Bối rối khi con ở nhà thông minh, vô trường 'chậm tiêu'

16/09/2019 - 07:36

PNO - Không biểu hiện rõ ràng như những đứa trẻ khuyết tật trí tuệ, trẻ rối loạn học tập rất khó để bắt mạch, gọi tên. Để rồi đứa trẻ bị cho là lười học và bị giáo viên trách phạt, giao bài tập quá sức…

Không biểu hiện rõ ràng như những đứa trẻ khuyết tật trí tuệ, trẻ rối loạn học tập rất khó để bắt mạch, gọi tên. Đôi khi, cha mẹ, người thân, giáo viên hằng ngày tiếp xúc cũng không dễ nhận biết. Để rồi đứa trẻ bị cho là lười học và bị giáo viên trách phạt, giao bài tập quá sức, bắt học bài trong giờ giải lao… Những biện pháp đó vô hình trung khiến học sinh đã khó khăn về học tập lại càng khó khăn hơn.

Con thông minh nhưng không nhớ mặt chữ

Vốn là một cô bé lanh lợi, đối đáp thông minh, nhưng N.U.N., con chị Bạch Huệ Linh, đang học lớp Ba tại Trường tiểu học Võ Thị Sáu (Q.7), tiếp thu bài ở trường rất tệ. Suốt năm lớp Một, N. trầy trật mới học thuộc chữ cái, vần và đọc đúng những từ trong sách Tiếng Việt. 

Nghĩ con ham chơi, đầu năm lớp Hai, chị mời cô giáo về nhà dạy thêm cho con. Để “trị” sự “chậm tiêu” của N., cô giáo cho N. học trước bài sẽ học ở trường. Chuẩn bị bài chính tả cho thứ Năm, thì thứ Hai, N. được mẹ yêu cầu đọc bài chính tả trên 10 lần. Đến thứ Ba, cô giáo dạy kèm sẽ yêu cầu N. đọc lại bài trước khi đọc cho em viết.

Lần đầu tiên, N. sai phân nửa số chữ trong bài. Những lỗi sai được cô giáo gạch chân và yêu cầu N. tự nhìn vào sách, viết lại. Vậy mà đến hôm học tiết chính tả ở trường, N. viết sai chi chít. Chị Linh nhận thấy phương pháp “mưa dầm thấm lâu” cũng không giúp con cải thiện.

“Thế nhưng có những ngày, con bé viết rất tốt. Cả bài chỉ sai vài lỗi”, chị Linh cho biết. Tình hình tương tự với môn toán. Có hôm, N. làm đúng cả trang bài tập trong sự ngỡ ngàng của cô giáo. Nhưng ngày hôm sau, cô giáo đưa chính trang bài tập ấy và yêu cầu làm, N. lại ngơ ngác. “Tôi đã từng yêu cầu cô giáo phải mạnh tay hơn với con mình, thậm chí dùng roi vọt vì nghĩ rằng việc học tập bê trễ của con là do lười biếng”, chị Linh kể. Sau đó, chị đã hối hận khi biết rằng con bị rối loạn học tập.

Những trường hợp rối loạn học tập tương tự N. không ít. Cô Hoàng Điệp, giáo viên tiểu học tại một trường quốc tế, cho biết: “Tôi đã mất đúng một học kỳ để giúp một cậu học sinh thuộc được chữ “b” và “e”. Điều đặc biệt là cậu học sinh này nhớ rất nhanh mặt chữ. Hôm đầu tiên, chỉ cần cô đọc qua một lần đã nhớ ngay và lặp lại chính xác, cả khi ghép vần và thêm dấu. Nhưng ngày hôm sau, chữ “bé” hoàn toàn xa lạ với cậu.

“Tôi phải nhắc lại mỗi ngày chữ ấy bằng nhiều cách, từ đọc thơ đến việc hát những bài hát, chơi trò chơi có chữ “bé”. Bài học mới vẫn phải tiếp tục bên cạnh việc chấp nhận để cậu học trò quên một số từ đã học, vì những bài học sau, chúng ta có cơ hội nhắc lại khi từ cũ xuất hiện. Mất đúng một học kỳ, cậu học sinh mới thôi quên chữ “bé”…”, cô Điệp kể.

Boi roi khi con  o nha thong minh,  vo truong 'cham tieu'
Nhiều trẻ khá vất vả để nhớ mặt chữ. Ảnh: H.Nguyễn

Rối loạn học tập biểu hiện dưới nhiều dạng khác nhau. Có em đọc rất tốt nhưng toàn viết ngược; có em không giữ được sự tập trung quá 15 phút, thường đập bàn và đứng dậy nhảy nhót ngay trong lớp học; có em cáu giận đến mức xé vở, tự xỉ vả mình khi không thể học tốt một môn nào đó... Để khắc phục và điều chỉnh những hành vi này, theo cô Điệp, “cần rất nhiều thời gian và quan trọng là giáo viên phải hiểu được tâm lý học sinh trên nguyên tắc tránh những hành động dồn ép khiến các em trở nên thù ghét điểm yếu của mình”. 

Khó nhận biết

Học sinh bị rối loạn học tập vẫn có trí thông minh từ mức trung bình cho đến cao, điều này khác hẳn với trẻ chậm phát triển trí tuệ, chỉ số IQ luôn thấp hơn bình thường. Chính vì vậy, việc nhận diện và xác định học sinh bị rối loạn học tập không dễ, nhất là đối với giáo viên không được đào tạo về giáo dục trẻ đặc biệt. 

Rối loạn học tập đang là hiện tượng phổ biến trong các trường học, biểu hiện này có nhiều và rõ nhất ở cấp tiểu học, nhưng điều này chưa được lưu ý đúng mức. Bên cạnh đó, nhiều trường hợp bị rối loạn học tập nhưng không tìm ra nguyên nhân. 

Ở góc độ y khoa, bác sĩ Phan Thiệu Xuân Giang, Trường đại học Y Dược TP.HCM, cho biết: đó là rối loạn liên quan đến việc hiểu và sử dụng ngôn ngữ viết hay nói. Biểu hiện dưới dạng không tương ứng giữa tuổi và mức độ khả năng của trẻ trong việc đạt được một hay nhiều lĩnh vực học tập: biểu lộ bằng lời nói, nghe và hiểu, đọc, viết hay làm toán. Thí dụ, nếu trẻ học hết lớp Một mà không thể thực hiện phép tính cộng trừ trong phạm vi 10, hết lớp Ba không thể làm toán khi không cần que tính, hết lớp Năm chưa thể đọc trơn tru thì có khả năng mắc chứng rối loạn học tập.

Theo bác sĩ Phan Thiệu Xuân Giang, khoảng 10-15% dân số trong tuổi đến trường mắc rối loạn học tập. Trong đó, rối loạn đọc là dạng thường gặp nhất, chiếm khoảng 80%. Không có sự khác biệt về giới tính, trẻ nam có khuynh hướng biểu lộ đi kèm như gây hấn, rối loạn cư xử và thường được gửi đi khám nhiều hơn so với trẻ nữ và thường được phát hiện nhờ nhà trường và gia đình nghi ngờ mắc các chứng bệnh khác như tăng động, kém phát triển… rồi đưa đi khám. 

Các nhà nghiên cứu của Khoa Giáo dục đặc biệt, Trường đại học Sư phạm TP.HCM, nhấn mạnh: chính giáo viên cũng không biết hoặc không có hiểu biết chính xác về đối tượng học sinh bị khuyết tật học tập. Nhiều người còn cho rằng học sinh khó khăn về tiếp thu kiến thức là do khuyết tật trí tuệ, lười học, gia đình không quan tâm... Từ đó, giáo viên đưa ra nhiều biện pháp giúp đỡ không phù hợp như trách phạt, giao bài tập quá sức, bắt học bài trong giờ giải lao... Những biện pháp đó vô hình trung khiến học sinh đã khó khăn về học tập lại càng khó khăn hơn. 

Theo các chuyên gia, học sinh bị rối loạn học tập cần được phát hiện đúng, để được xác định nguyên nhân và điều trị. Quan trọng hơn, những học sinh này cần môi trường giáo dục hòa nhập thật sự. Sự hòa nhập là quá trình chủ động xác định những rào cản mà người học gặp phải khi tiếp cận các cơ hội giáo dục chất lượng và sau đó loại bỏ những rào cản đó. 

Coi chừng đẩy học sinh đến sợ hãi việc học

Cô Hoàng Điệp kể lại hành trình “kéo” một học sinh từ chán ghét môn học, bản thân, trở về bình thường: “Có cậu học sinh lớp Một rất ghét học môn tiếng Anh. Khi không làm bài được, em thường xé vở, la hét, đập bàn và lao ra khỏi lớp. Có lần em đòi nhảy lầu, miệng liên tục nói: “Tôi ngu quá, vậy mà không làm được, tôi muốn chết”.

Tôi đã phải giao lớp lại cho giáo viên chính, còn bản thân theo sát cậu học sinh. Khi em đã bình tĩnh trở lại, tôi mới cầm một ngón tay của em học sinh lên bẻ khớp. Cậu bé nhăn nhó rụt tay lại và la lên: “Đau quá!”. Tôi nói “khi nhảy xuống kia, tay sẽ bị gãy, còn đau hơn nhiều nữa”. Cảm giác sợ đau khiến cậu học sinh bất chợt rùng mình khi nhìn xuống phía dưới. 

Những lần sau, khi tôi giao bài tập, em học sinh đó hỏi: “Tại sao bài của em không giống bài của các bạn?”. Tôi giải thích với em rằng, mỗi người chúng ta có một khả năng riêng và bài tập sẽ phù hợp với từng người. Em chấp nhận và làm bài tập của riêng mình. Bằng cách đó, chúng tôi đã dần dần điều chỉnh cảm xúc của em, khiến em không còn cảm thấy chán ghét bản thân nữa. 

Đối với học sinh lứa tuổi tiểu học, điều chúng ta nên hướng đến là giúp các em điều chỉnh hành vi, hình thành nhân cách, phát hiện kỹ năng bản thân hơn là đặt ra những mục tiêu về kiến thức. Việc chúng ta chấp nhận những khiếm khuyết về học tập, ở một góc độ nào đó sẽ tạo điều kiện cho sự thay đổi từng ngày hơn là việc dồn ép để các em phải đạt đến một giới hạn mà gia đình hoặc nhà trường mong muốn. Làm như thế chỉ khoét sâu vào khiếm khuyết, khiến các em ngày càng sợ hãi việc học tập mà thôi”. 

 Thu Lê - Gia Tuệ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI