Bán trú bậc THPT: Làm sao học sinh tự lập?

29/10/2018 - 05:53

PNO - Ngày càng nhiều trường THPT tại TP.HCM tổ chức phục vụ bán trú cho học sinh. Hoạt động này đáp ứng nhu cầu của phụ huynh, tiện lợi cho người học nhưng cũng tồn tại nhiều bất cập.

Nở rộ bán trú ở trường THPT

Điều kiện tiên quyết để các trường THPT tư thục tại TP.HCM thu hút được học sinh (HS) là phải có bán trú, nội trú. Lý do là đa số phụ huynh bận rộn, không thể đưa đón (buổi trưa) và sợ con ở ngoài lêu lổng, ăn uống không đảm bảo. Nhưng hiện nay, không riêng trường tư mà trường công cũng mở ra dịch vụ này để đáp ứng nhu cầu người học. 

Ban tru bac THPT: Lam sao hoc sinh tu lap?
Các trường cần linh động tạo ra nhiều hoạt động vui chơi vào buổi trưa hơn là bắt học sinh ngủ trưa như trẻ con

Trường THPT Tân Phong có khoảng 1.000 HS đăng ký bán trú, chiếm đến 2/3 HS đang học tại trường, trong đó có hơn 700 em đăng ký cơm trưa. Hiếm có trường phổ thông nào giữ bán trú đông như vậy. Ông Trần Công Bình - hiệu trưởng nhà trường - cho hay: “Học sinh của trường chủ yếu từ xa đến, không tiện cho phụ huynh đưa đi, đón về, nhất là vào buổi trưa, nên trường cố gắng giữ HS buổi trưa để phụ huynh an tâm. HS sẽ học, ăn uống, nghỉ ngơi, giải trí tại trường từ 7g đến 17g”.  

Nằm ngay nội thành nhưng Trường THPT Nguyễn Du (Q.10) cũng dành hẳn sáu phòng máy lạnh cho gần 300 HS nghỉ trưa tại trường và phân công giáo viên trông chừng. Ông Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du - nói: “Thêm việc thì cực nhưng không tổ chức nghỉ tại trường thì buổi trưa HS lang thang, vật vờ ngoài đường cũng tội. Lỡ các em vô quán xá thiếu an toàn, ăn uống mất vệ sinh, tiếp xúc tệ nạn thì quá nguy hiểm. Nghỉ lại trường, các em tiết kiệm được thời gian đi lại, tốt hơn cho buổi học tiếp theo. Mức phí chỉ 200.000 đồng/tháng”. 

Trường THPT Gò Vấp, mới tổ chức bán trú năm thứ hai nhưng số lượng HS tham gia đã lên đến 600 em (năm đầu có 420 em). Nơi ngủ trưa là phòng riêng và phòng học được lau dọn, sắp xếp lại. Mỗi em có một chiếc chiếu và gối. Học sinh có thể đăng ký cả ăn và ngủ với chi phí 630.000 đồng/tháng, hoặc chỉ đăng ký một trong hai thứ. Một thầy giáo của trường cho biết, nhu cầu rất lớn và cũng là xu hướng.

Các trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, THPT chuyên Lê Hồng Phong… cũng có bán trú với số lượng khá đông. Thống kê chưa đầy đủ nhưng có khoảng 1/4 trong số 90 trường THPT công lập tại TP.HCM mở thêm dịch vụ này.

Nhà trường làm thay quá nhiều

Hầu hết HS THPT đều phải học hai buổi nên việc nghỉ buổi trưa tại trường sẽ tiện lợi cho các em. Thế nhưng, khi điều kiện cơ sở vật chất không thể đáp ứng cho tổ chức bán trú một cách bài bản thì sự tiện lợi có khi lại thành bất lợi, ảnh hưởng đến sức khỏe HS. 

Chị Trâm Anh, phụ huynh HS Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, đồng thời cũng là người nghiên cứu về giáo dục, kể: “Tôi từng đăng ký cho con vào lớp bán trú, nhưng sau một thời gian thì con gái than: cả ngày chỉ mặc một bộ đồ để học tập, sinh hoạt; lớp học cũng là chỗ ngủ; ngột ngạt và tù túng”. Nghe con than, chị đã nhanh chóng xin cho con ra khỏi lớp bán trú vì nghĩ rằng với điều kiện sinh hoạt như vậy sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất của con. Một phụ huynh HS Trường THPT Tân Phong cũng lo lắng: “Cho con gái ở lại trường ngủ trưa cũng khá ngại. Các cháu đang ở lứa tuổi mới lớn, hiếu kỳ, thích khám phá nên tôi không an tâm”.

Dù HS được ngủ chiếu tại các phòng chức năng, nhưng ông Huỳnh Thanh Phú cũng thừa nhận điều kiện ăn, ở tại trường không thể tốt. Ông Phú cho rằng, các trường cần linh động tạo ra nhiều hoạt động vui chơi vào buổi trưa hơn là bắt HS ngủ trưa như trẻ con.

Một số nhà giáo dục cho rằng, tổ chức bán trú cho HS THPT là đáp ứng nhu cầu của phụ huynh nhưng không tốt cho HS. Ở lứa tuổi này, lẽ ra phải tập cho các em tự lập, tự chăm sóc, sinh hoạt. Nhà trường lại làm thay quá nhiều, phục vụ từ việc ăn, ngủ thì các em sẽ tự lập kiểu nào? Hơn nữa, ở lứa tuổi này, nếu tổ chức bán trú mà không quản xuể thì rất dễ xảy ra những sự cố ngoài ý muốn liên quan đến tình cảm giới tính của các em. 

Không thể phục vụ kiểu giữ trẻ 

Đứng ở góc độ quản lý ngành, ông Đỗ Minh Hoàng - Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM - cho biết: HS học và sinh hoạt cả ngày ở trường là xu hướng chung. Hơn nữa, nhu cầu này rất lớn nên các trường tùy vào thỏa thuận với phụ huynh và điều kiện của trường để tổ chức. Tuy nhiên, với HS THPT, các trường không thể phục vụ như giữ trẻ. Thay vì làm bếp ăn hay mua suất ăn công nghiệp thì có thể làm căng-tin đa dạng kiểu khu tự chọn - tự phục vụ, ăn xong phải dọn dẹp để tập cho HS cách sinh hoạt cộng đồng. Thư viện của các trường hiện nay đa phần đều số hóa nên ngoài chuyện đọc sách, các em có thể vào đây để truy cập thông tin, học tập nếu muốn. Nếu linh động có thể bố trí chuyên viên tâm lý, hướng nghiệp phục vụ cho HS có nhu cầu. Nếu tổ chức được như vậy thì sẽ thiết thực hơn.

Gia Tuệ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI