Dạy tích hợp: dễ theo xu hướng 'diễn'

05/02/2018 - 11:04

PNO - Hiện nay vẫn chưa có sách giáo khoa mang tính tích hợp, giáo viên hầu hết không được đào tạo các phương pháp dạy học tích hợp nên chưa thực hiện được hoặc đã áp dụng nhưng hiệu quả chưa cao.

Theo đề án mới, chương trình giáo dục sẽ có nhiều thay đổi theo hướng ứng dụng và tích hợp nhiều kiến thức trong một môn học. Ví dụ, môn khoa học tự nhiên được xây dựng trên nền tảng các môn vật lý, hóa học, sinh học; môn lịch sử và địa lý là sự tích hợp theo chủ đề, không gian và thời gian…

Tuy nhiên, việc thay đổi vẫn còn rất nhiều vướng mắc cần những nhà làm giáo dục tính toán trước khi thực hiện chương trình.

Day tich hop: de theo xu huong 'dien'
Mô hình vườn thanh long và mô hình cáp treo được học sinh tái hiện và thuyết trình

Giáo viên phải có “ba đầu sáu tay”

Với quan điểm chú trọng việc hình thành và phát triển năng lực cho người học, đặc biệt là năng lực áp dụng kiến thức, kỹ năng đã học để giải quyết các vấn đề của thực tiễn, ngoài việc thay đổi phương pháp giảng dạy để học sinh (HS) được hoạt động nhiều hơn, chương trình giáo dục mới vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố dự thảo, có xu hướng tích hợp một số môn thành một môn học (tích hợp đa môn), hay tích hợp theo kiểu lồng ghép các nội dung cần thiết vào những nội dung vốn có của một môn học (tích hợp liên môn).

Theo chương trình đổi mới này, giáo viên (GV) có thể tích hợp các nội dung nhiều môn học khác nhau, hoặc các kiến thức liên quan đến bài giảng để chuyển tải đến HS những nội dung giáo dục lồng ghép với các hình thức truyền đạt đa dạng như trình chiếu, giảng dạy, thảo luận, dạy học theo dự án, chủ đề.

Là GV địa lý có thâm niên dạy học tại Trường THCS Nguyễn Du (tỉnh Bình Thuận), thầy Nguyễn Hồ Hải, cho biết: “Chương trình đã được triển khai thử nghiệm từ mấy năm trước và một số trường đã áp dụng bằng cách xây dựng các chủ đề tích hợp. Tôi cũng đã theo dõi rất sát chương trình và nhận thấy đối với các GV có kiến thức liên môn, nắm vững chuyên môn và phương pháp sư phạm tốt thì khi triển khai chương trình tích hợp không có gì đáng lo ngại. Thậm chí không cần yêu cầu tích hợp, bản thân người dạy cũng tự liên kết kiến thức (tích hợp liên môn) trong quá trình giảng dạy để khơi gợi hứng thú cho HS”.

Sự tích hợp ấy sẽ mang tính sáng tạo - một sự sáng tạo nhạy bén, phù hợp với từng đối tượng HS và chắc chắn nó hay hơn việc dựa trên một chuẩn mẫu nào đó từ sách vở hay chương trình.

Tuy nhiên, theo thầy Hải, chương trình tích hợp ấy cũng tạo áp lực lớn cho rất nhiều GV hiện nay. Kiến thức liên môn không có, nên để dạy được theo yêu cầu của chương trình, bản thân GV phải tìm tòi, nghiên cứu và mất nhiều thời gian tiêu hóa kiến thức thì mới dạy được.

Bởi không phải GV dạy sử, địa nào cũng yêu thích văn chương, hay có kiến thức văn học để việc tích hợp diễn ra một cách suôn sẻ. Nếu không, việc dạy học theo hướng tích hợp sẽ theo xu hướng “diễn”, chưa chắc GV nắm được vấn đề mình đang tích hợp. “Dạy theo hướng này, với các môn xã hội thì may ra nhưng với toán, lý, hóa thì đòi hỏi GV phải có ba đầu sáu tay”, thầy Hải nhận định.

Năng động và nhạy bén với vấn đề đổi mới, thầy Huỳnh Minh Tâm, một GV dạy toán tại một trường THPT ở TP.HCM, cho biết: vấn đề tích hợp cũng phức tạp không kém đối với các môn tự nhiên. Trước xu hướng ứng dụng thực tế, GV phải chịu khó tìm tòi, góp nhặt để đưa vào bài giảng, tạo thói quen tiếp nhận và ứng dụng kiến thức vào thực tế cho HS. Tuy nhiên, để làm được điều này, cần sự đầu tư và chuẩn bị rất kỹ từ phía người dạy thì mới mang lại hiệu ứng tốt đối với HS.

Day tich hop: de theo xu huong 'dien'

Trông chờ vào tập huấn: chưa đủ!  

Cái quan trọng là kỹ năng, kiến thức liên môn của GV, nếu không chương trình sẽ mang tính gượng ép - ý kiến của thầy Nguyễn Hồ Hải hoàn toàn có cơ sở khi chuẩn đầu vào của phần đông sinh viên sư phạm hiện nay chưa cao. Rất nhiều giảng viên các môn xã hội (văn, sử, địa) tại các trường cao đẳng, đại học sư phạm cám cảnh thở dài khi số sinh viên thật sự yêu nghề đếm trên đầu ngón tay. Đó là chưa bàn đến chuẩn kiến thức, chuyên môn đầu ra.

Chuyện một giáo viên dạy văn không thuộc chính tác phẩm mình đang dạy là “chuyện bình thường ở huyện”, chưa kể những kiến thức địa lý khác. Từng có GV ngây thơ hỏi thành phố Quy Nhơn nằm ở khu vực nào trên bản đồ Việt Nam, hay cho rằng Tây Nguyên giáp biển... Đó cũng là điều trăn trở của những nhà làm giáo dục khi đưa ra chương trình mới. 

Khẳng định đội ngũ GV là một trong những nhân tố quan trọng quyết định sự thành công của chương trình, giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có sự chuẩn bị chu đáo trong việc kiểm tra, đánh giá đội ngũ hiện nay xem có đáp ứng được chương trình mới, cần thêm những gì để dạy tốt chương trình, từ đó có kế hoạch và chuẩn bị chu đáo trong đào tạo mới nguồn nhân lực và tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho lực lượng GV hiện nay. 

Rõ ràng, khi đưa ra chương trình theo hướng tích hợp, những nhà làm giáo dục đang trông đợi sự thay đổi từ những đợt tập huấn. Tuy nhiên, kiến thức là sự tích lũy của cả một quá trình chứ không phải qua vài đợt tập huấn mà có đủ để đáp ứng sự đòi hỏi của chương trình.

Cũng theo thầy Nguyễn Hồ Hải, lớp tập huấn chỉ có thể giúp GV xem lại phương pháp giảng dạy, cách tổ chức lớp học, còn kiến thức thì dường như không can thiệp được trong một sớm một chiều.

Khó khăn là vậy, tuy nhiên, chương trình mới theo dự kiến sẽ được áp dụng trong khoảng thời gian 1-2 năm tới. Trong khi đó, hiện nay vẫn chưa có sách giáo khoa mang tính tích hợp, GV hầu hết không được đào tạo các phương pháp dạy học tích hợp nên chưa thực hiện được hoặc đã áp dụng nhưng hiệu quả chưa cao.

Ngay cả các trường sư phạm - đơn vị gánh vác trách nhiệm quan trọng trong việc hiện thực hóa chương trình mới cũng chưa hoàn toàn thống nhất việc thay đổi phương pháp giảng dạy theo hướng tích hợp cho sinh viên sư phạm, mặc dù vấn đề đã manh nha từ vài năm trước. “Việc dạy tích hợp trong đào tạo sinh viên sư phạm hiện nay còn phụ thuộc vào ý thức của từng giảng viên và còn nặng lý thuyết”, giảng viên của một trường đại học sư phạm cho biết. 

Thu Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI