Cho điểm lạ như Trường THPT Giồng Ông Tố

16/06/2018 - 06:00

PNO - Giáo viên thỏa thuận với học sinh không cần có điểm kiểm tra miệng. Học sinh thi lại điểm thấp được nâng lên là những cách chấm điểm đã diễn ra tại Trường THPT Giồng Ông Tố (TP.HCM).

Sửa điểm vì học trò?

Kết thúc năm học 2016-2017, trường THPT Giồng Ông Tố có 18 học sinh (HS) thi lại môn toán. Đợt chấm ban đầu do hai giáo viên (GV) Phạm Đình Linh Giang và Ngô Thị Thanh Trang chấm. Nhưng sau đó, những bài thi này được chấm lại. Sau vòng chấm lại, kết quả có năm bài thi đạt điểm số 2,25 đến 3,25 điểm đều được “hô biến” thành 3,5 điểm.

Một bài thi khác có “số phận” long đong khi kết quả điểm thay đổi đến ba lần, từ 4 điểm được sửa thành 3,25 điểm và sau đó “chốt hạ” ở 3,5 điểm. Trong đợt thi lại này, duy nhất một bài bị hạ điểm từ 3,25 xuống còn 2,75. Phiếu điểm thi lại và thậm chí ngay cả bài thi của HS cũng chi chít dấu hiệu có sửa điểm. 

Cho diem la nhu Truong THPT Giong Ong To
 

Cú “lội ngược dòng” của những bài thi lại đã khiến nhiều GV bất ngờ khi các em không đủ điểm đậu, nay đều đã ngồi vào lớp 11. “Thay đổi điểm hàng loạt bài thi tại sao lại không bàn bạc với giám khảo chấm vòng một? Việc chấm lại này có thông qua hội đồng, thông qua tổ toán đúng quy định hay là tự ý nâng? Đó có phải là chủ trương của nhà trường?”, một GV đặt vấn đề. 

Bà Võ Thị Huyền - Hiệu trưởng Trường THPT Giồng Ông Tố - cho biết: những vấn đề về chuyên môn trước đây được phân công cho một phó hiệu trưởng phụ trách. Vị này hiện đã chuyển công tác sang trường khác. Việc chấm thi lại môn toán năm học 2016-2017 được phân cho bốn GV.

Bài thi khối Mười ban đầu do cô Trang và cô Giang chấm, nhưng sau khi hai GV khác chấm dò lại thì thấy có độ chênh lệch điểm giữa hai lần chấm nên tiến hành chấm lại tất cả. Kết quả cũng có bài giảm điểm, bài tăng điểm, chứ không phải tất cả đều tăng. Theo bà Huyền, đợt thi lại này có hơn 20 em và kết quả có khoảng 6-7 em phải ở lại lớp. Bà cho biết, có thể cách làm chưa chuẩn nhưng vì học trò. 

Chúng tôi thắc mắc khi chấm lại vòng hai, nếu có sự chênh lệch điểm nhiều bài thì phải lập hội đồng để chấm cho chính xác? Bà Huyền thừa nhận không có đem ra chấm hội đồng mà chỉ thông tin sự việc này trong cuộc đối thoại của hội đồng sư phạm trường và cũng đã có báo cáo lên Sở GD-ĐT TP.HCM. 

Trao đổi với Báo Phụ Nữ TP.HCM chiều 14/6, ông Lê Duy Tân - Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở GD-ĐT TP.HCM - cho biết: sự việc đã được phòng thanh tra của sở thụ lý và làm việc. Theo ông Tân, các kỳ thi, kiểm tra quan trọng sẽ lập quy trình chấm hai vòng, dù chấm vòng nào cũng phải căn cứ vào đáp án để chấm. Nếu chấm lại vòng hai thấy có sự chênh lệch điểm thì phải có sự bàn bạc, thảo luận giữa các giám khảo để đi đến phương án chấm đúng nhất.

Giáo viên quên cho điểm kiểm tra miệng?

Cũng tại Trường THPT Giồng Ông Tố, dù năm học 2017-2018 đã kết thúc nhưng trong cột điểm kiểm tra miệng môn vật lý học kỳ I của lớp 12A10 hoàn toàn để trống. Theo các GV bộ môn, trong một học kỳ có thể không phải tất cả HS đều phải kiểm tra miệng nhưng ít nhất phải có 1/3 lớp có cột điểm này. 

Bà Võ Thị Huyền khẳng định: sau khi phát hiện sổ điểm của lớp 12A10 thiếu cột điểm kiểm tra miệng, nhà trường cho kiểm tra và khẳng định đây chỉ là sai sót nhỏ (!?). Sở GD-ĐT TP.HCM đã triển khai lưu trữ theo hồ sơ điện tử, nhưng do là năm đầu tiên nên trường cẩn thận làm thêm sổ lưu tay. Trong trường hợp này, GV có vô điểm đầy đủ ở sổ điện tử nhưng lại quên ghi vào sổ ghi tay. 

Thế nhưng, có thông tin cho rằng do phân phối chương trình môn vật lý một tuần chỉ có hai tiết không đủ thời gian để giảng bài nên GV đã thỏa thuận với HS không cần cột điểm kiểm tra miệng mà lấy điểm này tính vào điểm kiểm tra 15 phút cho HS. Cách làm này sẽ giúp HS có điểm khá hơn, khi trưng cầu ý kiến thì các em đồng ý. 

Gia Tuệ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI