Để 'sữa học đường' mang ý nghĩa nhân văn trọn vẹn

07/10/2018 - 06:00

PNO - Mỗi khi về quê, một vùng quê xa tỉnh, tôi thấy cảnh những đứa cháu mình bị bắt uống sữa bằng những lời vừa dụ dỗ vừa dọa nạt của người lớn xen lẫn trong tiếng khóc chối từ của trẻ thơ.

Những người bạn đồng nghiệp thường đùa với nhau rằng, chúng tôi là cô giáo của “những đứa con nhà giàu”. Họ nói như thế cho sang, bởi vì ngày nào cũng nhìn thấy phần sữa mà học sinh bỏ lại trong thực đơn bữa trưa ở trường. Tất nhiên, trong số tiền mà ba mẹ các em phải đóng hàng tháng cho nhà trường, có cả tiền cho những hộp sữa ấy.

De 'sua hoc duong' mang y nghia nhan van tron ven
Trẻ em con nhà nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn mới thực sự cần được bổ sung dinh dưỡng.

Ban đầu, chúng tôi còn ép học sinh phải sử dụng phần ăn của mình cùng với bài học về sự lãng phí. Tuy nhiên, sau khi nghe những lý do không thể ép buộc được, như “con bị dị ứng sữa, chỉ uống loại ba mẹ mua thôi”, hay “ở nhà con đã ngán lắm rồi cô ơi”, chúng tôi bỏ cuộc. Phần sữa dư ấy ai đó sẽ mang về nhà, hoặc được thu gom lại, để phát cho bữa ăn hôm sau.

Nói chi đến những đứa con nhà giàu thành thị, mỗi khi về quê, một vùng quê cũng đủ gọi là “xa tỉnh”, tôi thấy cảnh những đứa cháu mình bị bắt uống sữa bằng những lời vừa dụ dỗ vừa dọa nạt của người lớn xen trong tiếng khóc chối từ của trẻ thơ.

Cũng có những đứa trẻ “háu ăn”, cứ canh ba mẹ đi vắng là lén bắc ghế lấy sữa uống, uống cả lốc, uống thay nước, khiến ba mẹ chúng “nóng mặt”. Cũng phải. Thu nhập của họ bấp bênh, để có những hộp sữa cho con họ phải chắt bóp từng đồng.

Nói như thế để thấy rằng, tại sao một đề án với ý nghĩa nhân văn như “sữa học đường” lại nhận nhiều ý kiến trái chiều như vậy. Nếu như sữa có thể giúp trẻ phát triển về mặt thể chất, thì chúng ta có thể yên tâm rằng, chẳng cần đến trường, chẳng cần “sữa học đường”, thể chất của trẻ cũng vẫn được đảm bảo, bởi hiện nay, ý thức nuôi con của những ông bố bà mẹ đã được nâng cao. Họ có thể ăn tiêu tằn tiện, nhưng sữa cho con thì không tiếc trong khả năng có thể, trừ những bà con ở những vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số kinh tế còn quá khó khăn.

De 'sua hoc duong' mang y nghia nhan van tron ven
Những đứa trẻ vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn đang thiếu thốn rất nhiều thứ

Cho nên, nếu để thực hiện một cách tự nguyện, thì những gia đình có điều kiện sẽ không lựa chọn “sữa học đường” bởi đó là một sự lãng phí. Người ta không thể bỏ tiền cho những thứ không có nhu cầu. Còn nếu bắt buộc, thì số tiền cho một hộp sữa trong khẩu phần bữa ăn của con họ, cũng không là vấn đề gì to tát. Nhưng kèm theo đó là tâm lý khó chịu, bởi hai chữ “nhân văn”.

Một phụ huynh học sinh của tôi nói rằng: “Tôi biết con tôi đến trường không uống sữa, nhưng tôi không khó chịu khi đóng tiền cho khẩu phần trưa của con, bao gồm tiền sữa trong ấy. Nhưng khi đề án đưa ra, 50% tiền sữa được giảm bởi ý nghĩa “nhân văn” của nó, chúng tôi chẳng thấy mặn mà. Đã dùng hai chữ “nhân văn”, thì làm sao cho tròn ý nghĩa của nó. Việc này chẳng khác nào cho người ta 5.000đ, nhưng lại đưa tờ 10.000đ và bắt thối lại 5.000đ”.

Đối với những gia đình kinh tế có phần eo hẹp hơn, thì đề án với họ “có cũng được, không có cũng chẳng sao”. Tham gia thì tiết kiệm được vài trăm ngàn đồng mỗi tháng. Nhưng phần sữa ở nhà của con bị cắt đi.

Thử hỏi, một chương trình mang ý nghĩa nhân văn mà được đón nhận với những tâm lý như vậy, chúng ta có nên tiếp tục hay không? Nếu vì thế hệ tương lai thì hãy làm sao cho ý nghĩa nhân văn của nó được trọn vẹn. Hãy miễn phí với những đối tượng, những nơi thật sự cần!

Hồng Loan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI