Con trở thành cá biệt, bị “ghẻ lạnh” vì bố mẹ... chưa kịp đóng tiền

17/09/2016 - 06:30

PNO - Vấn đề đầu tiên của đầu năm học không phải là dạy gì, học gì mà là đóng góp những khoản gì.

Cay đắng vấn đề “đầu tiên – tiền đâu” khi họp phụ huynh

Khai giảng năm học, nhận được thư mời từ nhà trường, nhiều bố mẹ không khỏi háo hức vì được gặp mặt thầy cô và các bậc phụ huynh khác để chia sẻ về các con, về chương trình học trong buổi họp đầu tiên. Nhưng cái niềm hứng khởi ấy thường bị dập tắt ngay tức thì khi thầy cô chủ nhiệm nhỏ nhẹ thông báo về những khoản đóng góp đầu năm.

Các bậc phụ huynh hầu như đều băn khoăn rất nhiều về những khoản thu nghe qua thì lý do rất chính đáng nhưng ngẫm kỹ thì lại rất mập mờ. Một bảng danh sách rành rọt đến từng chi tiết được liệt kê ra, nào tiền học phí, xây dựng cơ sở vật chất, vệ sinh, bảo hiểm, hội phí, phụ đạo... cộng lại thành một khoản đủ để khiến các bậc bố mẹ toát mồ hôi hột.

Thật không hiểu sao, vấn đề đầu tiên của đầu năm học không phải là học gì, dạy gì mà là đóng góp những khoản gì. Bố mẹ thay vì được trang bị những kiến thức, thông tin về quá trình học tập trong năm học mới của con, thì lại phải lo lắng nghĩ cách đi xoay xở để đủ tiền đóng góp cho con.

Trong đó có những khoản lạm thu, những vấn đề nổi cộm lên rành rành về sự vô lý như tiền hội phí, tiền bảo hiểm tự nguyện... đã được Bộ GDĐT quy định là tự nguyện nhưng với nhà trường thì đó luôn là những khoản bắt buộc.

Nỗi sợ hãi vì con mình là... học sinh cá biệt

Phụ huynh vì sợ con em mình bị “đì”, bị nhà trường ghét nên luôn ngậm bồ hòn làm ngọt, cố gắng đi vay mượn để đóng cho con. Chẳng may bố mẹ nào có hoàn cảnh gia đình khó khăn hơn một chút, thì thật sự luôn thiếu tự tin khi đứng trước thầy cô giáo. Bởi vì cho dù con cái họ ở nhà lúc nào cũng ngoan, tinh thần học tập luôn lên cao, thì vẫn sẽ bị thầy cô đối xử khác biệt ở trên lớp. Nếu như bố mẹ nếu lỡ... thiếu tiền.

Con tro thanh ca biet, bi “ghe lanh” vi bo me... chua kip dong tien
Ảnh minh họa

Bố mẹ chưa có tiền nộp tiền học, chưa có một khoản lót tay để “trăm sự nhờ cô giáo” là y như rằng con mình bị đối xử một cách thờ ơ. Các em học sinh thơ ngây đôi khi bị ghẻ lạnh, không được quan tâm trong các buổi học, phải nhận những sự chỉ trích, khích bác không đáng có mà chẳng hiểu nguyên nhân tại làm sao.

Vô hình chung điều này đã tạo nên một sự tổn thương sâu sắc trong tâm hồn non nớt của các em. Những điều này, các bậc cha mẹ luôn lờ mờ hiểu rõ, vì vậy, họ luôn mang trong mình nỗi sợ hãi mơ hồ với “vấn đề đầu tiên” trong các buổi họp phụ huynh. Đây rõ ràng là một vấn nạn tiêu cực luôn có thật trong hệ thống giáo dục nước nhà.

Bao giờ mới hết lạm thu?

Như thể đến hẹn lại lên, chuyện đóng góp các loại phí đầu năm học trở thành vấn đề nhức nhối, đau đầu các bậc phụ huynh và các nhà làm luật trong ngành. Nhưng cho đến nay, vẫn chưa có giải pháp nào khiến tất cả những rắc rối này trở nên triệt để hơn được. Không ít nhà trường, thầy cô vẫn luôn nghĩ cách tìm ra những khoản tiền nghe qua thì rất có lý, nhưng nghĩ kỹ lại chẳng hợp tình chút nào như: quỹ trường, tiền mua bình nóng lạnh, điều hòa, quỹ an ninh trật tự, làm sổ liên lạc…

Con tro thanh ca biet, bi “ghe lanh” vi bo me... chua kip dong tien
Ảnh minh họa

Bởi mỗi năm nhà trường đều được cấp kinh phí hoạt động, cơ sở vật chất đã được ngân sách đảm bảo xây dựng và trang bị theo tiêu chuẩn từng cấp học, bậc học. Nhưng đáng buồn thay, những khoản thu chi này chưa bao giờ có cơ hội được trở nên minh bạch, rõ ràng với các bậc phụ huynh.

Cũng nực cười thay, khi tiêu điểm của giáo dục là giáo dục các em học sinh. Nhưng nó lại bị biến tướng, khi vấn đề chính trong không ít những buổi họp phụ huynh là để thông báo và thông qua danh sách dài các khoản đóng góp đầu năm. Và thường thì phụ huynh bao giờ cũng phải lặng lẽ chịu thua, chấp nhận tất cả những khoản nhà trường đưa ra vì sợ con mình trở thành... học sinh cá biệt.

Chắc chắn một điều rằng, bao giờ vấn đề đầu tiên của mỗi năm học vẫn là “tiền đâu” thì ngành giáo dục vẫn chưa thể đi lên, phụ huynh vẫn chưa thể hết khổ và các em học sinh vẫn chưa thể có được sự công bằng trong lớp học được!

Uyển Nhi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI