Đa dạng 'cửa' xét tuyển: Tăng cơ hội cho thí sinh

05/12/2018 - 09:37

PNO - Xét tuyển bằng nhiều phương thức, mở thêm đợt thi đánh giá năng lực, thử thêm phương thức xét tuyển mới… sẽ là những điểm mới của mùa tuyển sinh đại học 2019.

Các trường đại học đang mở rộng cơ hội để thí sinh được tự chủ hơn trong việc vào đại học, đồng thời cũng giúp các trường tăng khả năng lựa chọn người học phù hợp.

Mở rộng cửa xét tuyển

Trong cuộc bàn thảo về phương hướng tuyển sinh 2019, Đại học (ĐH) Quốc gia TP.HCM dự kiến dành 40% tổng chỉ tiêu (khoảng 16.000) xét tuyển từ kết quả kỳ thi đánh giá năng lực. Theo ĐH Quốc gia TP.HCM, từ năm 2019 ĐH này sẽ có một số thay đổi trong phương thức xét tuyển phù hợp hơn để thích ứng với yêu cầu xã hội. Đa dạng phương thức tuyển sinh hướng đến mục tiêu tuyển chọn được thí sinh giỏi, đúng năng lực, có nguyện vọng học tập và đáp ứng nhu cầu của các ngành đào tạo, nhất là các ngành đào tạo đặc thù như y dược, kiến trúc.

Các trường ĐH thành viên của đơn vị này sẽ tuyển theo bốn phương thức chính: xét tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia, ưu tiên xét tuyển theo quy định ĐH Quốc gia TP.HCM, tuyển thẳng và xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD-ĐT, xét tuyển theo kết quả thi đánh giá năng lực.

Riêng đối với phương thức ưu tiên xét tuyển các trường THPT top 100 có điểm thi THPT quốc gia tốt nhất, ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ rà soát danh sách các trường này. Những trường có kết quả thi THPT quốc gia đi xuống trong ba năm 2016, 2017, 2018 sẽ bị đưa ra khỏi danh sách này và những trường có kết quả tốt hơn sẽ được cập nhật đưa vào danh sách. Những trường ĐH thành viên sẽ sử dụng bằng cấp quốc tế để xét cho các chương trình đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh, ví dụ như kết quả thi tú tài quốc tế và một số kết quả tuyển sinh chung của thế giới. 

Da dang 'cua' xet tuyen: Tang co hoi cho thi sinh
Kỳ thi đánh giá năng lực do Trường đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TP.HCM) tổ chức

Nếu như ở đợt tuyển sinh vừa qua, các trường thành viên của ĐH Quốc gia chỉ sử dụng 10-20% chỉ tiêu xét theo kết quả đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia tổ chức thì sang năm thứ hai, các trường mạnh dạn dành đến trên dưới 40% chỉ tiêu để xét theo tiêu chí này. Ngoài ra, những trường ĐH bên ngoài cũng bắt đầu thử nghiệm xét theo phương thức mới mẻ này. 

Thạc sĩ Phùng Quán, Trưởng phòng Thông tin tuyển sinh Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết: trường đang tính toán sẽ dành 20% chỉ tiêu để tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo tiêu chí của ĐH Quốc gia TP.HCM, 80% còn lại tuyển từ điểm thi THPT quốc gia và thi đánh giá năng lực. Trong đó, trường đang cân nhắc dành 25-40% để xét từ kết quả đánh giá năng lực. 

Ngoài ra, năm nay, trường không tuyển sinh bậc cao đẳng, thay vào đó, sẽ mở thêm các ngành chất lượng cao cho ngành sinh học, khoa học vật liệu… để người học có nhiều lựa chọn hơn. 

Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, cho biết: “Chúng tôi dự kiến dành 10% chỉ tiêu xét tuyển theo kết quả thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM. Tất nhiên, trường chỉ mới thử nghiệm cho tám ngành là: công nghệ thực phẩm, đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm, công nghệ hóa học, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, kế toán, quản trị kinh doanh và ngôn ngữ Anh. Phần lớn chỉ tiêu còn lại đều xét theo các phương thức truyền thống: 80% chỉ tiêu xét từ điểm thi của kỳ thi THPT quốc gia 2019, 10% xét từ kết quả học bạ ba năm THPT của thí sinh”.

Không phụ thuộc vào một kỳ thi

Khi bàn về tính hiệu quả của kỳ thi THPT quốc gia, phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Hội Nghĩa, nguyên Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cho rằng: không nên quá phụ thuộc vào một kỳ thi và xem nó là phương thức tuyển sinh xuyên suốt và duy nhất. Theo ông, mỗi năm có thể tổ chức đánh giá năng lực 2-4 lần để tăng tối đa cơ hội cho thí sinh như ở các nước phát triển. Điều này giúp thí sinh có quyền thi để trải nghiệm, để cải thiện kết quả, linh động chọn thời điểm để xét tuyển vào ĐH khi chuẩn bị đủ điều kiện. Chứ như hiện nay, 12 năm học chỉ trông chờ vào vài ba ngày thi thì quá mạo hiểm và cũng không đánh giá chính xác năng lực người học.

Trường ĐH Kinh tế TP.HCM dự kiến sẽ tổ chức kỳ thi UEH-GAT mỗi quý một lần, tạo cơ hội cho thí sinh có thể dự thi nhiều lần trong năm để cải thiện kết quả, tăng cơ hội trúng tuyển. Thậm chí, trước khi tốt nghiệp THPT, thí sinh vẫn được quyền đăng ký dự kỳ thi này. Để tránh thí sinh phải di chuyển xa, kỳ thi này sẽ được tổ chức ở các khu vực: Bắc Trung bộ, duyên hải Nam Trung bộ, Tây Nguyên, TP.HCM và Tây Nam bộ.

Gần hơn, ngay trong kỳ tuyển sinh 2019, ĐH Quốc gia TP.HCM dự kiến sẽ tổ chức hai đợt thi đánh giá năng lực, một đợt trước kỳ thi và một đợt sau kỳ thi THPT quốc gia. Ngoài ra, kỳ thi đánh giá năng lực 2019 sẽ được tổ chức tại các cụm thi TP.HCM, Cần Thơ, Quy Nhơn và dự kiến mở rộng thêm một số cụm thi tại các tỉnh Đông Nam bộ. 

Tiêu Hà 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI