'Bèo' như hội thao truyền thống ngành giáo dục TP.HCM

15/11/2019 - 08:11

PNO - Công đoàn tổ chức hội thao toàn ngành giáo dục TP.HCM nhưng "người chơi" phải đóng phí và giải thưởng thì ''bèo''. Giáo viên thừa hiểu công đoàn kinh phí eo hẹp nhưng với hoạt động thể thao thiết thực cho giáo viên thì Sở GD-ĐT ở đâu?

Chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 năm nay, Công đoàn Giáo dục TP.HCM đã tổ chức hội thao truyền thống cho cán bộ, nhân viên, giáo viên trong ngành tham gia để rèn luyện sức khỏe và có cơ hội giao lưu. Đây là hoạt động cần thiết nhưng người tham gia lại cảm giác sân chơi có quy mô toàn ngành của một thành phố lớn lại hết sức… bèo bọt. 

“Nói là tổ chức cho giáo viên, người trong ngành giáo dục chơi thể thao, giao lưu với nhau nhưng lại bắt người chơi đóng lệ phí. Số tiền không đáng là bao nhưng chúng tôi tự hỏi không lẽ ngành giáo dục không thể thu xếp được chi phí cho một sân chơi chào mừng ngày 20/11? Ngành giáo dục có bao nhiêu hoạt động “hoành tráng” hơn nhưng một giải thi đấu thể thao thì không thể?”, một giáo viên bức xúc nói. 

'Beo' nhu hoi thao truyen thong nganh giao duc TP.HCM
Tham gia hội thao người chơi phải đóng phí

Theo kế hoạch, hội thao truyền thống gồm các môn thi đấu: bóng chuyền, bóng bàn, cầu lông, quần vợt, kéo co, bơi lội. Ở các môn thi đấu tập thể đồng đội như kéo co, bóng chuyền, mỗi đội phải đóng lệ phí 600.000 đồng để tổ chức khen thưởng. Các môn thi đấu cá nhân hoặc đôi thì mỗi vận động viên phải đóng lệ phí 100.000 đồng/người. Hội thao năm nay thu hút khoảng 130 đơn vị (bao gồm các phòng GD-ĐT quận, huyện; trường THPT, trường cao đẳng…) tham gia. Số vận động viên thi đấu lên đến hơn 1.000 người. 

Chuyện phải đóng lệ phí để khen thưởng khi đăng ký tham gia làm giáo viên khó chịu một thì khi cầm giải thưởng trên tay, nhiều người chỉ muốn… trả lại. Một giáo viên thi đấu môn cầu lông đã đấu sáu trận để đoạt được giải ba và nhận phần thưởng gồm: một huy chương và 200.000 đồng.

Tương tự, ở môn thi đấu này, giải nhất và giải nhì phải thi đấu bảy trận nhưng giải thưởng bằng hiện kim nhận về lần lượt là 600.000 đồng và 300.000 đồng. “Rẻ rúng! Tôi phải dùng từ chính xác như vậy. Họ tổ chức một hội thao quy mô toàn ngành giáo dục thành phố nhưng tôi chẳng thấy họ trân trọng công sức thầy cô gì cả. Thực lòng, khi nhận thưởng tôi chỉ muốn trả lại ban tổ chức cho họ hiểu”, giáo viên THPT này ấm ức.

Giáo viên thừa hiểu công đoàn kinh phí eo hẹp nhưng với hoạt động thiết thực cho giáo viên, cán bộ, nhân viên thì Sở GD-ĐT ở đâu? 

Cứ cho rằng ngành giáo dục ít kinh phí hoặc giả ngành phải thực hành tiết kiệm, nhưng nhìn vào những lần chi cho các hoạt động khác sẽ thấy lý do này không thuyết phục. Trong kết luận của Thanh tra TP.HCM vừa qua cho thấy, Sở GD-ĐT đã cấp dư kinh phí đến hơn 560 triệu đồng cho sáu trường học trực thuộc. Đây rõ ràng là tiền ngân sách, sao lại có thể “lỡ tay” như thế? Nhưng đỉnh điểm của chuyện “xài sang” phải kể đến số tiền 29 tỷ đồng mà sở đã thanh toán cho các công ty du lịch lữ hành để chi trả các chuyến hội họp, học tập, tập huấn tổ chức ngoài thành phố. 

Vậy thì nói ngành giáo dục không có tiền cũng không đúng. Người ta nghi ngờ đằng sau câu chuyện hội họp “sang chảnh” không chỉ là lãng phí, mà còn có thể là bài toán lợi ích. Lý lẽ này đặt vào trường hợp hội thao của ngành giáo dục vừa qua sẽ phần nào giúp người ta ngộ ra được nguyên nhân vì sao nó là hoạt động cần thiết và quy mô toàn ngành nhưng lại không được đầu tư tương xứng. Phải chăng là do hội thao thiếu khả năng “sinh lời”? 

Thanh Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI