Cả ngàn sinh viên có nguy cơ bị buộc thôi học và những lý do cũ kỹ

27/10/2018 - 07:00

PNO - Xin đừng xem con số sinh viên có nguy cơ bỏ học hay bị đình chỉ học là “chuyện thường ngày" nữa, nếu không muốn mỗi năm lại có thêm hàng loạt sinh viên bơ vơ trước quá nhiều ngã rẽ của cuộc đời.

Tuần qua, các trường đại học ở TP.HCM liên tục công bố danh sách sinh viên bị buộc thôi học, cảnh báo học vụ do có kết quả học tập kém, con số đã xấp xỉ cả ngàn.

Những ai thường xuyên theo dõi thông tin của ngành giáo dục, sẽ thấy đây là “chuyện thường ngày”, vì năm nào mà chẳng có một loạt sinh viên buộc phải nghỉ học. Học kém thì phải nghỉ thôi. Thế nhưng đằng sau con số “thường ngày” ấy lại không ít băn khoăn.

Ca ngan sinh vien co nguy co bi buoc thoi hoc va nhung ly do cu ky
Sinh viên ĐH Việt Nam. Ảnh minh hoạ.

Hầu hết số sinh viên bị buộc thôi học đều có điểm trung bình chung tích lũy quá thấp, không đủ điều kiện tiếp tục theo học. Không có gì bàn cãi với những sinh viên xem việc đã thi đậu được vào đại học thì chắc kiểu gì cũng tốt nghiệp, trong khi những năm gần đây, các trường đều mạnh tay “siết” đầu ra để đảm bảo chất lượng, một xu hướng của tất cả các trường đại học trên thế giới. Thậm chí nhiều sinh viên chỉ lo… bán hàng đa cấp kiếm tiền mà bỏ bê học hành. Điều đáng nói là trong số này, lại có những sinh viên từng là học sinh giỏi các cấp, điểm tuyển sinh đầu vào rất cao, thậm chí được tuyển thẳng. Vì sao như vậy?

Không ít những sinh viên tôi có dịp trò truyện, đều không hiểu vì sao mình chọn ngành đang học. Có bạn chọn vì ngành đó đang “hot”. Có bạn chọn vì ngành đó lấy điểm không cao, hễ thi là đậu. Có bạn nghĩ vào học đại học chỉ nhằm có cái bằng. Có bạn lại trả lời: “Em có chọn đâu, ba mẹ nói thi thì thi, học thì học thôi”… Và cả những đồng nghiệp của tôi, đến lúc đã có thâm niên hơn 20 năm trong nghề vẫn không biết vì sao mình chọn nghề đang làm.

Dĩ nhiên, sẽ có những trường hợp “nghề chọn mình”, nhưng hiếm lắm. Và càng hiếm hơn khi những sinh viên “giật mình” làm lại, vì công cuộc “làm lại” đó các bạn không chỉ bị hao tổn về thời gian, sức lực, tiền của mà có khi còn bị sức ép từ nhiều phía. Dù nhiều trường đại học tạo điều kiện để sinh viên được đổi ngành phù hợp với năng lực, sở thích mà không phải học lại từ đầu những môn trùng lắp.

Gốc của vấn đề này vốn không có gì mới. Ai cũng thấy nhưng không ai giải quyết: định hướng nghề nghiệp cho sinh viên ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Gần như học sinh cấp 3 không được định hướng chính xác nghề nghiệp, các em “mù tịt” không biết mình đam mê cái gì, có năng khiếu hay khả năng với ngành nghề nào. Chọn nghề mình theo suốt cuộc đời nhưng lại bị bỏ qua việc xem xét khả năng bản thân các em.

Nói đi thì cũng phải nói lại. Vẫn biết cảnh cáo học vụ, đình chỉ học tập là chuyện "đặng chẳng đừng" đối với các trường đại học. Nhưng các trường đã làm hết mình trong việc nâng cao chất lượng đào tạo để  giữ chân người học, giúp sinh viên nhận ra và duy trì đam mê với ngành học cũng như công việc sau này hay chưa?

Còn quá nhiều những tiết học lý thuyết nhàm chán, giáo trình cũ kỹ thay vì tạo ra nhiều sân chơi học thuật, các buổi nói chuyện với diễn giả, tạo hứng thú giữa việc học và hành…

Xin đừng xem con số sinh viên có nguy cơ bỏ học hay bị đình chỉ học là “chuyện thường ngày ở huyện” nữa nếu không muốn mỗi năm, lại có một loạt sinh viên “ra trường sớm” và bơ vơ không biết đi về đâu trước quá nhiều ngã rẽ của cuộc đời.

Trường ĐH Luật TP.HCM vừa công bố danh sách 169 sinh viên các lớp chính quy văn bằng 1 và 2 dự kiến bị cảnh báo học vụ, đình chỉ một năm hoặc buộc thôi học, trong đó 71 sinh viên có thể bị buộc thôi học vì kết quả học tập yếu kém.

Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM công bố danh sách gần 450 sinh viên bị buộc thôi học. Mỗi năm Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM buộc thôi học khoảng 400 sinh viên.

Mộc Miên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI