Bi kịch của hàng ngàn học sinh bị mang tên... đần độn

04/09/2019 - 07:46

PNO - 14 năm đằng đẵng vừa làm mẹ vừa làm cô giáo để kèm con theo học đến lớp 12, nhiều lúc chị Hương cũng muốn buông xuôi khi thấy con mình bị chê đần độn, lẻ loi giữa những đứa trẻ bình thường.

Sáng 3/9, một phụ nữ lớn tuổi rụt rè đi vào Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật (số 108 Lý Chính Thắng, Q.3, TP.HCM) để hỏi thăm thủ tục khám sức khỏe cho đứa cháu. Cháu nội bà đang theo học tại một trường THCS ở Q.6, TP.HCM và chuẩn bị vào lớp Sáu. “Còn hai ngày nữa là khai giảng rồi. Nếu không có cái giấy công nhận khuyết tật gì đó chắc giáo viên sẽ lại mời phụ huynh lên mắng vốn như trước”, bà Nga chia sẻ.

Giật mình với số trẻ khiếm khuyết

Bà Nga cho biết, cháu bà trông bình thường như những đứa trẻ khác nhưng học lực không được tốt. “Cháu không tập trung được nên khi thầy cô giảng bài ở dưới cháu vẫn cứ làm việc riêng. Đặc biệt là môn tập làm văn, cháu không diễn đạt được như những đứa trẻ khác, hay dùng từ ngữ rất ngô nghê, ví dụ như miêu tả cái cây bị ngã thì cháu lại nói cái cây bị té”, bà Nga nói giọng buồn rầu. Ngoài rắc rối với môn tập làm văn, cháu bà lại còn không chịu học môn thể dục nên môn này năm nào cũng bị xếp loại yếu, dẫn đến xếp học loại chung cũng bị ảnh hưởng theo.

Dù có những biểu hiện đó nhưng suốt 5 năm qua, cháu bà Nga vẫn theo học bình thường như những đứa trẻ khác, gia đình chỉ thật sự lo ngại khi cháu bước vào cấp học mới. “Sợ việc học sẽ khó khăn hơn nên gia đình dẫn cháu đi khám và được tư vấn đến trung tâm này để được khám và cấp giấy chứng nhận khuyết tật. Nghe nói có tấm giấy chứng nhận này, giáo viên sẽ châm chước không bắt phải học như những đứa trẻ bình thường khác. Cũng mới nghe nói vậy thôi, chứ chưa biết sắp tới sẽ ra sao”, bà Nga nói trong lúc chờ tư vấn.

Ông Nguyễn Thanh Tâm, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật, cho biết trung bình năm nào cũng ghi nhận hơn 800 trường hợp trẻ bị khiếm khuyết về trí tuệ: “Mỗi năm, có khoảng 400 trường hợp phụ huynh đưa trẻ đến đây khám để cấp giấy chứng nhận. Còn lại 400 trường hợp trung tâm chủ động đến các trường để kiểm tra và xác nhận.

Bi kich cua hang ngan hoc sinh bi mang ten... dan don

Trẻ có dấu hiệu khiếm khuyết trí tuệ được hướng dẫn, trị liệu tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật TP.HCM - Ảnh trung tâm khuyết tật cung cấp.

Thành lập từ năm 2013 đến nay, ước tính trung tâm đã ghi nhận 5.000 trường hợp trẻ ở TP.HCM bị khiếm khuyết về trí tuệ. Đây là dạng khuyết tật nhẹ, trẻ không cần phải học ở trường chuyên biệt mà có thể học ở trường bình thường theo chương trình hòa nhập”. Ông Tâm cho biết thêm, hiện nay nhiều tỉnh, thành không có đơn vị có chức năng như trung tâm ông đang quản lý nên việc phát hiện học sinh khiếm khuyết về trí tuệ sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Nước mắt của những người mẹ

Do phải ở lại lớp hai năm nên mất 14 năm, con gái lớn của chị Hương (ở Q.Phú Nhuận, TP.HCM) mới học đến lớp 12. So với hai đứa con thứ, cô con gái đầu lòng của chị Hương kém thông minh hơn rất nhiều nên 14 năm qua, chị vừa làm mẹ vừa làm “giáo viên” để kèm con học.

Chị Hương bộc bạch: “Nhiều lần tôi thuê gia sư dạy con học nhưng không ai đủ kiên nhẫn để dạy cháu. Nhiều hôm đi làm về mệt muốn ngã quỵ nhưng tối đến tôi phải ráng kèm con học bài. Có những kiến thức mới, hồi xưa mình không được học, phải lên mạng tìm thông tin, mò mẫm học trước rồi mới biết cách chỉ con học theo. Có lúc mệt mỏi quá muốn bỏ cuộc, buông xuôi. Nhưng nếu mình không kèm con học thì chắc chắn con sẽ không theo học được”.

Dẫu vậy, nếu chỉ nhìn vào vóc dáng, rất khó có thể phát hiện được sự khiếm khuyết này. “Năm nay, cháu 20 tuổi, nhìn cũng ra dáng như bao thiếu nữ khác nhưng việc học lại bế tắc. Cháu tư duy rất chậm, diễn đạt cũng không tốt nên không biết học xong phổ thông, có học nổi đại học không. Rồi học xong, cũng chẳng biết cháu làm được việc gì để kiếm sống”, chị Hương đưa bức ảnh cô con gái cho chúng tôi xem, không giấu được lo lắng.

Khi con gái lên ba tuổi, chị đã nhận thấy có sự biểu hiện không bình thường nên đưa con đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 khám nhưng bác sĩ không xác định được cháu bị bệnh gì, chỉ nghi vấn bị khiếm khuyết về trí tuệ, không được thông minh.

“Đến khi cháu vào lớp Một, sự hạn chế về ngôn ngữ và tư duy càng lộ rõ. Học hết năm, cháu không thể làm toán và biết đọc thành thạo như những bạn trong lớp. Do đó, cháu phải ở lại lớp Một. Ráng kèm cháu học đến lớp Năm, lên lớp Sáu cháu lại không theo kịp chương trình, phải ở lại thêm một năm. Nhớ lại 14 năm đưa cháu đi học, nhiều lúc cháu bị bạn bè dè bỉu nói ngu đần, dốt nát, thậm chí có khi còn bị giáo viên hắt hủi mà đau thắt ruột gan…”, chị Hương nhớ lại, nước mắt ứa ra trên vẻ mặt rắn rỏi của người đàn bà ngoài tứ tuần.

Phải mất nhiều năm đưa con đi khám hết bệnh viện này đến bệnh viện khác, đến năm 2014, con gái chị Hương mới được UBND phường - nơi cư trú xác nhận khuyết tật về trí tuệ ở dạng nhẹ. “Từ khi có giấy chứng nhận này, cháu mới được thầy cô cảm thông. Dẫu vậy, việc học chung với các học sinh bình thường và nhiều môn học như hiện nay, cháu rất khó bắt kịp chương trình”, chị Hương cho biết thêm. 

Giống hoàn cảnh của chị Hương, khi phát hiện con mình có biểu hiện chậm phát triển trí tuệ, chị H. (nhà ở Q.10, TP.HCM) cũng gần như chết lặng. “Lúc nhỏ, tôi cũng cảm nhận được cháu không bình thường, chậm nói nhưng không nghĩ là cháu sẽ gặp khó khăn khi đi học. Khi cháu vào lớp Một, bị giáo viên gọi lên “mắng vốn” nói cháu bị đần độn không thể theo học được, tôi mới sững sờ. Năm nay, tôi phải cho cháu học lại lớp Một để xem cháu có tiến bộ hơn không. Thú thật, nếu cháu tiếp tục ở lại lớp gia đình cũng không biết tính sao”, chi H. rơm rớm nước mắt. 

Các bước xác định, hỗ trợ trẻ khiếm khuyết

Trao đổi với chúng tôi, nhiều phụ huynh ở TP.HCM có con em bị khiếm khuyết trí tuệ cho biết họ rất hoang mang vì không biết thủ tục xác nhận bệnh này ra sao để gửi giấy chứng nhận cho nhà trường. Mặt khác, khi trẻ được đưa đến trường, giáo viên cũng không có những kỹ năng cần thiết để dạy trẻ, làm cho trẻ dễ bị cô lập, có cảm giác bị bỏ rơi.

Ông Nguyễn Thanh Tâm cho biết, khi phụ huynh nhận thấy con em mình có biểu hiện không bình thường, nên đưa đến các bệnh viện có chuyên khoa như Bệnh viện Nhi Đồng để thăm khám. Sau khi khám ở bệnh viện, phụ huynh lấy giấy khám bệnh đến Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật để được tư vấn, hướng dẫn chẩn đoán bệnh và điều trị thêm, việc này thực hiện càng sớm càng tốt. 

Bi kich cua hang ngan hoc sinh bi mang ten... dan don

Trẻ có dấu hiệu khiếm khuyết trí tuệ được hướng dẫn, trị liệu tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật TP.HCM.

Ông Tâm giải thích thêm: “Trung tâm có chức năng phát hiện, chẩn đoán, đánh giá và can thiệp trị liệu cho trẻ. Với những trẻ bị khuyết tật nặng sẽ hướng dẫn đến các trường chuyên biệt (như dành cho người câm, người mù…). Với những trường hợp trẻ bị khiếm khuyết trí tuệ nhẹ sẽ giúp trẻ theo học những trường bình thường để hòa nhập. Cụ thể, trung tâm sẽ có bảng báo cáo kết quả đánh giá, trong đó đưa ra các gợi ý để hỗ trợ cho phụ huynh và giáo viên trong việc dạy trẻ, như hạn chế các tác nhân gây kích thích làm trẻ bị phân tán, mất tập trung, không nên gây áp lực cho trẻ bị khiếm khuyết…”. 

Theo ông Tâm, ngoài giấy xác nhận của trung tâm, căn cứ vào hồ sơ khám bệnh, trẻ bị khiếm khuyết còn được hội đồng của chính quyền cấp phường, xã xác nhận để làm các thủ tục cần thiết khi cần thực hiện các chính sách hỗ trợ liên quan. 

“Trẻ bị khiếm khuyết về trí tuệ không phải là bị bệnh mà là hội chứng rối loạn, cần được giáo dục để hòa nhập. Hiện nay, Bộ GD-ĐT đã có quy định cụ thể, hướng dẫn việc dạy trẻ bị khiếm khuyết trí tuệ. Theo đó, nếu trẻ không theo kịp chương trình học bình thường, có thể giảm bớt số tiết học, thậm chí có thể bỏ bớt môn học. Trẻ đến trường không phải chỉ học chữ mà còn học các kỹ năng khác. Các trường nên đào tạo những giáo viên có kỹ năng phù hợp để dạy trẻ khiếm khuyết”, ông Tâm nhấn mạnh.

Trung Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI