Bỏ chính quy theo tại chức: vẫn tốt!

19/08/2019 - 07:43

PNO - Gần đây nhiều bạn trẻ đã chọn học tại chức khi tìm thấy những lợi ích mà hệ chính quy không có.

Luật Giáo dục mới có hiệu lực từ ngày 1/7/2019 không còn phân biệt bằng cấp giữa các hình thức đào tạo đại học chính quy, vừa làm vừa học (tại chức); đồng nghĩa với việc không ghi hình thức đào tạo trong văn bằng. Nhưng không đợi tới khi luật có hiệu lực, gần đây nhiều bạn trẻ đã chọn học tại chức khi tìm thấy những lợi ích mà hệ chính quy không có.

Đậu chính quy vẫn học tại chức

Tại một quán cà phê khá đẹp ở Q.1, TP.HCM, Lê Ngọc Quỳnh Như với vai trò nhân viên phục vụ, đang trao đổi với hai vị khách nước ngoài để chốt thức uống mà họ đã gọi. Đây là công việc thường ngày từ 7g đến16g của Như.

Tranh thủ ba buổi tối trong tuần, Như đến lớp đại học (ĐH) tại chức ngành kế toán. Ít ai biết rằng Như đã đậu hệ chính quy nhưng em đã rẽ lối sang tại chức, vì: “học tại chức có thời gian học ngắn hơn nên có thể đi làm thêm, trau dồi nhiều kỹ năng, học hỏi từ cuộc sống”. 

Năm ngoái, chị của Như cũng tốt nghiệp ĐH tại chức ngành kế toán. Nhưng hiện nay, chị có công việc tốt với mức thu nhập khá cao và nhiều cơ hội phát triển nghề nghiệp. Điều đó cũng khiến Như tự tin với quyết định của mình.

Tương tự chị em Như, anh P.Đ.C., hiện đang công tác tại một tờ báo lớn ở TP.HCM, cũng chọn hệ tại chức để trở thành nhà báo. Anh P.Đ.C. rời quê lên TP.HCM, làm thêm rất nhiều việc, từ dạy thêm, phục vụ quán cà phê đến việc lân la làm cộng tác viên cho các tờ báo. Sau một thời gian cọ xát, cảm nhận công việc báo chí phù hợp với khả năng của mình, anh C. quyết định học ĐH báo chí.

Bo chinh quy theo tai chuc: van tot!

Thí sinh xem thông báo tuyển sinh hệ vừa làm vừa học tại Trường đại học Giao thông vận tải TP.HCM

Nếu học chính quy phải nghỉ làm nên cuối cùng, anh C. chọn học tại chức. “Việc học diễn ra vào những buổi tối trong tuần nên không ảnh hưởng đến công việc ban ngày. Chưa kể, kinh nghiệm thực tiễn từ công việc cộng tác viên cũng như phục vụ quán giúp tôi học rất nhanh”, anh C. cho biết. 

Về chương trình tại chức, anh C. nói: “không khác biệt nhiều so với chương trình chính quy bởi lượng kiến thức cơ bản yêu cầu như nhau. Điểm khác biệt là khi học tại chức, giảng viên sẽ chuyển tài liệu cho người học tự học nhiều hơn”. 

Anh C. đánh giá: “Trước thực tế đào tạo của nhiều trường khá nặng về lý thuyết, sinh viên ra trường phải đào tạo lại khiến doanh nghiệp thay đổi quan niệm trong tuyển dụng rất nhiều. Hầu hết doanh nghiệp hiện nay không quan tâm nhiều đến bằng cấp chính quy hay tại chức mà quan tâm đến kỹ năng của ứng viên. Do đó, sẽ có nhiều sinh viên theo xu hướng học tại chức vì cơ hội tích lũy kinh nghiệm từ thực tiễn cao”.

Cần đưa về một chuẩn

Từ phía đơn vị đào tạo, thạc sĩ Nguyễn Trọng Trung, phụ trách Trung tâm đào tạo thường xuyên, Trường ĐH Giao thông Vận tải TP.HCM, cho rằng: “Học hệ vừa làm vừa học có sự tương tác qua lại giữa những người cùng ngành, người đang làm việc trong cùng lĩnh vực muốn nâng cao chuyên môn nên hiệu quả rất cao”.

Tuy nhiên, xét về chất lượng, sự chênh lệch giữa hai hệ đào tạo là có. Thạc sĩ Nguyễn Văn Đương, Phó trưởng phòng Quản lý đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho biết: ở nhiều trường, chuẩn đầu vào hệ chính quy hiện rất cao, sinh viên học 8 giờ/ngày, trong khi hệ vừa làm vừa học chỉ học vài tiếng buổi tối. Lẽ ra, hệ vừa làm vừa học phải kéo dài thời gian đào tạo hơn hệ chính quy nhưng làm vậy sẽ rất khó tuyển sinh nên chừng mực nào đó phải chấp nhận chuẩn đầu ra của hai hệ có sự chênh lệch. 

Trong khi đó, tiến sĩ Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH FPT, cho rằng khi văn bằng không còn ghi loại hình đào tạo thì các trường phải nâng cao chất lượng, nếu không doanh nghiệp sẽ không chấp nhận và điều đó sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh của trường.

Thạc sĩ Trương Tiến Sĩ, giảng viên Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, cũng cho rằng trên thế giới, các trường ĐH chỉ có một chương trình đào tạo, một chuẩn đầu ra cho một bậc đào tạo. Sinh viên tích lũy đủ tín chỉ của chương trình thì được cấp bằng. Dù học theo loại hình đào tạo nào (liên thông, văn bằng 2, trực tiếp hay trực tuyến, từ xa...) thì cũng phải theo một chuẩn. Vì vậy, bằng cấp chỉ có một loại.

Theo các chuyên gia giáo dục, để chất lượng đầu ra hệ vừa làm vừa học và hệ chính quy cùng chuẩn thì cần quá trình chuyển biến, khi đó cả cơ sở đào tạo và người học quan tâm đến hiệu quả, chất lượng hơn là chỉ vì bằng cấp. 

Thu Lê - Trương Mẫn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI