Bộ GD-ĐT muốn độc quyền sách giáo khoa?

24/09/2018 - 06:24

PNO - Chưa đầy một năm nữa, nền giáo dục phổ thông quốc gia sẽ bước qua một cột mốc mới, đó là việc chính thức triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Cũng theo đó, bộ sách giáo khoa mới sẽ được áp dụng.

Để biên soạn sách giáo khoa (SGK) phải có chương trình khung. Thế nhưng, đến thời điểm này, Bộ GD-ĐT vẫn chưa công bố chương trình khung mới khiến các đơn vị, tổ chức, cá nhân có năng lực và có ý định tham gia biên soạn SGK theo tinh thần xã hội hóa của Nghị quyết 88 của Quốc hội không thể tham gia. Nhiều ý kiến nghi ngờ Bộ GD-ĐT đang “đi đêm” với nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam để độc quyền soạn và kinh doanh SGK. Nghi ngờ này là hoàn toàn có cơ sở.

Bo GD-DT muon doc quyen sach giao khoa?
Năm học tới sẽ triển khai chương trình - sách giáo khoa mới

TP.HCM là một trong những đơn vị hiếm hoi muốn tham gia biên soạn SGK theo hướng xã hội hóa lần này. Chia sẻ về tiến độ thực hiện, ông Đỗ Minh Hoàng - Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM - cho hay, đã chuẩn bị sẵn sàng nhưng phải chờ chương trình khung của Bộ GD-ĐT thì các nhóm biên soạn lập tức bắt tay vào việc. 

Vậy tại sao mãi đến giờ Bộ GD-ĐT vẫn chưa chịu công bố chương trình khung? Có nhiều giả thiết xung quanh “ẩn tình” này là: hoặc bộ chưa làm xong chương trình khung, hoặc đã có nhưng còn giữ riêng để trục lợi? Và với những gì được công bố thì giả thiết thứ hai có vẻ hợp lý hơn. Bởi lẽ, chỉ còn chưa đầy một năm học nữa là chương trình mới được triển khai, SGK mới được sử dụng thì vào thời điểm này không thể có chuyện chưa biên soạn SGK, tức là đã phải có chương trình khung.  

Cũng theo thông tin từ Sở GD-ĐT TP.HCM, từ năm 2016, Bộ GD-ĐT đã có văn bản đồng ý cho phép sở này phối hợp với nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam biên soạn SGK phục vụ việc dạy học ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam. Theo đó, Sở GD-ĐT TP.HCM sẽ tập hợp đội ngũ chuyên gia, học giả cùng các giáo viên trực tiếp giảng dạy có kinh nghiệm về đổi mới sáng tạo, hiểu học trò… để viết sách. Tương tự, phía Bắc cũng sẽ có một bộ SGK như thế. Đồng ý cho biên soạn SGK nhưng lại không cung cấp chương trình khung, trong khi bộ thì đang biên soạn SGK mới. Sự trớ trêu này khiến người ta hiểu rằng, bộ đang độc chiếm chương trình khung để viết SGK và tung ra chiếm lĩnh thị trường trước khi các tổ và cá nhân khác tham gia.

Thống kê cho thấy, SGK chiếm quá nửa thị phần của ngành xuất bản. Năm 2016, số lượng SGK phát hành của nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam chiếm tới 56,4% ngành xuất bản. Năm 2017, con số này là 50,4%. Trong khi ngành xuất bản vất vả để tồn tại thì nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam được trao quyền độc tôn một mình một cõi. Mỗi năm, hơn ngàn tỷ đồng được người dân chi ra để mua SGK… Những con số này cho thấy, nếu “độc quyền” được việc biên soạn và xuất bản SGK họ sẽ lãi to. Đó là chưa kể, biên soạn một lần nhưng có thể thu lợi dài hạn cho đến khi có đợt chỉnh lý, đổi mới khác.  

Một nhà giáo từng "có chân" trong hội đồng viết sách kể: “Lộ trình thực hiện sau khi hoàn thành công đoạn viết sách cũng nhiêu khê không kém công đoạn đi xin “cái gật đầu” cho quyền được biên soạn. Muốn tự làm SGK… khó nuốt lắm!”. Nói không độc quyền nhưng kiểm soát gần hết: xin chủ trương - chờ, chọn nhà xuất bản - chờ… chỉ định. Với “quy trình” này, phải còn lâu nữa, TP.HCM hay một nhóm biên soạn khác mới có thể cho ra được một bộ sách. 

Nhìn ra thế giới, tại mỗi bang của Mỹ, Úc hay nhiều nước khác có thể áp dụng một chương trình giáo dục phổ thông riêng với tiêu chuẩn đánh giá khác biệt. Ở các nước có nền giáo dục khai phóng, trường học - ông thầy - người học đều được quyền tự do học thuật, lựa chọn chương trình, phương pháp giáo dục, cách học phù hợp nhất để theo đuổi. Họ có thể không đến trường mà tự học tại nhà rồi chọn tham gia kỳ khảo thí…

Nhiều hình thức giáo dục bắt buộc phải uyển chuyển linh động để chuyện học của từng cá nhân được chủ động và phát triển tốt nhất theo mong muốn. Trong khi ở ta, đến SGK còn không được lựa chọn. Hàng triệu học sinh phải học cùng một chương trình, một bộ sách, một thước đo đánh giá… thì còn lâu mới vươn đến khái niệm tự do học thuật, tự do sáng tạo. 

Gia Tuệ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI