Cử nhân đi học... trung cấp

22/08/2016 - 12:31

PNO - Thông tin từ nhiều trường trung cấp nghề và trung cấp chuyên nghiệp cho biết, trong 4-5 năm nay, hiện tượng cử nhân, thậm chí là thạc sĩ, trở lại học trung cấp rất phổ biến.

Không tìm được việc làm nên nhiều lao động phải xoay xở để chuyển đổi nghề. Thông tin từ nhiều trường trung cấp nghề và trung cấp chuyên nghiệp (gọi tắt là trường nghề) cho biết, trong 4-5 năm nay, hiện tượng cử nhân, thậm chí là thạc sĩ, trở lại học trung cấp rất phổ biến. Bạn Nguyễn Tư Hoa, 23 tuổi, đã tốt nghiệp cử nhân ngành công nghệ thông tin một trường ĐH tại TP.HCM, hiện đang trở lại học nghề du lịch khách sạn tại Trường Trung cấp Du lịch và khách sạn Saigontourist, cho biết: “Trước em học ĐH ngành công nghệ thông tin là theo ý muốn của cha mẹ chứ bản thân không thích. Ra trường đi làm em cảm thấy không thích thú và khó mà thành công nên quyết định quay trở lại học ngành này”.

Ông Đặng Quốc Hòa, Phó hiệu trưởng Trường Trung cấp Du lịch và khách sạn Saigontourist thông tin: có khoảng 30% trong số 500 chỉ tiêu tuyển vào trường hằng năm là những người đã tốt nghiệp ĐH, CĐ và thậm chí có cả thạc sĩ. Tương tự, tại Trường Trung cấp Bách Khoa TP.HCM tỷ lệ này chiếm hơn 30% trong khoảng 1.000 chỉ tiêu. Thống kê sơ bộ tại Trường Trung cấp nghề Việt Giao và Trường Trung cấp Công nghệ thông tin Sài Gòn, tỷ lệ người có bằng cử nhân vào học nghề là 20%. Những đối tượng này thường được các trường đào tạo theo một chương trình rút ngắn từ hai năm còn một năm để tiết kiệm thời gian và chi phí.

Cu nhan di hoc... trung cap
Không tìm được việc, nhiều lao động phải xoay xở chuyển đổi nghề (ảnh chụp Hội chợ việc làm tại TP.HCM)

Ông Đặng Quốc Hòa lý giải: “Doanh nghiệp rất ngại khi tuyển người có bằng cấp cao vào làm phục vụ buồng phòng, lễ tân nên người lao động phải đi học nghề. Thứ hai, học nghề để có nghề thì mới có cơ hội làm việc. Thứ ba, các trường nghề thường có sẵn mối quan hệ với nhiều công ty, khách sạn, nhà hàng… nên ra trường thường rất dễ xin việc thay vì phải nộp hồ sơ rồi chờ xét”.

Ông Đặng Văn Sáng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Bách Khoa TP.HCM - bổ sung: “Nhiều người quay trở lại học nghề là vì học xong ĐH nhưng khi đi làm không thích thú với nghề đã chọn; hoặc đang học ĐH nhưng thấy chán nên bỏ ĐH đi học nghề; hoặc học ĐH ngành này nhưng ra trường lại làm ở một ngành khác nên phải học nghề để bổ sung kiến thức. Nhưng phần đông là học nghề để chuyển đổi ngành nghề”.

Ông Trần Phương, Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Việt Giao phân tích: “Cũng đào tạo những ngành nghề rất cụ thể như du lịch, khách sạn nhà hàng hay lễ tân, nhưng trường ĐH chỉ dạy chung chung, cái gì cũng dạy, và SV ra trường không biết làm gì, vì vậy các em phải quay lại học nghề. Trong hai cuộc thi thay nghề thợ trẻ và “HSSV giỏi nghề toàn thành” vừa rồi đã cho thấy điều đó, HS các trường nghề đoạt giải hầu hết”.

Học phí bậc ĐH công lập hiện vào khoảng từ 13-17 triệu đồng/năm tùy trường; hơn 20 triệu đồng/năm đối với các trường ĐH tư thục và sẽ tiếp tục tăng mạnh trong những năm tiếp theo. Nếu cộng cả các khoản sinh hoạt phí khác như ăn, ở, đi lại, sách vở… thì chi phí tiết kiệm cho một năm học ĐH hiện vào khoảng 60 triệu đồng.

Đây là một khoản chi không hề nhỏ, đó là chưa kể chi phí về thời gian và cơ hội. Bởi thế, ông Hòa cho rằng: người đi học cần phải suy nghĩ kỹ trước khi chọn lựa ngành nghề, bậc học, thậm chí là phải tìm hiểu kỹ xem trường mình có ý định vào học dạy cái gì, dạy như thế nào… để tránh sai sót và lãng phí. Ngoài ra, bản thân người đi học cũng phải thay đổi, ngoài những gì được học ở trường cần phải mạnh dạn tự tìm kiếm cơ hội học tập thực tế cho mình chứ đừng thụ động.

Mỗi năm các trường Đại học cho "ra lò" 400.000 "sản phẩm"

Hiện cả nước có khoảng 480 trường ĐH, CĐ, tăng gấp đôi so với thời điểm năm 2000. Hà Nội là địa phương có nhiều trường ĐH, CĐ nhất với hơn 110 trường, kế đến là TP.HCM với 74 trường.

Tại ĐBSCL, trước năm 2000 chỉ có ĐH Cần Thơ và An Giang thì đến năm 2015 có đến 17 trường ĐH và 26 trường CĐ. Hầu hết được nâng cấp từ các trường CĐ sư phạm địa phương thành trường ĐH trực thuộc tỉnh. Trong số 15 trường ĐH thành lập mới có năm trường ĐH ngoài công lập.

Trước năm 2000, khu vực Đông Nam bộ (không tính TP.HCM) chỉ có hai trường ĐH ngoài công lập là Lạc Hồng và Bình Dương, nhưng đến năm 2015, khu vực này có đến 14 trường ĐH, trong đó khoảng một nửa là trường ĐH ngoài công lập.

Mỗi năm các trường ĐH cho “ra lò” khoảng 400.000 “sản phẩm”. Hiện tỷ lệ sinh viên của nước ta rất cao (khoảng 250 sinh viên/10.000 dân), vượt mức trung bình của thế giới. Trong khi con số cử nhân thất nghiệp ngày càng tăng thì có trên 75% số học viên tốt nghiệp các trường trung cấp, CĐ nghề có việc làm ngay, nhưng hệ thống trường này đang tuyển sinh khó khăn.

Minh Nhật

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI