng cao, chúng em phải nắm tay nhau lội qua con nước dữ. Có những hôm nước chảy xiết cuốn trôi các bạn đi một đoạn khá xa, may nhờ quen với địa hình con suối nên thoát chết. Nhưng áo quần, sách vở ướt sũng nên đành quay về nhà”, Nghiêm nói.

Em Mai Thị Hà, học lớp 8G, Trường THCS Hoàng Văn Thụ cho biết, đi học sợ nhất là vào mùa mưa. “Khi đến trường, người em lạnh run vì rét. Giờ em chỉ mong gia đình chuyển ra ngoài thôn mới để việc đi học được thuận tiện hơn”, Hà nói. Các em đều cho biết, nhiều hôm phải nhịn đói đến trường vì không có tiền ăn sáng.

Den truong tu 3 gio sang
Den truong tu 3 gio sang
Các em học sinh phải băng qua những con đường mòn lầy lội và băng qua suối trong đêm khuya để đến trường

Phụ huynh không chịu di dời ra khu tái định cư

Theo ông Hoàng Văn Páo, trưởng thôn H’Mông, thôn được thành lập đã hơn 15 năm, khi các hộ đồng bào Mông, Dao ở các tỉnh miền núi phía Bắc di cư tự do vào. Các gia đình tại thôn đều chưa có hộ khẩu, thôn cũng chưa có đường giao thông, mạng lưới điện chưa được đầu tư.

Có thể nói, thôn H’Mông gần như bị cô lập với thế giới bên ngoài. Hiện thôn có khoảng 150 học sinh tiểu học và THCS hằng ngày phải băng rừng đến các điểm trường. Trường gần nhất cách 4km và xa nhất là 17km.

Ông Trương Văn Chỉ, Phó chủ tịch UBND huyện Cư M’gar cho biết, huyện đã xây dựng khu tái định cư cách đó bảy cây số nhưng bà con thôn H’Mông không chịu di dời do sợ mất đất sản xuất.

“Chính vì bà con không chịu di dời ra khu tái định cư nên con em họ mới phải băng rừng vượt suối để đến trường. Trước đó, trong các cuộc vận động, UBND huyện đã có văn bản cam kết khi ra khu tái định cư, người dân vẫn được giữ nguyên đất sản xuất, chính quyền sẽ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, khi cán bộ huyện vào đo đạc để làm thủ tục thì người dân không đồng ý”, ông Chỉ nói thêm.

UBND huyện đang cố gắng đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà văn hóa, trường học tại khu tái định cư. “Sau khi xây dựng xong, nếu hộ dân nào không di dời, huyện sẽ báo cáo lên UBND tỉnh để trả họ về địa phương cũ”, ông Chỉ nhấn mạnh.

Quang Nam

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI